Ảnh minh họa
Cuộc tranh cãi xung quanh điểm G
Nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu tình dục người Mỹ Alice Laddas qua đời vào tháng 8 năm 2023 ở tuổi 102. Tên tuổi của bà có lẽ không gây nhiều ấn tượng, nhưng hơn 40 năm trước, bà là một trong những người đã khiến khái niệm điểm G (một vùng mô nhạy cảm ở thành trước của âm đạo) được biết đến rộng rãi, theo chuyên trang tâm lý Mỹ Psychology Today.
Thời gian đó, Laddas cùng nhà tâm lý học John Perry và giáo sư điều dưỡng Beverly Whipple tuyên bố điểm G có thể là một điểm kích thích tiềm năng trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1982 của họ - "Điểm G và những khám phá gần đây khác về tình dục con người".
Cuốn sách lập tức gây ra tranh cãi nảy lửa. Nhiều phụ nữ đã tìm thấy điểm G của mình và tận hưởng những cảm giác khác nhau liên quan đến điểm G. Nhiều người khác không thể tìm thấy điểm G của họ, hoặc nếu có, họ cũng không thể cảm nhận được gì.
Tất nhiên, trong nghiên cứu về tình dục, những phát hiện gây tranh cãi không phải là hiếm. Nhưng sự tranh cãi về điểm G đặc biệt kéo dài với cường độ đặc biệt mạnh mẽ. Cho dù có bao nhiêu phụ nữ ca ngợi khoái cảm của điểm G, và cho dù có bao nhiêu nghiên cứu xác nhận sự tồn tại và tầm quan trọng của nó, thì một số nhà nghiên cứu vẫn phủ nhận trải nghiệm của phụ nữ với điểm G và coi điểm G là một ảo giác của số đông. Những người này nhấn mạnh rằng sự cường điệu quá mức của truyền thông đã đánh lừa nhiều phụ nữ cả tin tưởng tượng ra vùng khoái cảm vốn không tồn tại.
Trên các diễn đàn chia sẻ về tình dục, rất nhiều câu hỏi về điểm G được gửi đến từ những người phụ nữ hoang mang, lo lắng. Những người ít hoặc không cảm nhận được gì khi được kích thích điểm G tự hỏi liệu có phải bản thân có vấn đề. Trong khi đó, những người cảm thấy hưng phấn tột độ khi được kích thích điểm G lại cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó nghi ngờ trải nghiệm của họ.
Nguồn gốc của điểm G
Mặc dù điểm G chỉ được biết đến rộng rãi hơn 40 năm gần đây, khái niệm này đã được phát hiện từ những năm 1940. Khi đó, hai bác sĩ phụ khoa Ernst Grafenberg và Robert Dickinson phát hiện ra "một vùng cảm giác hưng phấn" ở thành trước âm đạo. Trong một báo cáo năm 1950, họ khẳng định vùng này chứa mô cương cứng, sẽ phồng lên khi được chạm vào, từ đó tăng cường khoái cảm tình dục và khả năng đạt cực khoái.
Phải đến 30 năm sau, báo cáo này mới được ba nhà khoa học là Ladas, Perry và Whipple chú ý đến. Họ cho rằng tất cả phụ nữ đều có điểm G nhạy cảm với khoái cảm và quyết định đặt tên cấu trúc này là điểm Grafenberg hay điểm G (bỏ qua Dickinson). Như đã nói ở trên, cuốn sách về điểm G xuất bản năm 1982 của Perry và Whipple đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất và năm tạo nên làn sóng quan tâm mạnh mẽ đến vùng bí ẩn này.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã bác bỏ hoàn toàn điểm G, cho rằng việc chạm vào vùng này không mang lại cảm giác hưng phấn cho nhiều phụ nữ. Ladas, Whipple và Perry phản bác rằng điểm G không phải là một điểm cụ thể mà là một vùng ở thành trước âm đạo. Điểm G dễ tìm thấy nhất khi phụ nữ được kích thích cao độ.
Vậy điểm G có thực sự tồn tại hay không và có phải điểm nhạy cảm thực sự?
Gần đây, trong một bài đánh giá toàn diện các nghiên cứu về điểm G, các nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha đã ghi nhận nhiều bằng chứng ủng hộ sự tồn tại của điểm G.
Nghiên cứu khoa học nói gì về điểm G?
Các nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha đã xem xét 31 nghiên cứu về điểm G.
- Một số nghiên cứu đã hỏi phụ nữ xem họ có tìm ra điểm G của mình hay không. Trong số 5.072 người tham gia khảo sát, gần 2/3 (63%) cho biết họ có điểm G.
- Hầu hết các báo cáo sử dụng hình ảnh siêu âm và MRI đều xác định được một cấu trúc ở thành trước âm đạo, ba trong số các báo cáo ghi nhận các kết nối thần kinh với âm vật.
- Một số nghiên cứu dựa trên bằng chứng sinh thiết hoặc khám nghiệm tử thi mô tả một khu vực ở thành trước âm đạo dày đặc các mạch máu nhỏ và dây thần kinh nhạy cảm với xúc giác.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu Bồ Đào Nha kết luận "các nghiên cứu đã thống nhất một cách có hệ thống về sự tồn tại của điểm G. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu thừa nhận điểm G có tồn tại, không có sự thống nhất về vị trí, kích thước hay bản chất của nó. Sự tồn tại của cấu trúc này vẫn chưa được chứng minh".
Kết luận
Một số phụ nữ cho biết họ đạt cực khoái cực độ khi được kích thích điểm G. Những người khác lại cho rằng nó chỉ là một sự hỗ trợ tình dục rất nhỏ. Và cũng có những người không cảm thấy gì, hoặc cảm thấy khó chịu khi bị kích thích điểm G. Nói tóm lại, các phản ứng đa dạng của phụ nữ đối với việc kích thích điểm G chỉ đơn giản là phản ánh sự khác biệt của mỗi cá nhân. Và trong chuyện phòng the, mỗi cá nhân sẽ có trải nghiệm riêng biệt và đây mới là điều quan trọng cần xem xét.