Chia sẻ về những vấn đề này, TS BS Nguyễn Hoàng Đức, Nguyên Trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y dược TP.HCM cho biết, bệnh nhân đã hoặc đang mắc bệnh ung thư ( bao gồm ung thư tiết niệu), đa số đều thuộc nhóm có hệ miễn dịch “yếu thế”, lớn tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm…,do đó khi mắc COVID-19, có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với những bệnh nhân không bị ung thư.
BS Đức dẫn chứng, một nghiên cứu của nhóm tác giả tại Trung Quốc, trên tạp chí Cancer Discovery tháng 6 năm 2020 cho thấy: Nguy cơ phải điều trị tại ICU, thở máy và tử vong ở nhóm bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 cao hơn so với nhóm bệnh nhân không ung thư mắc COVID-19 (theo thống kê).
Ngoài ra , trong các loại ung thư thì bệnh nhân ung thư máu và ung thư phổi diễn tiến nặng hơn và tử vong cao hơn các loại ung thư khác mắc COVID-19.
Bệnh nhân ung thư đường tiết niệu có nên tiêm vắc xin phòng bệnh?
Về vấn đề tiêm vắc xin đối với bệnh nhân ung thư đường tiết niệu, TS BS Nguyễn Hoàng Đức cho biết, hiện nay, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ không ngăn cấm thực hiện tiêm chủng COVID-19 cho bệnh nhân ung thư nói chung.
TS BS Nguyễn Hoàng Đức, Nguyên trưởng khoa Tiết niệu BV Đại học Y dược TP.HCM.
Các nghiên cứu thử nghiệm vắc xin COVID-19 cho thấy hiệu quả và tính an toàn của vắc xin tương đương nhau ở bệnh nhân có bệnh nền cũng như không có bệnh nền.
Ngoài ra, các vắc xin ngừa virus khác như vắc xin ngừa cúm, đã được chỉ định dùng cho bệnh nhân ung thư từ lâu.
Do còn mới, nên các nghiên cứu thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên số lượng lớn bệnh nhân ung thư chưa thực hiện được, để đưa ra kết luận chính xác về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19 cho bệnh nhân ung thư.
Nhưng các nhà khoa học tin rằng những bệnh nhân đã được điều trị ung thư cũng như những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch sau khi tiêm vắc xin COVID-19 sẽ có đáp ứng bảo vệ chống lại COVID-19 thấp hơn so với những đối tượng khác.
Không chỉ ung thư tiết niệu, đa số nhóm đối tượng có nhiều bệnh nền đi kèm…do đó khi mắc COVID-19 thì nhiều khả năng sẽ diễn tiến nặng hơn
Bởi vậy, những người chăm sóc trực tiếp hoặc người thân của bệnh nhân ung thư phải được tiêm chủng vắc xin COVID-19 để gián tiếp bảo vệ người bệnh ung thư.
Những bệnh nhân ung thư vừa thực hiện trị liệu có thể gây suy giảm miễn dịch (hóa trị, ghép tủy..) có thể chưa tiêm chủng vắc xin COVID-19 ngay được mà phải chờ đợi ít nhất 2 tuần để hệ miễn dịch có thể phục hồi lại, trước khi tiến hành tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Đối với người có bệnh tiết niệu hoàn toàn không có chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 . BS Đức nhấn mạnh.
Những bệnh nhân ung thư nên cảnh giác ngay khi có các biểu hiện ho khan, mất vị giác, sốt, khó thở, mệt mỏi.. cần báo ngay với bác sĩ
Lời khuyên bác sĩ
Theo BS Đức, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp bệnh nhân từng bị ung thư đường tiết niệu cũng như các loại ung thư khác phải tuyệt đối tuân thủ 5K và tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân.
Ngoài ra, người thân và người chăm sóc cũng phải tuân thủ nguyên tắc này để tạo lớp “bảo vệ kép” cho người bệnh ung thư.
Nếu bệnh nhân đang trong liệu trình điều trị, cần đến bệnh viện theo lịch hẹn: nên bàn lại với bác sĩ điều trị xem cần thiết phải đến bệnh viện đúng lịch hẹn hay có thể trì hoãn một vài tuần.
Nếu bệnh nhân đang trong quá trình theo dõi sau điều trị, cần tái khám: nên tư vấn qua mạng với bác sĩ điều trị trước khi quyết định đến bệnh viện.
Những bệnh nhân ung thư nên cảnh giác ngay khi có các biểu hiện ho khan, mất vị giác, sốt, khó thở, mệt mỏi phải báo ngay cho y tế địa phương hoặc cho bác sĩ điều trị ung thư của mình biết để có hướng dẫn cách xử trí kịp thời- BS Đức khuyến cáo.