Dịch virus corona có thể gây tổn thất kinh tế lớn hơn dịch SARS, Trung Quốc ứng phó thế nào?

Uyên Uyên |

So với dịch SARS năm 2003, những tác động của dịch bệnh do virus corona đang khiến hàng triệu công dân Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu chao đảo.

Theo Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã cảnh báo các quan chức về khả năng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh viêm phổi do virus corona (Covid-2019), mà Trung Quốc gọi là dịch NCP, có thể tác động không tốt đến nền kinh tế đất nước.

Vị thế lớn hơn, tổn thất nhiều hơn

Khi virus SARS xuất hiện năm 2003, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với 4.3% sản lượng thế giới. 17 năm sau, quốc gia này đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 và chiếm tới 1/5 GDP toàn cầu - theo số liệu năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB). Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc Đại lục là một mắt xích quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.

“Kinh tế Trung Quốc không chỉ lớn hơn mà còn phức tạp hơn do có nhiều mối quan hệ mật thiết với phần còn lại của thế giới.”, dẫn lời Giám đốc quản lý Dịch vụ đầu tư Moody, ông Michael Taylor.

Chính vì vậy, bất cứ sự gián đoạn, suy thoái nào của quốc gia này cũng kéo theo hiệu ứng tương tự trong cả hệ thống.

Ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực

Báo New York Times viết, các công ty quốc tế đặt hệ thống sản xuất hay nhắm tới thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc đang chuẩn bị đối diện với nhiều tổn thất khổng lồ.

Các ông lớn trong các lĩnh vực kinh doanh như Apple (điện tử tiêu dùng), Starbuck, McDonald's (thực phẩm), Ikea (đồ gia dụng), Nike (may mặc),... phải tạm thời đóng cửa chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc.

Toyota hay General Motors tại Trung Quốc cũng đang cho hàng nghìn công nhân trong các nhà máy sản xuất tạm ngừng lao động trước lo ngại dịch bệnh lây lan. Sự đình trệ hoạt động đe doạ trực tiếp đến doanh thu ngay những ngày đầu năm.

Tình trạng này còn dẫn đến sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới Thái Lan, Việt Nam, Malaysia - các quốc gia láng giềng vốn là một phần trong chuỗi cung ứng lớn hơn của Trung Quốc.

Với 68 triệu khách Trung Quốc đi du lịch quốc tế năm 2019, diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại đây chắc chắn sẽ kéo theo xu hướng sụt giảm mạnh của nhiều ngành. Trong đó, ngành du lịch và vận chuyển hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.

Vận tải hàng không chứng kiến hàng loạt đơn vị cung cấp dịch vụ bao gồm American, Delta, United (Mỹ), Lufthansa (Đức), British Airway (Anh),... huỷ hoặc cắt giảm các chuyến bay tới Trung Quốc.

Các thị trường có khách du lịch Trung Quốc chiếm phần lớn đều chịu mức thiệt hại lên tới hàng tỷ USD khi hạn chế công dân Đại lục nhập cảnh, theo SCMP.

Tại Nhật Bản - nơi có một phần ba khách Trung Quốc với mức chi tiêu lên tới 40% doanh thu ngành du lịch, các nhà kinh tế dự báo mức thiệt hại lên tới gần 200 tỷ yên (1.85 tỷ USD). Ở Singapore, các biện pháp hạn chế đi lại làm giảm 80% số khách tới từ Trung Quốc.

Trung Quốc phản ứng như thế nào?

Hai nguồn tin ẩn danh của Reuters hé lộ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cảnh báo vào tuần trước rằng các nỗ lực khống chế virus corona đã đi quá xa và gây tổn hại đến kinh tế nước nhà.

Cụ thể, sau khi đọc báo cáo về dịch bệnh, ông Tập đã đưa ra cảnh báo tại phiên họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai nguồn tin cũng cho biết ông Tập yêu cầu giới chức nước này hạn chế để không có thêm “các biện pháp mạnh mẽ hơn”.

Ông Tập Cận Bình cho rằng một số biện pháp không thực tế đang gây hoang mang trong nhân dân, ví dụ như chính quyền nhiều nơi ngoài tâm dịch Vũ Hán cũng đóng cửa trường học, xí nghiệp, phong toả giao thông và khu dân cư.

Đưa tin về sự kiện này, hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa Xã so sánh dịch bệnh là “phép thử cho hệ thống quản lý của Trung Quốc”.

Kể từ cuộc họp nói trên, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố tăng cường hỗ trợ để bù đắp thiệt hại cho kinh tế quốc gia do dịch bệnh. Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia cũng kêu gọi các doanh nghiệp quay lại làm việc, đặc biệt là các “ngành công nghiệp quan trọng” như thực phẩm và dược phẩm.

Cơ quan tuyên truyền Trung Quốc tuần trước ra lệnh cho truyền thông quốc gia tập trung vào “sự phục hồi kinh tế”. Ngày 10/2, tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận kêu gọi người dân nên có “thái độ lạc quan” khi đối phó với dịch bệnh.

Hôm 10/2, tỉnh Chiết Giang cũng yêu cầu chính quyền địa phương không có những phản ứng thái quá như giới hạn đi lại, đóng cửa các cửa hàng - trích một thông báo được Reuters dẫn.

Người dân Trung Quốc đã quay trở lại từ đầu tuần này tuy nhiên đường phố vẫn vắng vẻ và nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa.

Xin mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY để nhận thông tin mới nhất, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước dưới tác động của dịch virus corona.

Dịch virus corona có thể gây tổn thất kinh tế lớn hơn dịch SARS, Trung Quốc ứng phó thế nào? - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại