Không dừng lại ở đó, ông Trump còn thẳng thừng tuyên bố rút nguồn tài trợ cho tổ chức này. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng đang vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của một số nước nhưng liệu có WHO có thực sự đáng bị chỉ trích hay không?
WHO lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ
Người đứng đầu WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/4 đã nói rằng ông ấy làm tiếc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nguồn tài trợ cho WHO. Ông Ghebreyesus kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết chung tay chống lại đại dịch COVID-19.
Động thái rút tài trợ cho WHO của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nhà lãnh đạo thế giới khi các ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã vượt qua con số 2 triệu người.
"Mỹ là người bạn lâu đời và hào phóng của WHO và chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục như vậy. Chúng tôi lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Mỹ về việc ngừng tài trợ cho WHO”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ.
Ông Ghebreyesus cho rằng, các hoạt động của WHO trong cuộc khủng hoảng nên được đánh giá sau này. “Vào thời điểm thích hợp, cách WHO giải quyết đại dịch sẽ được đánh giá bởi các nước thành viên WHO và các cơ quan độc lập để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm”, Tổng Giám đốc WHO nói thêm.
Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho WHO, cung cấp hơn 400 triệu USD năm 2019, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.
Ông Tedros nói thêm rằng, “WHO đang đánh giá tác động của việc Mỹ rút nguồn tài trợ đối với hoạt động của WHO và chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để có thể bù đắp lỗ hổng tài chính mà chúng tôi phải đối mặt để đảm bảo công việc của chúng tôi tiếp tục được tiến hành suôn sẻ mà không bị gián đoạn." Bây giờ là thời điểm thế giới phải đoàn kết để chống lại dịch bệnh – một dịch bệnh mà Tổng Giám đốc WHO miêu tả là một “kẻ thù nguy hiểm".
Tiến sĩ Mike Ryan – chuyên gia về tình trạng khẩn cấp hàng đầu của WHO, cho biết: “Chúng tôi đang tập trung toàn lực vào công việc quan trọng là chặn virus và cứu người”.
Trung Quốc hôm 15/4 cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về quyết định của Mỹ trong việc ngừng tài trợ cho WHO, kêu gọi Washington hoàn thành các nghĩa vụ của nước này trong cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra.
"Trung Quốc quan ngại sâu sắc về thông báo của Mỹ trong việc ngừng tài trợ cho WHO. Tình hình đại dịch toàn cầu hiện nay rất nghiêm trọng. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng. Quyết định của Mỹ sẽ làm suy yếu năng lực của WHO và làm phương hại đến sự hợp tác của thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã nói như vậy.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có chuẩn bị đóng góp thêm để bù vào lỗ hổng do Mỹ rút nguồn tài trợ, ông Zhao cho hay, Bắc Kinh đã tài trợ 20 triệu USD cho WHO.
Liệu Tổng thống Trump có đúng khi chỉ trích WHO?
Tổng thống Trump cáo buộc WHO không xử lý đúng và che đậy tình trạng lây lan virus corona sau khi nó xuất hiện ở Trung Quốc. Quyết định rút nguồn tài trợ của ông Trump bị chỉ trích là “nguy hiểm và thiển cận” nhưng liệu những chỉ trích của ông Trump nhằm vào WHO có bất kỳ sự đúng đắn nào hay không?
Vai trò của WHO là gì?
Được thành lập năm 1948, WHO là một phần của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm về y tế công toàn cầu, phối hợp các chiến dịch vắc xin, các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và hỗ trợ các nước về chăm sóc y tế căn bản. WHO hoạt động dựa trên nguồn đóng phí và tài trợ tự nguyện của 194 nước thành viên. Mỹ hiện là nước tài trợ lớn nhất cho WHO.
WHO có thất bại trong việc thách thức Trung Quốc?
Tổng thống Trump cáo buộc WHO thất bại trong việc thách thức những khẳng định ban đầu của Trung Quốc về việc không có bằng chứng virus corona lây từ người sang người.
Trung Quốc đầu tiên thông báo với WHO về “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân hôm 31/12". Vào ngày 5/1, WHO cho biết, thông tin mà tổ chức này nhận được từ Trung Quốc vào thời điểm đó cho thấy “không có bằng chứng về việc có sự lây lan đáng kể từ người sang người”.
