Điểm mặt nguyên nhân gây đau bụng ở người cao tuổi

TS. Nguyễn Văn Phương |

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở người cao tuổi, biểu hiện đau bụng thường không rõ ràng như người trẻ, cảm giác ở người bệnh cao tuổi thường không rõ ràng khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm trước khi xuất hiện triệu chứng, do đó cần chú ý trong chăm sóc, để ý các dấu hiệu sớm của người bệnh dù mơ hồ, để đi khám và điều trị kịp thời.

Đau bụng là triệu chứng biểu hiện của một loạt bệnh lý ở bệnh nhân (BN) cao tuổi, triệu chứng có thể biểu hiện rất khác biệt so với các BN trẻ hơn. BN cao tuổi có xu hướng đi thăm khám muộn hơn so với người trẻ, các triệu chứng của họ thường mơ hồ và các kết quả kiểm tra thường không rõ ràng.

Cảm giác ở BN cao tuổi thường giảm sút khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm trước khi xuất hiện triệu chứng.

Điểm mặt nguyên nhân gây đau bụng ở người cao tuổi - Ảnh 1.

Sỏi túi mật là 1 nguyên nhân gây đau bụng ở người cao tuổi.

Một số bệnh lý gây đau bụng thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh lý đường mật: Bệnh lý đường mật là chẩn đoán thường gặp nhất ở BN cao tuổi đến khám vì đau bụng. Khoảng 30-50% BN trên 65 có sỏi túi mật. Tỷ lệ tử vong ở BN cao tuổi được chẩn đoán viêm túi mật khoảng 10%. Viêm túi mật không do sỏi chiếm khoảng 10% ở BN cao tuổi bị tình trạng này. Kinh điển, chẩn đoán đòi hỏi phải có đau 1/4 trên bụng phải kết hợp với sốt và bạch cầu tăng.

Viêm ruột thừa: Đây là một nguyên nhân đau bụng ít gặp ở BN cao tuổi so với những BN trẻ, chỉ có khoảng 10% các trường hợp viêm ruột thừa cấp xảy ra ở bệnh nhân trên 60 tuổi, trong khi đó, 50% số ca tử vong do viêm ruột thừa lại xảy ra ở nhóm tuổi này.

Việc chẩn đoán có thể khó thực hiện, do trên 50% số BN trong nhóm tuổi này không có sốt hoặc tăng bạch cầu. Ngoài ra, khoảng 30% BN không đau khu trú ở 1/4 dưới bụng phải và 25% BN không đau đáng kể ở 1/4 dưới bụng phải.

Chỉ có 20% BN cao tuổi đến khám với biếng ăn, sốt, đau 1/4 bụng dưới phải và tăng bạch cầu. Chẩn đoán ban đầu thường không chính xác ở 40-50% BN ở độ tuổi này.

Viêm túi thừa đại tràng: Viêm túi thừa xảy ra khi túi thừa bị phân làm cho tắc nghẽn dẫn đến tắc nghẽn mạch bạch huyết, viêm và thủng túi thừa. Theo định nghĩa, viêm túi thừa ít nhất phải liên quan đến thủng đại tràng ở dạng vi thể.

Khoảng 85% trường hợp viêm túi thừa xảy ra ở đại tràng trái. Viêm túi thừa bên phải thường khó chẩn đoán hơn và cũng thường lành tính hơn. BN viêm túi thừa cao tuổi thường không sốt và chưa đến một nửa số BN có bạch cầu tăng.

Nhồi máu mạc treo: Cần chú ý đến nhồi máu mạc treo trong chẩn đoán phân biệt, dù nó chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp đau bụng ở người cao tuổi. Tỷ lệ tử vong khoảng 70-90%. Chẩn đoán chậm sẽ làm tăng nguy cơ tử vong. BN đến khám với đau bụng dữ dội nhưng bụng lại mềm, không phản ứng khi thăm khám. Thường đi kèm với ói và tiêu chảy.

Tắc ruột: Tắc ruột chiếm khoảng 12% các trường hợp đau bụng ở BN cao tuổi. Tắc nghẽn được phân loại thành tắc nghẽn ruột non hoặc tắc nghẽn đại tràng, mặc dù khó có thể phân biệt được chúng trên lâm sàng.

Phình động mạch chủ bụng: Phình động mạch chủ bụng (PDMCB) hầu như chỉ gặp ở người cao tuổi. Khoảng 5% đàn ông trên 65 tuổi có PDMCB. Tỷ lệ nam/nữ là 7/1. Nếu chẩn đoán vỡ PDMCB được thiết lập trên một BN có huyết động ổn thì tỷ lệ tử vong khoảng 25%. Nếu BN trong tình trạng sốc thì tỷ lệ tử vong sẽ là 80%.

Loét tiêu hoá: Loét dạ dày - tá tràng nên được đặc biệt đề cập đến vì tỷ lệ mắc ở các BN cao tuổi ngày càng tăng. Điều này một phần có thể do việc sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) ngày càng nhiều.

Người sử dụng NSAIDs có nguy cơ bị loét tiêu hoá cao gấp 5-10 lần so với người không dùng thuốc. Tỷ lệ tử vong của BN cao tuổi loét tiêu hoá cao gấp 100 lần so với BN loét tiêu hoá trẻ. Chẩn đoán loét tiêu hoá ở BN cao tuổi khó khăn. Khoảng 35% BN cao tuổi loét tiêu hoá không có triệu chứng đau. Các dấu hiệu thường gặp nhất là tiêu phân đen.

Bệnh lý ác tính: Trong số những BN cao tuổi xuất từ các khoa cấp cứu với chẩn đoán đau bụng không đặc hiệu, có khoảng 10% sau này sẽ được chẩn đoán mắc một bệnh ác tính tiềm tàng.

Viêm dạ dày ruột: Viêm dạ dày ruột nên được xem xét như là một chẩn đoán loại trừ ở BN cao tuổi có nôn và tiêu chảy. Nôn và tiêu chảy có thể do nhiều căn nguyên gây ra. Hồi cứu về các trường hợp viêm ruột thừa bị bỏ sót cho thấy khoảng một nửa số BN ban đầu đã được chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày ruột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại