Sáng 26-9, tại Khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), các bác sĩ đang gồng mình cấp cứu cho hàng loạt trẻ nhập viện do mắc TCM, trong đó có những trẻ chỉ vài tháng tuổi đến 5 tuổi.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho hay trong vòng một tuần qua, số ca nhập viện do tay chân miệng tăng đôt biến.
Ngày thứ hai vừa rồi (24-9), cao điểm khoa điều trị cho 222 em, đến hôm nay (26-9), tại Khoa còn 179 em. Trong đó, số ca bệnh nặng phải theo dõi sát sao từ 25-30 em.
Bác sĩ gồng mình cấp cứu các ca mắc bệnh tay chân miệng . Ảnh: HL
BS Khanh lo ngại số lượng trẻ nhập viện sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. “So với 5 năm trở lại đây, số lượng trẻ nhập viện vì TCM năm nay tăng đột biến, rõ rệt. Số lượng trẻ ở tỉnh có, thành phố có.
Không những trẻ ở nhà mà nhiều trẻ đi nhà trẻ cũng mắc bệnh, báo động nguồn lây sẽ ngày càng tiếp tục. Có một trẻ đã tử vong vì diễn tiến của bệnh”, BS Khanh cho biết.
Theo BS Khanh, số ca nhập viện vì TCM hơn 50% do nhiễm chủng virus EV71 nguy hiểm từng là nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ trong vụ dịch TCM tại TP.HCM năm 2011 - 2012.
Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
Số trẻ nhập viện do mắc TCM tăng đột biến và dự báo tiếp tục tăng. Ảnh: HL
BS Khanh khuyến cáo phụ huynh theo dõi các dấu hiệu của con để phát hiện bệnh và đưa đi khám kịp thời. “Bé sốt cao không hạ, ói nhiều hay tay chân lạnh, run tay run chân, thở mạnh chắc chắn phải đưa đi khám liền.
Hoặc có trẻ không có dấu hiệu rõ nhưng lúc thiu thiu ngủ có hiện tượng giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút phải nghĩ đến khả năng bệnh này”, BS Khanh lưu ý.
Cũng theo BS Khanh, ở BV tuyến dưới đã có phác đồ điều trị bệnh TCM và BS được nâng cao năng lực, phòng ngừa bệnh nên phụ huynh có thể yên tâm cho con điều trị.
Virus gây bệnh TCM tồn tại trong môi trường thuận lợi hoặc phân người rất lâu. Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là thường xuyên rửa tay cho trẻ.