Sau Trung Quốc và Italy, Mỹ hiện giờ trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới. Theo mô hình dịch tễ học công bố mới đây cho thấy, virus này có thể lây nhiễm cho hàng triệu người Mỹ và khiến khoảng 100.000 đến 240.000 người tử vong trong những tháng tới.
Trong khi Mỹ và một số nước khác đang bị chỉ trích vì có những phản ứng chậm chạp và thiếu hiệu quả kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát thì Hàn Quốc, Canada, Gerogia... lại được cho là khá thành công trong việc “làm phẳng đường cong” trước khi tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt theo cấp số nhân.
1. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)
Đài Loan thông báo ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 21/1, nhưng khu vực này đã thành công trong việc kiềm chế dịch bệnh lây lan. Tính đến ngày 1/4, Đài Loan chỉ ghi nhận 329 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 5 trường hợp tử vong.
Sở dĩ số ca mắc Covid-19 tăng chậm là bởi chính quyền vùng lãnh thổ này đã ngay lập tức hành động khi có thông tin về “căn bệnh bí ẩn” tại Vũ Hán. Đài Loan, nằm cách Trung Quốc đại lục chỉ hơn 160km, bắt đầu sàng lọc khách du lịch đến đây vào ngày 31/12/2019, thiết lập một hệ thống theo dõi những người tự cách ly và đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế vào tháng 1/2020.
2. Hàn Quốc
Hàn Quốc từng là một trong những quốc gia chịu sự bùng phát dịch bệnh lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên nước này đã có những biện pháp hiệu quả nhằm “làm phẳng đường cong” mà không cần phong tỏa. Chìa khóa của Hàn Quốc là tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.
Với dân số 51 triệu người, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 20.000 người mỗi ngày, áp dụng biện pháp cách ly và theo dõi chặt chẽ liên lạc của bệnh nhân để phá vỡ chuỗi lây truyền bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hàn Quốc đã chứng tỏ hiệu quả của mô hình kết hợp này trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giảm áp lực cho hệ thống y tế và khiến tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở mức thấp nhất thế giới, Giáo sư Devi Sridhar, Giám đốc Chương trình Quản trị Y tế Toàn cầu tại Đại học Y khoa Edinburgh đánh giá.
3. Canada
Mặc dù là nước láng giềng của Mỹ, nhưng Canada lại được coi là một câu chuyện thành công khác trong ngăn chặn dịch bệnh. Nước này đã thành công trong việc triển khai các xét nghiệm mở rộng.
Vào tháng 1 và tháng 2/2020, Canada đã bắt đầu thiết lập cơ sở hạ tầng để làm xét nghiệm và theo dõi dấu vết virus. Phản ứng sớm một phần xuất phát từ kinh nghiệm của Canada khi đại dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Thời điểm đó, Canada là quốc gia duy nhất bên ngoài châu Á thông báo có trường hợp tử vong do SARS.
Canada có hệ thống chăm sóc y tế công cộng được đầu tư tốt và các tiêu chí cho những người có thể được làm xét nghiệm không bị giới hạn như ở Mỹ. Bằng cách phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm virus và điều tra nguồn gốc, Canada đã giảm bớt tác động của dịch bệnh.
4. Georgia
Có một số câu chuyện thành công một cách bất ngờ. Cây bút Amy Mackinnon của Foreign Policy cho biết, Georgia là một ví dụ điển hình về phản ứng sớm.
Mặc dù có diện tích nhỏ và nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, quốc gia này đã bắt đầu thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt vào cuối tháng 2/2020, trong đó có việc đóng cửa các trường học và tiến hành xét nghiệm rộng rãi.
Đến thời điểm hiện tại, quốc gia này chỉ ghi nhận 117 ca mắc và không có ca tử vong do Covid-19. “Tôi cho rằng, việc chính phủ xem trọng vấn đề ngày từ đầu đã phát huy hiệu quả”, nhà báo Georgia Natalia Antelava cho biết.
5. Iceland
Iceland có tỷ lệ xét nghiệm trên đầu người cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đây là nỗ lực do công ty nghiên cứu y tế tư nhân có trụ sở tại Reykjavik dẫn đầu. Nghiên cứu sẽ được sử dụng để thông báo về phản ứng toàn cầu đối với đại dịch.
“Tại Iceland, chúng tôi có một bức tranh rõ ràng hơn về cách thức virus lây lan trong dân số nói chung”, Jelena Ciric, một nhà báo ở Iceland cho biết. “Sự gia tăng các các mắc không theo cấp số nhân do chúng tôi thực hiện biện pháp kiểm dịch sớm với những người có khả năng bị phơi nhiễm với virus”.
6. Thụy Điển
Trong khi phần còn lại của châu Âu áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với người dân, ban hành lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới, hạn chế các hoạt động kinh tế thì Thụy Điển lại theo đuổi cách tiếp cận có phần ít căng thẳng hơn đối với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt đề cao ý thức tự giác của công dân.
Dù đã ghi nhận 4.947 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng chính phủ Thụy Điển vẫn đặt cược vào một nền văn hóa có sự tin tưởng cao, tin rằng các cá nhân sẽ tự nguyện thực hiện biện pháp ngăn chặn Covid-19 mà không cần sự bắt buộc từ chính phủ.
Nhà báo Nathalie Rothschild của Thụy Điển cho biết: “Có một sự kỳ vọng rằng công dân sẽ tuân thủ biện pháp phòng tránh, rằng họ sẽ tự chịu trách nhiệm về mặt cá nhân, tránh xa đám đông, làm việc ở nhà, giữ khoảng cách khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà không cần phải ép buộc”. Hai tuần tới sẽ là khoảng thời gian để cho thấy liệu đây có phải là một biện pháp hiệu quả hay không./.