Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: TASS
Hãng thông tấn TASS đưa tin Indonesia là quốc gia gần đây nhất đưa ra kế hoạch hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine (mặc dù Moskva chưa nhận được thông tin chi tiết). Giống với đề xuất của Trung Quốc, bản kế hoạch của Indonesia kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức, khiến Kiev lên tiếng bác bỏ hoàn toàn. Ukraine chỉ sẵn sàng thảo luận về những đường lối do đích thân Tổng thống Volodymyr Zelensky khởi xướng. Trong khi đó, Nga coi quan điểm đó là phi thực tế và khẳng định rằng việc 4 khu vực thuộc Ukraine sáp nhập vào Nga không phải là vấn đề cần thảo luận.
Dưới đây là những điểm chính về các kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine:
Kịch bản kiểu bán đảo Triều Tiên
Phương án do Indonesia đề xuất hồi đầu tháng 6 giống như các giải pháp cho bán đảo Triều Tiên sau khi chiến tranh nổ ra giữa hai miền Nam - Bắc những năm 1950: hai bên ngừng bắn ngay lập tức, lui quân 15 km khỏi vị trí hiện tại và thành lập khu phi quân sự (DMZ).
Ngoài ra, sáng kiến này của Indonesia còn đề cập đến việc bố trí lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại DMZ, cũng như tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý do LHQ giám sát, nhằm xác nhận khách quan nguyện vọng của người dân. Dù vậy, bản kế hoạch không nêu rõ các vùng lãnh thổ đang được đề cập.
Indonesia tuyên bố sẵn sàng tham gia mọi bước trong tiến trình, cũng như đưa quân đội nước này đến Ukraine như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto khẳng định tính hiệu quả của các biện pháp như vậy đã được chứng minh tại bán đảo Triều Tiên.
Kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc
Hồi tháng 2, Trung Quốc đã công bố giải pháp hòa bình gồm 12 điểm cho Ukraine. Trong đó, Bắc Kinh kêu gọi các bên giảm leo thang, ngừng bắn và chấm dứt chiến sự, cũng như tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình. Trung Quốc nhấn mạnh rằng các mối quan ngại về an ninh của tất cả các bên phải được tính đến; trong khi đó, không nên cố gắng đảm bảo hòa bình khu vực bằng cách mở rộng các khối quân sự.
Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc còn đề cập đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, trao đổi tù nhân và đảm bảo xuất khẩu lương thực thông qua hành lang ngũ cốc.
Trung Quốc kêu gọi cấm phát triển và sử dụng vũ khí sinh học và hóa học, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân. Theo Bắc Kinh, các bên nên ngừng áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, đồng thời chống lại các nỗ lực vũ khí hóa nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc cũng sẵn sàng hỗ trợ các khu vực xung đột ở Ukraine tái thiết sau chiến tranh.
Sáng kiến của Brazil, Pháp và Vatican
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng kêu gọi hai bên tổ chức đàm phán. Theo quan điểm của ông, cần thiết lập một thể thức quốc tế mới với sự tham gia của các quốc gia sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải cho Moskva và Kiev, và không được tham gia cuộc xung đột.
Ông Lula da Silva kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của LHQ với sự tham gia của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Mặc dù vẫn chưa công bố chi tiết về giải pháp hòa bình cho Ukraine, nhưng nhà lãnh đạo Brazil tin rằng Moskva phải được đưa ra một số "điều kiện tiên quyết tối thiểu".
Theo Bloomberg, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng muốn phát triển kế hoạch hòa bình riêng cùng với Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà lãnh đạo Pháp mới chỉ đề xuất ông Zelensky tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng về cuộc xung đột này ở Paris. Ông Macron đồng thời kêu gọi trao cho Ukraine những đảm bảo an ninh đáng tin cậy. Đức cũng ủng hộ lời kêu gọi trên, trong khi Đan Mạch và Thụy Điển tuyên bố sẵn sàng cung cấp nền tảng cần thiết.
Tòa thánh Vatican cũng đề xuất một sứ mệnh hòa bình và các nỗ lực hòa giải cho xung đột hiện nay ở Ukraine. Giáo hoàng Francis tuyên bố sẵn sàng đến thăm Kiev và Moskva. Hiện tại, sứ mệnh hòa bình của Tòa thánh Vatican đang được dẫn dắt bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italy Matteo Zuppi. Tuy nhiên, các điều khoản và điều kiện tiên quyết của nhiệm vụ vẫn chưa được công bố. Giám mục lưu ý rằng sáng kiến này là không công khai, mặc dù mục tiêu là đạt được một lệnh ngừng bắn.
Sứ mệnh hòa bình của các quốc gia châu Phi
Giữa tháng 5, Nam Phi tuyên bố rằng các quốc gia châu Phi đang nỗ lực thuyết phục Nga và Ukraine nối lại đàm phán hòa bình. Sáng kiến châu Phi không phải một kế hoạch duy nhất. Thay vào đó, nó tập hợp một số ý tưởng từ các kế hoạch khác, chẳng hạn như ngừng bắn và đưa LHQ thành nền tảng dàn xếp chính. Các quốc gia châu Phi cũng quan tâm đến việc giới thiệu lại một số ngân hàng Nga vào hệ thống thanh toán SWIFT.
Hiện tại, các quốc gia này đang đàm phán về những điều khoản và thời gian cho chuyến thăm của phái đoàn tới Moskva và Kiev. Dự kiến, các cuộc họp sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Quan điểm của Nga
Lập trường của Nga đã được vạch ra trong các cuộc đàm phán ở Belarus, và sau đó là các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 2 - tháng 4/2022. Nga muốn Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập các khối quân sự hay liên minh nào, cũng như từ chối sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Nga đặt mục tiêu phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraine, giải quyết vấn đề ngôn ngữ, cũng như công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk, đồng thời công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và Sevastopol. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, các cuộc đàm phán bị đình trệ.
Nga nhiều lần lưu ý rằng họ hoan nghênh nỗ lực của tất cả quốc gia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng họ mong đợi các đề xuất cụ thể hơn nữa, trong đó có cả từ Indonesia, Vatican và Nam Phi. Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng không có kế hoạch hòa bình nào có thể tồn tại nếu không bao gồm việc sáp nhập 4 khu vực mới vào Nga.
Tuy nhiên, ông Putin chỉ ra rằng kế hoạch của Trung Quốc có thể được coi là cơ sở cho hiệp ước hòa bình, khi phương Tây và Kiev sẵn sàng cho điều đó.
“10 bước” của Tổng thống Zelensky
Về phần mình, tháng 11/2022, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình mà Ukraine coi là giải pháp lâu dài khả thi duy nhất. Kế hoạch này gồm 10 bước.
Theo ông Zelensky, Nga phải rút lực lượng khỏi Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trao đổi tất cả tù binh. Kiev phải được đảm bảo an ninh quân sự, hạt nhân, lương thực, sinh học và năng lượng thông qua các cơ chế quốc tế. Ngoài ra, Ukraine muốn Nga phải chi trả mọi thiệt hại do chiến tranh gây ra.
Theo Kiev, thời gian dành cho các bên hòa giải như Trung Quốc, Brazil, Vatican đã hết, trong khi sáng kiến của Indonesia sẽ chỉ “câu giờ” cho Nga. Ukraine sẵn sàng thảo luận về các đề xuất của châu Phi, nhưng không có ý định đóng băng cuộc xung đột.