Tiếp tục gia tăng ca bệnh sởi
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh TP.HCM), trung bình mỗi ngày tiếp nhận 20 ca mắc sởi mới nhập viện. Hiện khoa Nhiễm đang điều trị cho 80 ca, trong đó có 12 trường hợp trẻ cần hỗ trợ hô hấp, phần lớn đều có bệnh nền, bệnh mãn tính đi kèm.
BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, có hơn 60% là từ bệnh nhân từ các tỉnh.
Đáng nói, các bệnh nhi hầu hều hết chưa chích ngừa, chủ yếu dưới 2 tuổi, nổi trội là dưới 9 tháng. Hiện tại, có những trẻ đã điều trị kéo dài hơn 2 tuần vì biến chứng viêm phổi, khiến bệnh lý nền nặng hơn.
“Số bệnh nhi sởi nhập viện năm nay tăng đột biến, tăng khá nhiều. Khi có trường hợp bị mắc sởi được chỉ định hoặc từ các địa phương khác chuyển đến thì chúng tôi cho điều trị ở khoa Nhiễm. Đặc biệt, đối với những trẻ có cơ địa đặc biệt, có bệnh nền thì chúng tôi càng phải triệt để, theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe trẻ”, BS.CK2 Nguyễn Trần Nam cho hay.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện đang điều trị 80 ca sởi, có 5 ca thở máy. Bệnh nhi ngụ tại TP.HCM là 14 ca. Bệnh viện cũng ghi nhận các ca sởi không chỉ ở trẻ nhỏ mà còn xuất hiện ở nhóm tuổi lớn hơn, từ 8 đến 10 tuổi, và cả người lớn.
Còn Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 102 ca sởi đang điều trị, trong đó, 85% số ca đến từ tuyến tỉnh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, khoa Nội A điều trị sởi cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, số ca mắc ở người lớn và trẻ nhỏ nội trú tăng mạnh, bệnh viện đã bố trí tách riêng khu điều trị sởi cho người lớn với trẻ em. Trẻ em được điều trị tại khoa Nhi C. Mỗi ngày có khoảng 5-7 trẻ nhập viện nội trú, có những ngày cao điểm hơn 10 trường hợp.
BS.CK2 Nguyễn Thi Hồng Lan, Trưởng Khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết "Thường gặp nhất là biến chứng viêm phổi, ngoài ra, có thể là viêm giác mạc mắt, viêm tai giữa, hoặc tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải. Sởi giai đoạn đầu bé sốt rất cao, cho nên con sốt khoảng 2-3 ngày mà khó hạ thì ba mẹ cũng có khuynh hướng đến khám bệnh. Ngoài ra, tới ngày 3-4 là bắt đầu nổi ban rồi ho, sổ mũi. Nói chung triệu chứng của sởi khá rầm rộ".
Ứng phó dịch sởi bủa vây
Trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 373 ca sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 3.189 ca bệnh sởi, đã có 4 trường hợp tử vong.
BS.CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM lo ngại, đáng báo động là tổng số ca bệnh nhi nhập viện này đều không có trẻ nào được chích ngừa sởi.
BS Quy nhận định, nguyên nhân có thể là do người nhà bệnh nhân quên hạn tiêm phòng hoặc có xu hướng trì hoãn tiêm chủng do trẻ thường gặp tình trạng sức khỏe không ổn định như ho, sổ mũi khi đã gần đến độ tuổi tiêm ngừa.
Mặt khác, một số gia đình thuộc nhóm chống vắc-xin (anti-vaccine), kiên quyết không cho con cái tiêm ngừa. Cũng theo quan sát của Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, gần đây phát hiện đã có gần 10 ca trẻ mắc sởi thuộc nhóm này.
Để ứng phó với tình hình bệnh sởi gia tăng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 150 giường nội trú sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị cho số lượng bệnh nhi mắc sởi. Bệnh viện tăng cường tua trực của nhân viên y tế, điều động thêm bác sĩ nội trú và bác sĩ từ các khoa khác hỗ trợ trực tiếp cho Khoa Nhiễm thần kinh, chủ động chăm sóc bệnh nhân.
"Virus sởi này lây nhiều nhất trong tất cả các dịch bệnh khác. Một đứa trẻ bị bệnh có thể lây cho 16-18 đứa trẻ khác và lây nhiều hơn những con cúm, ngay cả lây nhiều hơn Covid-19. Người dân không cần lo lắng vắc xin sởi có tác dụng phụ vì đây là loại vắc xin lành tính, là một virus sống giảm động lực. Vì vậy chỉ có chích ngừa mới chấm dứt được dịch sởi", BS.CK2 Dư Tuấn Quy nói.
Còn ở khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, khu vực tầng 1 của khoa đã được bố trí dành riêng cho bệnh sởi. Phòng cấp cứu được chia làm đôi có vách ngăn và một nửa phòng cấp cứu được dành cho bệnh sởi.
Số lượng giường của bệnh viện dự trù kế hoạch cho bệnh sởi là 120 giường, trong đó có 10 giường cấp cứu. Hiện, bệnh viện đang sử dụng gần như toàn bộ giường kế hoạch.
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trong trường hợp bệnh nhân phải thở oxy, thở áp lực dương liên tục và vượt qua con số dự kiến trong kế hoạch sẽ sử dụng đến biện pháp kê thêm giường xếp, ghế bố. Ước lượng có 40 giường dự trù như vậy để tiếp nhận điều trị sởi.
Cũng theo BS Qui, tết Nguyên Đán là thời điểm nhiều người dân từ TP.HCM trở về quê, nguy cơ lây lan bệnh từ các khu vực đô thị đông đúc về các địa phương trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Đặc biệt, tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao hoặc điều kiện y tế hạn chế, khả năng bùng phát các ổ dịch nhỏ là rất lớn và có thể gây áp lực lên hệ thống y tế địa phương.
"Muốn xử lý trận dịch này thì phải là vắc-xin, tất cả đều đồng lòng phải chích ngừa vắc-xin. Mình sẽ có khoảng thời gian 9 ngày vàng giống như giãn cách xã hội. Nếu chích ngừa vắc-xin tốt, mình có được một khoảng thời gian gọi là tạm cách ly thì cũng sẽ giúp ích rất là nhiều cho cái trận dịch sởi sắp tới", ThS.BS Nguyễn Đình Qui trăn trở.
Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo các địa phương tiếp tục rà soát để đảm bảo không bỏ sót trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm ngừa đầy đủ. Đối với các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, ngành y tế cũng chỉ đạo tăng cường rà soát, tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ (bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính…) nếu không có chống chỉ định.