Trộm cắp theo yêu cầu
Fox News dẫn lời các nhà khảo cổ học đưa ra cảnh báo rằng rất nhiều các loại cổ vật có nguồn gốc ở Syria và Iraq đang bị bày bán công khai trên các trang mạng, đặc biệt là Facebook.
Dẫn nguồn một số nghiên cứu, BBC cho biết mạng xã hội là phương tiện hữu hiệu để các nhóm buôn lậu mua và và bán cổ vật từ những vùng bị chiến tranh tàn phá.
Trong nhiều năm qua, những cuộc giao tranh khốc liệt chống nhóm IS tại Syria và Iraq đã tạo ra "thị trường nghệ thuật của giới khủng bố" với mục đích tiêu thụ những kho báu bị đánh cắp. Tại Syria, UNESCO mô tả rằng đã có một cuộc tàn phá và trộm cắp cổ vật "ở quy mô công nghiệp".
Tiến sĩ Amr al-Azm, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Shawnee, cho biết các loại báu vật cổ đại đã xuất hiện liên tục trên Facebook trong những năm qua. "Chúng tôi đã để ý hiện tượng này từ khoảng năm 2013, 2014. Những cổ vật bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng," ông nói.
Bên cạnh những trang Facebook chào bán cổ vật bị đánh cắp, nhiều nơi còn có lựa chọn "trộm cắp theo yêu cầu". Tại đây, người mua có thể lựa chọn cổ vật cụ thể và chờ người đi trộm về.
Nhóm khủng bố IS viết dòng chữ "Chúng ta vẫn tồn tại" trên một phiến đá ở Đền thờ Bel thuộc thành phố lịch sử Palmyra, thuộc tỉnh Homs, Syria ngày 1/4/2016. Ảnh: AP
Trả lời BBC, Facebook cho biết đã xóa 49 nhóm và trang buôn bán cổ vật dựa theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học. Tuy nhiên ông al-Azm tỏ ra hoài nghi về con số này.
"Chúng tôi đã theo dõi hơn 90 trang. Nhưng trong số 90 trang này, chỉ có 5 trang bị xóa," ông al-Azm trả lời Fox News. Cũng theo tiến sĩ này, nhiều nhóm buôn bán cổ vật có hàng nghìn thành viên, và trong một số trường hợp đặc biệt, có tới hơn 100.000 thành viên trong một nhóm trao đổi bất hợp pháp. "Chỉ trong hơn một năm, từ dưới 10 người tham gia, một nhóm bán cổ vật có thêm 50.000 thành viên mới."
Hậu quả nặng nề
Al-Azm là đồng giám đốc của dự án Nghiên cứu Nhân chủng học Di sản và Hành vi Buôn bán Cổ vật (ATHAR), chuyên điều tra hoạt động buôn lậu cổ vật trên mạng.
Theo ông al-Azm, các trang bán cổ vật trên Facebook được điều hành bởi một nhóm nhỏ với khoảng 20 thành viên. "Đây không phải là hành động tự phát - mà là hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia," ông khẳng định.
Trong khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phá hủy những khu vực cổ đại như Palmyra ở Syria, nhóm khủng bố này cũng kiếm được khoản tiền lớn từ việc buôn bán cổ vật. Mặc dù những tên khủng bố đã bị tiêu diệt gần như hoàn toàn, nhưng những hậu quả kinh hoàng chúng để lại vẫn khiến giới khảo cổ đau xót.
Palmyra sau khi bị ISIS tấn công. Ảnh: Reuters
"Các tổ chức cực đoan coi di sản văn hóa là một loại tài nguyên. Chúng phá hủy, đập nát những đồ vật không bán được và sử dụng số còn lại để kiếm tiền."
Ngoài ra, mặc dù các nhóm cực đoan như IS và al-Nursa có liên quan không nhỏ tới hoạt động buôn bán cổ vật, nhưng những kẻ trộm ở địa phương mới chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường buôn bán ở Syria và Iraq. Giới nghiên cứu mô tả đây là những người kiếm tiền từ cổ vật giữa bối cảnh nghèo đói và chiến tranh.
Các chuyên gia cũng phát hiện rằng phe đối lập của chính quyền Syria tham gia nhiều trong việc trộm cắp và buôn bán cổ vật.
Ông al-Azm cho biết hiện tượng buôn bán cổ vật trên Facebook không phải là hiếm, và thường xuất hiện ở những vùng có nhiều tranh chấp như Yemen và Libya. "Bất cứ khi nào có mâu thuẫn, ở đó sẽ có cảnh buôn bán cổ vật," ông nói.
Hiện tại, tiến sĩ al-Azm mong muốn Facebook sẽ hợp tác cùng cơ quan pháp luật để có chiến lược đối phó với hoạt động buôn bán bất hợp pháp trên mạng xã hội.
Ông cảnh báo việc xóa những trang rao bán có thể phản tác dụng bởi như vậy sẽ xóa đi những bằng chứng quan trọng để truy tìm hung thủ.
Trong một dự án khác, các chuyên gia từ Đại học Pennsylvania và Harvard đã quét những bức ảnh thời Hậu Chiến Tranh Lạnh mới được giải mật và phát hiện các cấu trúc cổ đại dọc khắp Trung Đông. Những bức hình đã cho thấy những khu di tích lịch sử quan trọng trước khi chúng bị tàn phá bởi chiến tranh.