“Dịch nôn” và viêm gan bí ẩn: Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần chú ý

PV |

Gần đây, “dịch nôn” và viêm gan bí ẩn đang là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm. Vậy, dấu hiệu cảnh báo là gì? Phòng tránh ra sao? Hãy cùng BS Trương Hữu Khanh giải đáp thắc mắc.

Viêm gan bí ẩn ở trẻ em là một bệnh lý được nhiều bậc phụ huynh quan tâm trong thời gian gần đây. Viêm gan bí ẩn gây ra triệu chứng ở đường tiêu hoá, dễ nhầm lẫn với tình trạng nôn, tiêu chảy đang xảy ra ở một số địa phương tại Việt Nam hiện nay khiến nhiều cha mẹ lo lắng.

Để hiểu rõ hơn về hai căn bệnh này, chương trình "Chuyện khó có bác sĩ" tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM để bàn luận về chủ đề "Dịch nôn" và viêm gan bí ẩn ở trẻ: Cách nhận biết và xử trí.

Kính mời quý độc giả đón xem chương trình!

Link Livestream:

Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:

Hỏi: Vì sao lại gọi là viêm gan bí ẩn?

Đáp: Lý do gọi là viêm gan bí ẩn vì đây là căn bệnh mới xuất hiện và chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh mới được phát hiện khoảng 3 tháng trở lại đây, các ca mắc rải rác ở một số khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Á hoặc Đông Nam Á. Vì vậy, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng viêm gan bí ẩn sẽ trở thành dịch bệnh.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM GAN BÍ ẨN LÀ GÌ?

Hỏi: Hiện đã xác định được nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn chưa?

Đáp: Hiện nay tồn tại một số giả thuyết về tác nhân gây ra viêm gan bí ẩn, cụ thể như sau:

Giả thuyết 1: Tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn giống viêm gan thông thường

Trong quá trình truy tìm tác nhân gây bệnh, các nhà khoa học nhận thấy viêm gan bí ẩn không giống với các loại viêm gan thông thường như viêm gan A, B, C, D,... Vì vậy, giả thuyết tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn giống tác nhân gây bệnh viêm gan thông thường được loại trừ.

Giả thuyết 2: Virus Adeno gây ra viêm gan bí ẩn

Các nhà khoa học nhận thấy trong máu của các bệnh nhi mắc viêm gan bí ẩn đều có sự xuất hiện của virus Adeno tuýp 41. Tuy nhiên, virus Adeno chỉ gây ra các bệnh cảm cúm thông thường và rất hiếm trường hợp gây ra viêm gan siêu vi, chỉ một số ít ỏi trẻ sơ sinh và người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị viêm gan do virus Adeno.

Giả thuyết 3: Do Covid-19, do vaccine

Giả thuyết Covid-19 hoặc vaccine gây ra viêm gan bí ẩn chưa thuyết phục. Bởi vì trên thế giới có rất nhiều trẻ em mắc Covid-19 nhưng đến nay mới chỉ ghi nhận khoảng 400 ca mắc viêm gan bí ẩn. Còn vaccine phòng Covid-19 thì không phải trẻ nào cũng tiêm vaccine phòng bệnh.

Giả thuyết 4: Do giãn cách, trẻ ít tiếp xúc với virus Adeno

Đây là giả thuyết có tính thuyết phục nhất. Trong thời gian giãn cách, trẻ ít tiếp xúc với virus Adeno nên khi tái hoà nhập với cộng đồng và tiếp xúc với virus, một số trẻ có miễn dịch yếu bị mắc viêm gan bí ẩn.

Tuy nhiên, tất cả các giả thuyết trên đều chỉ là lý thuyết và chúng ta cần thêm thời gian để tìm ra tác nhân gây ra viêm gan bí ẩn.

“Dịch nôn” và viêm gan bí ẩn: Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần chú ý - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Chúng ta vẫn cần thêm thời gian để tìm ra tác nhân gây ra viêm gan bí ẩn.

Hỏi: Viêm gan bí ẩn do đồng nhiễm Covid-19 và Adenovirus?

Đáp: Trên thế giới có rất nhiều trẻ mắc Covid-19 và virus Adeno nhưng mới chỉ có 400 trẻ mắc viêm gan bí ẩn. Ngoài ra, trong khoảng gần 400 trẻ mắc viêm gan bí ẩn, chỉ có chưa tới 20% trong số đó đã từng nhiễm Covid-19. Do đó, giả thuyết này cũng không có giá trị về mặt khoa học.

Hỏi: Viêm gan bí ẩn có gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ hay không?

Đáp: Trước khi viêm gan bí ẩn xuất hiện, viêm gan được xếp vào nhóm bệnh nặng đối với trẻ em, đặc biệt là viêm gan cấp với triệu chứng vàng da toàn thân và men gan cao. Khi mắc viêm gan, trẻ cần được điều trị tại bệnh viện, cần được chăm sóc bởi các bác sĩ chuyên khoa, cần được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc phù hợp để giúp trẻ sớm hồi phục.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VIÊM GAN BÍ ẨN

Hỏi: Viêm gan bí ẩn có thể xuất hiện tại Việt Nam hay không? Dấu hiệu cha mẹ cần cho con đi khám là gì?

Đáp: Nếu tác nhân gây ra viêm gan bí ẩn là virus Adeno thì chắc chắn sẽ có nguy cơ xuất hiện tại Việt Nam.

