Gia tăng bệnh nhân mắc cúm
Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị cúm mùa thông thường sau 1-2 ngày sổ mũi, hắt hơi và cảm thấy đau tức ngực bệnh nhân đã nhanh chóng rơi vào hôn mê vì biến chứng viêm hô hấp.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn D. 51 tuổi, ngoại thành Hà Nội là điển hình phải nằm viện điều trị cả tháng trời vì cúm. Bệnh nhân lúc đầu chỉ có triệu chứng cảm cúm thông thường nghĩ là thời tiết thay đổi nhưng chỉ 1-2 ngày thì cơ thể đau mỏi người, ho và tức ngực.
Gia đình tự điều trị vài ngày không dứt cơn ho. Mỗi lần ho ông đều tức ngực khó thở. Chỉ một ngày có triệu chứng tức ngực đến hôm sau ông D. phải thở gấp.
Trong quá trình mắc bệnh, ông D. hoàn toàn không tiếp xúc với gia cầm cũng như lợn. Ông vẫn đi làm bình thường và tình trạng bệnh cảnh ngày càng xấu.Tại Bệnh viện, sau khi điều trị tích cực vẫn tiến triển chậm bác sĩ phải sử dụng đến phương pháp ECMO trao đổi oxy ngoài cơ thể.
Hôn mê vì cúm thường. Ảnh minh họa
Tương tự tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị cúm gây ho khan, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy. Chỉ 2 – 3 ngày sau, bệnh nhân sốt và khó thở. Có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã bị sốc nhiễm khuẩn và khi vào viện điều trị khó khăn, tốn kém. Có những trường hợp tốn vài trăm triệu đồng vẫn không sống được.
Mặc dù hiện nay có các kỹ thuật mới cứu người bệnh như kỹ thuật lọc máu hiện đại, kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy ngoài cơ thể) nhưng theo giáo sư Nguyễn Gia Bình – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai - mọi người cũng không được coi thường bệnh cúm.
Giáo sư Bình cho biết khi gặp các triệu chứng lâm sàng của cúm như sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan… đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không. Nếu bệnh có tiến triển nặng lên cần nhập viện để được điều trị nhanh nhất.
Có nên sử dụng Tamiflu
Trước tình hình dịch cúm gia tăng, tại Bệnh viện Nhi trung ương mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhi vào viện xét nghiệm dương tính với cúm A/ H1N1. Theo các bác sĩ nhiều cháu bé đã được mẹ tự mua tamiflu điều trị trong đó không ít cháu biến chứng viêm phổi.
Nói về việc sử dụng tamiflu, theo bác sĩ Huynh Wynn Tran – Bác sĩ người Việt đang công tác tại Mỹ, cúm là bệnh đường truyền nhiễm đường hô hấp do virus (không phải vi khuẩn) họ Influenza gây ra.
Đây là họ virus rất nổi tiếng, từ dịch cúm thế kỷ năm 1918 (50 triệu người chết) đến cúm gà Hong Kong, Châu Á, Việtnam. Hằng năm, thế giới có khoảng 500,000 người chết vì bệnh cúm. Có 4 họ cúm vi rút thông thường là A, B, C, và D.
Tamiflu là thuốc cần toa không phải ai sử dụng cũng được
Loại cúm A là loại nguy hiểm nhất do khả năng thay đổi cấu trúc (kháng nguyên H và N trên bề mặt). Mỗi năm cúm A lại thay hình đổi dạng và CDC vất vả chạy theo để tiên đoán và làm vắc xin ngăn ngừa.
Các triệu chứng của cúm gồm sốt cao, đau cổ họng, đau mắt, mệt mỏi, nhức mỏi toàn thân, ho ít đàm, ít chảy nghẹt mũi. Bệnh cúm khác với bệnh cảm thường ở chổ cảm thường hay có sốt thấp, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
Còn việc sử dụng thuốc Tamiflu, bác sĩ Wynn cho biết tamiflu được chỉ định cho bệnh nhân bị cúm có triệu chứng trong vòng 2-3 ngày. Các nghiên cứu cho thấy Tamiflu có thể giảm được triệu chứng khoảng 17 giờ (2014 Cochrane Review) nếu dùng đúng lúc.
Nếu dùng Tamilfu sau 3 ngày sau triệu chứng cúm thì không giảm được đáng kể. Một số nghiên cứu khác cho thấy không có sự khác biệt giữa dùng Tamiflu hay không dùng trong bệnh nhân khoẻ mạnh.
Tamiflu là thuốc cần toa của bác sĩ tại Mỹ.
Trung Tâm kiểm soát bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo dùng Tamiflu trong các trường hợp sau: có triệu chứng cúm trong vòng 2 ngày, các bệnh nhân rủi ro cao như trẻ em dưới 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân nhập viện , bệnh nhân có các bệnh mãn tính làm giảm hệ miễn nhiễm như tiểu đường, ung thư, lupus, ...
Tác dụng phụ của Tamiflu có thể gồm nhức đầu, ói mửa, và nỗi mẩn trên da.
Như vậy, Tamiflu chỉ dùng cho một số nhóm bệnh nhân nhất định, có triệu chứng cúm sớm (trong vòng 2-3 ngày), chứ không phải cho bất kỳ ai nghi ngờ có bệnh cúm.