Và vào ngày 14/1, WHO tiếp tục đưa thông tin về việc nghiên cứu và điều tra của Trung Quốc cho thấy “không có bằng chứng rõ ràng về việc có tình trạng lây lan virus mới giữa người với người”. Tuy nhiên, cùng ngày, Ủy ban Y tế Vũ Hán cho biết khả năng virus mới lây từ người sang người không thể bị loại bỏ mặc dù nguy cơ hiện tại còn thấp. Trong thời gian này, các tuyên bố khác của WHO đều nói đến khả năng có sự lây truyền từ người sang người. Đến ngày 22/1, WHO sau chuyến thăm thực địa ngắn đến Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố rõ ràng hơn, khẳng định đang có tình trạng virus lây từ người sang người ở Vũ Hán.
Đáng nói là phái đoàn WHO với các chuyên gia quốc tế đã không đến Trung Quốc cho đến tuần thứ hai của tháng Hai.
Vào cuối tháng Một, WHO còn ca ngợi các nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiềm chế virus, trong đó có “cam kết minh bạch”.
WHO có phớt lờ các chuyên gia từ Đài Loan?
Tổng thống Trump khẳng định “có nguồn tin đáng tin cậy để nghi ngờ về việc có tình trạng lây từ người sang người hồi tháng 12”, ám chỉ đến một cảnh báo được Đài Loan gửi đến cho WHO. Các nhà khoa học Đài Loan đã đến Vũ Hán ngay sau khi virus lần đầu tiên xuất hiện. Tuy nhiên bằng chứng được công bố cho đến nay cho thấy các cuộc trao đổi giữa Đài Loan với WHO không đề cập đến khả năng lây từ người sang người.
WHO khen ngợi Trung Quốc có đúng?
"Những lời chỉ trích mang tính xây dựng đối với lời khen có cánh của WHO dành cho Trung Quốc là hợp lý”, chuyên gia về y tế công cộng Lawrence Gostin đã nhận định như vậy.
"WHO đáng ra nên chỉ trích và xem xét tình hình một cách kỹ càng hơn”, ông Gostin cho biết. Tuy nhiên, ông này nói thêm rằng, những chỉ trích của Tổng thống Trump chủ yếu là để đổ lỗi sang WHO về sự thiếu chuẩn bị của chính nước Mỹ.
Và mặc dù WHO bị chỉ trích về việc ca ngợi phản ứng ban đầu của Trung Quốc với dịch bệnh, chính bản thân ông Trump cũng từng ca ngợi Trung Quốc trên Twitter hôm 24/1.
Thực tế, giới chức Trung Quốc ban đầu đã cố gắng che giấu tình trạng bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán và buộc những người bày tỏ lo ngại phải im lặng.
WHO có khuyến cáo sai về lệnh cấm đi lại?
Tổng thống Trump cho rằng WHO đã khuyến cáo sai khi nói rằng, “không cần thiết phải cấm đi lại” và “tranh cãi” với Mỹ về lệnh cấm người Trung Quốc và các nước khác đi vào Mỹ.
WHO chưa bao giờ trực tiếp chỉ trích cách làm của Mỹ và việc thực hiện lệnh hạn chế đi lại là tùy thuộc vào chính phủ của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, WHO thực sự ban đầu đã đưa ra khuyến cáo các nước không nên thực hiện lệnh hạn chế đi lại. Hôm 10/1, WHO đã nói: “Việc hạn chế đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong thời kỳ xảy ra tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng là không có hiệu quả trong hầu hết trường hợp”.
WHO tin rằng đóng cửa biên giới có thể dẫn tới tình trạng gia tăng con số người xâm nhập bất hợp pháp và vì thế có thể làm lây lan dịch bệnh hơn là ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, lời khuyên của WHO bị hầu hết các nước bỏ qua, trong đó có Mỹ. Mỹ đã chặn không cho tất cả người nước ngoài ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó đi vào nước Mỹ từ ngày 2/2.
Tổng thống Trump cho rằng, quyết định trên giúp làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Mỹ. Cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng – ông Anthony Fauci cũng đồng ý với nhận định này.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố hồi tháng Hai của Tạp chí Quản lý Tình trạng Khẩn cấp đã khẳng định rằng lệnh cấm đi lại có tác dụng giảm tình trạng lây lan của các virus trước đó như Ebola và SARS chỉ trong thời gian ngắn hạn.