Các nhân viên nhà tang lễ chuẩn bị hỏa táng những người tử vong vì Covid-19 gần ngôi đến Pashupatinath ở Kathmandu ngày 3/5/2021. Ảnh: AP
Tại Sohag, một tỉnh dọc sông Nile ở miền Nam Ai Cập, các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân mắc Covid-19 khi nước này đang hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ 3.
Hiệp hội bác sĩ của tỉnh Sohag cảnh báo, hệ thống y tế của tỉnh có thể sụp đổ bất cứ lúc nào ngay cả khi nguồn vật tư y tế của chính phủ đến nơi. Theo Hiệp hội này, rất có thể tỉnh Sohag và nhiều địa phương khác của Ai Cập sẽ rơi vào một kịch bản như Ấn Độ.
Trước đó vào tháng 4, chính phủ Ai Cập đã công bố những biện nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 như đóng cửa các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng và trung tâm mua sắm vào lúc 9 giờ tối, cấm tụ tập đông người cũng như đóng cửa các bãi biển và công viên trong kỳ nghỉ lễ Eid el-Fitr vào cuối tháng lễ Ramadan. Tuy nhiên, số ca mắc mới trung bình hàng ngày tại Ai Cập đã tăng gấp đôi so với đầu tháng 2 lên hơn 1.000 ca mỗi ngày.
Không chỉ có Ai Cập, Nepal cũng có nguy cơ trở thành một "Ấn Độ thứ hai" khi số ca mắc Covid-19 ở quốc gia này tăng đột biến, trong khi hệ thống y tế lại không đủ sức để chống chọi.
Một tháng trước, quốc gia 31 triệu dân này chỉ ghi nhận khoảng 100 ca mắc mới mỗi ngày. Bây giờ, con số này đã tăng lên gần 9 nghìn người. Theo số liệu mà Bộ Y tế Nepal ghi nhận, trung bình mỗi ngày cứ 100.000 người thì sẽ có khoảng 20 trường hợp mắc Covid-19, con số được báo cáo tương tự như ở Ấn Độ vào hai tuần trước, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Sự lây lan nhanh chóng của làn sóng dịch mới ở Nepal đã làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia này đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng tàn khốc không kém gì Ấn Độ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.
“Phòng cấp cứu của chúng tôi có 5 giường nhưng giờ chúng tôi kê bổ sung thêm 20 giường thành 25 giường. Cho đến nay, các bệnh nhân vào phòng này đều phải dùng đến bình ô-xy. Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến phức tạp khi số bệnh nhân ngày càng nhiều, thậm chí một số bệnh nhân phải ngồi trên ghế để thở ô-xy”, Một bác sỹ tại Nepal cho biết.
Hiện một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, dải Gaza của người Palestine, Nam Phi hay Pakistan cũng đang rơi vào ngưỡng ngấp nghé thảm họa vì dịch Covid-19 khi số ca mắc mới và tử vong vọt lên mức cao bất thường khiến các bệnh viện đang rơi vào tình trạng quá tải và nguồn cung oxy cho bệnh nhân gần đến mức cạn kiệt.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, số ca mắc Covid-19 mới trong hai tuần qua trên toàn thế giới nhiều bằng con số 6 tháng đầu tiên của đại dịch cộng lại.
“Ấn Độ và Brazil chiếm một phần lớn trong số các ca mắc Covid-19 mới trong tuần nhưng có rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đang đối mặt với tình trạng rất mong manh. Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ và Brazil có thể xảy ra ở những nơi khác trừ khi tất cả chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cộng đồng mà Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi”, ông Ghebreyesus nói.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định thành lập một trung tâm thu thập thông tin đại dịch toàn cầu tại Đức. Trung tâm này sẽ tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức học thuật và khu vực tư nhân, nhằm khai thác dữ liệu toàn cầu phục vụ công tác dự báo và ứng phó với những rủi ro dịch bệnh tiềm ẩn trên thế giới./.