Ảnh minh họa.
Dịch vụ “hồi sinh” người chết ở Trung Quốc
Vào tháng 12/2023, tin tức về một người đàn ông họ Ngô (họ tên nhân vật đã được thay đổi) ở Kim Hoa, Chiết Giang, Trung Quốc “hồi sinh” người con trai đã mất của mình bằng trí tuệ nhân tạo. Tin tức này đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng xứ Trung.
Cụ thể, đứa con trai duy nhất của ông Ngô đã đột ngột qua đời ở tuổi 22 vì đột quỵ khi đang du học ở Anh. Điều này khiến hai vợ chồng ông vô cùng đau khổ nên ông đã tìm đến sự trợ giúp của AI.
Ông Ngô đầu tư nhiều nguồn lực và công sức để thu thập ảnh, video và các đoạn ghi âm về con trai mình, đồng thời sử dụng công nghệ deep learning để tái tạo khuôn mặt và giọng nói của con trai. Mục tiêu của ông là tạo ra một nhân vật thực tế ảo tương tự như con trai.
Bài báo trên trang tin tức Sina của Trung Quốc miêu tả, tại một nghĩa trang ở Chiết Giang, ông Ngô rút điện thoại ra, đặt lên bia mộ và phát đoạn ghi âm những lời con trai chưa từng nói khi còn sống nhưng đã được AI mô phỏng tạo ra.
“Con biết cha ngày nào cũng đau khổ vì con. Con cảm thấy rất có lỗi và bất lực. Dù con không thể ở bên cha nữa nhưng linh hồn con vẫn ở thế giới này và đồng hành cùng cha suốt cuộc đời”, giọng nói trong điện thoại vang lên.
Tờ China Press đưa tin, hiện nay, ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc lựa chọn việc dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để “gặp lại” người thân đã mất. Dịch vụ này sử dụng AI để tạo ra những nhân vật kỹ thuật số có vẻ ngoài và giọng nói giống với người đã khuất. Các nhân vật có thể trò chuyện, từ đó góp phần xoa dịu nỗi đau buồn của gia đình trước sự ra đi của người quá cố.
Trương Trạch Vĩ, người sáng lập ra công ty trí tuệ nhân tạo “Super Brain”ở Trung Quốc và từng hợp tác với ông Ngô nhận định, dịch vụ này thật sự rất tiềm năng.
Ông Trương Trạch Vĩ cho biết, công ty đã thực hiện khoảng 600 đơn hàng, hơn một nửa trong đó là những bậc cha mẹ mất con. Ngoài ra còn có cả đơn hàng yêu cầu “hồi sinh” bạn trai cũ của một người phụ nữ.
Khách hàng thậm chí còn có thể thực hiện các cuộc gọi điện video với nhân vật có khuôn mặt và giọng nói giống với người đã khuất.
Về chi phí sử dụng dịch vụ, ông Trương Trạch Vĩ tiết lộ, công ty Super Brain tính phí 10.000 - 20.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 34 - 68 triệu đồng) cho một đơn hàng, thời gian hoàn thành là 20 ngày.
Một số hãng công nghệ khác tại Trung Quốc quảng cáo rằng họ có thể "hồi sinh" người đã khuất chỉ với 30 giây dữ liệu hình ảnh và âm thanh. Hình ảnh thực tế ảo được sử dụng với mục đích xoa dịu phần nào sự nhớ nhung người đã khuất của gia đình.
Dịch vụ đang nhận được sự quan tâm của nhiều người nhưng nó cũng vướng phải một số tranh cãi liên quan việc xâm phạm quyền riêng tư của người đã khuất cũng như kẻ xấu có thể tận dụng hình ảnh thực tế ảo để thực hiện hành vi lừa đảo.
Góc nhìn của chuyên gia tâm lý
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thực tế ảo đã giúp con người xoa dịu được phần nào cảm giác tiếc nuối, nhớ nhung người đã khuất.
Phó giáo sư tâm lý học Sherman Lee, làm việc tại Đại học Christopher Newport ở Hoa Kỳ cho biết: “Xét về mặt tâm lý, việc kết nối lại với người thân đã khuất là mong muốn cơ bản của con người. Chúng ta có thể kết nối với người thân đã khuất bằng nhiều cách khác nhau như xem lại tin nhắn, video cũ và giờ đây là tương tác với các nhân vật thực tế ảo có khuôn mặt và giọng nói giống với người đã mất. Điều này đem lại sự thoải mái về mặt cảm xúc”.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc nhớ nhung người đã khuất cũng có thể làm trầm trọng thêm nỗi đau vì nó khiến mọi người hồi tưởng lại sự mất mát thêm một lần nữa .
“Nếu bạn hỏi tôi việc xem video về người thân đã khuất của bạn mỗi đêm có phải là một việc hữu ích không, tôi sẽ trả lời là không. Thay vào đó, tôi nghĩ mọi người nên dành thời gian để tái hòa nhập với cuộc sống và dành thời gian đó cho bạn bè và những thành viên khác trong gia đình”, phó giáo sư Lee nói.
Các nhà tâm lý học cho biết việc tạo một bản sao thực tế ảo của người thân đã mất có thể mang lại hiệu quả trị liệu cho những bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý vì sự ra đi của người thân. Trước đây, các nhà trị liệu thường yêu cầu người bệnh tưởng tượng ra cảnh trò chuyện với người thân đã khuất, viết 1 bức thư gửi cho họ. Nhưng giờ đây, sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo giúp trải nghiệm gặp người thân đã khuất trở nên sống động hơn.
Cách đối mặt với nỗi đau khi người thân qua đời
1. Chia sẻ, trò chuyện với người khác
Việc chia sẻ, trò chuyện với bạn bè và những người xung quanh giúp chúng ta giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, giảm bớt sự đau khổ.
2. Chấp nhận cảm xúc của bản thân
Khi người thân qua đời, chúng ta phải đối mặt và trải qua nhiều cảm xúc khác nhau từ buồn bã, đau khổ, ân hận,... Tất cả những cảm xúc này đều là phản ứng bình thường của cơ thể, bạn không nên kìm nén, né tránh vì điều này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần.
3. Cố gắng giữ gìn sức khỏe
Hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn những thực phẩm lành mạnh, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần ở trạng thái tốt nhất có thể.
4. Trì hoãn những thay đổi lớn trong cuộc sống
Cố gắng trì hoãn thực hiện các thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như chuyển nhà, tái hôn, thay đổi công việc hoặc sinh thêm một đứa con. Bạn nên cho bản thân thời gian để điều chỉnh sự mất mát trước khi quyết định thay đổi một điều gì đó trong cuộc sống.
5. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài khi cần thiết
Nếu sự đau buồn dường như vượt quá sức chịu đựng của bạn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp hiệu quả để vượt qua nỗi đau.