- Dấu hiệu cảnh báo viêm gan bí ẩn: Nếu cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu vàng da, tiểu sậm màu, cha mẹ nên đưa con đi khám tại bệnh viện. Bởi không chỉ viêm gan bí ẩn mà các bệnh viêm gan khác trẻ cũng cần được chăm sóc cẩn thận.

Hỏi: Gần đây, bên cạnh viêm gan bí ẩn, tại nước ta cũng xuất hiện tình trạng nôn, tiêu chảy. Nhiều phụ huynh gọi căn bệnh này là "dịch nôn". Vậy căn bệnh này có nguồn gốc từ đâu, thưa bác sĩ?

Đáp: Nếu trẻ bị đau bụng, nôn, tiêu chảy thường là do bị ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, ngộ độc thức ăn lại không thể rải đều khắp cả nước được.

Do đó, tình trạng nôn, tiêu chảy có thể do các loại siêu vi đường tiêu hoá gây ra, điển hình là virus Rota. Do đó, khi trẻ tái hòa nhập cộng đồng, virus lây lan trong cụm dân cư hay lớp học sẽ gây ra tình trạng nôn mửa hàng loạt ở trẻ nhỏ.

Hỏi: Các triệu chứng của "dịch nôn" là gì, thường kéo dài bao lâu? Khi nào cha mẹ cần cho con đi khám?

Đáp: Khi mắc bệnh trẻ sẽ có dấu hiệu sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy và biếng ăn. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 3 - 7 ngày. Cha mẹ tiến hành điều trị bình thường cho trẻ.

Tuy nhiên, khi thấy trẻ có dấu hiệu nặng như sốt cao li bì, nôn ói mà không thể bù nước hoặc tiêu chảy có máu, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám.

“Dịch nôn” và viêm gan bí ẩn: Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần chú ý - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Khi thấy trẻ có dấu hiệu nặng như sốt cao li bì, nôn ói mà không thể bù nước hoặc tiêu chảy có máu, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám.

PHÂN BIỆT "DỊCH NÔN" VÀ VIÊM GAN BÍ ẨN THẾ NÀO?

Hỏi: Triệu chứng để phân biệt tình trạng nôn, tiêu chảy và viêm gan bí ẩn là gì?

Đáp: Chìa khóa tốt nhất để phân biệt tình trạng nôn, tiêu chảy với viêm gan bí ẩn là dấu hiệu vàng da, tiểu sẫm màu.

Hỏi: Cha mẹ có cần cho con đi xét nghiệm men gan để "tìm virus" viêm gan bí ẩn không?

Đáp: Việc cha mẹ tự ý cho con đi xét nghiệm men gan để "tìm virus" viêm gan bí ẩn là hoàn toàn không cần thiết. Bởi, khi đã mắc viêm gan bí ẩn, trẻ chắc chắn sẽ có biểu hiện vàng da và có men gan rất cao nên việc phát hiện tình cờ qua việc tự ý xét nghiệm là không thể xảy ra.

Khi xét nghiệm thấy men gan tăng (dưới mức 400-500) cha mẹ cũng không cần quá lo lắng vì điều này có thể do trẻ mắc bệnh lý nền hoặc đang dùng thuốc.

Hỏi: Làm thế nào để chủ động phòng tránh viêm gan bí ẩn và các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ?

Đáp: Ngoài đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, khi con bị ốm, cha mẹ nên cho con nghỉ ở nhà. Hiện vẫn chưa có vaccine cho viêm gan bí ẩn, tuy nhiên các bệnh viêm gan thông thường cũng có thể gây ra triệu chứng giống với viêm gan bí ẩn. Vì vậy, cha mẹ có thể chủ động cho con tiêm vaccine phòng ngừa các loại viêm gan để giảm bớt nguy cơ.

“Dịch nôn” và viêm gan bí ẩn: Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần chú ý - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: Để chủ động phòng tránh, ngoài đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên cha mẹ nên cho con tiêm vaccine phòng ngừa các loại viêm gan.

Hỏi: Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm cho con?

Đáp: Do trẻ sơ sinh không tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nên để phòng ngừa, người lớn nên hạn chế tiếp xúc với trẻ sơ sinh, đặc biệt là nghề tiếp xúc với nhiều trẻ nhỏ như giáo viên, bác sĩ, y tá.

Ngoài ra, người lớn cũng có thể mang mầm bệnh về nhà. Vì vậy, khi ra đường cha mẹ cần đeo khẩu trang, khi về nhà nên rửa tay, thay quần áo rồi mới chăm sóc trẻ.

Hỏi: Cha mẹ nên xử trí thế nào khi con mắc bệnh đường tiêu hóa hoặc viêm gan bí ẩn? Cách xử trí hai bệnh này có giống nhau không?

Đáp:

- Đối với tình trạng nôn, tiêu chảy: Cha mẹ xử trí như bình thường, nếu trẻ bị nôn cho trẻ uống thuốc chống nôn, trẻ bị tiêu chảy cần chú ý bù nước, theo dõi tình trạng đau bụng của trẻ để dùng thuốc hợp lý. Đối với nôn, tiêu chảy sau khoảng 3 - 5 ngày trẻ sẽ khỏi bệnh.

- Đối với viêm gan bí ẩn: Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu vàng da, cha mẹ không nên cho con uống thuốc bừa bãi, kể cả thuốc bổ vì có một số loại thuốc có thể gây hại cho gan. Cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại