Chắc chắn Covid-19 đã, đang và sẽ gây ra khủng hoảng tinh thần cho nhiều người. Nhưng những ngày gần đây, một thống kê tại Nhật Bản vừa được công bố đã khiến dư luận bàng hoàng, bởi những con số này nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta: Tại Nhật Bản, số người chết vì tự tử trong tháng 10/2020 đã vượt qua số người chết vì Covid-19.
Cụ thể hơn, số người tự tử trong tháng 10 là 2,153 người. Và theo thống kê đến cuối tháng 11, số người chết vì Covid-19 ở Nhật Bản là 2087. Nói cách khác, số vụ tự tử trong 1 tháng đã vượt hơn toàn bộ người chết vì Covid-19 từ đầu dịch đến nay.
Những số liệu này thật sự khiến không ít người chấn động. Ai cũng cho rằng virus SARS-CoV-2 là thứ đáng sợ nhất nhưng trong thực tế, nỗi lo lắng và tuyệt vọng cùng sự cô độc giữa biển người mới là điều nguy hiểm chết người.
Chẳng những vậy, phụ nữ còn phải chịu thêm nhiều đả kích nặng nề từ nhiều phương diện khác nhau. Có thể chính vì vậy mà số vụ tự tử lại tăng nhanh chóng như thế.
Virus SARS-CoV-2 không phải thứ duy nhất gây chết người trong dịch bệnh
Trước đây rất lâu, Nhật Bản đã là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Tự tử gần như trở thành vấn đề cố hữu ở đất nước này. Năm 2016, tỷ lệ tử vong do tự tử đã gấp đôi tỷ lệ tử vong do tử tự trung bình trên toàn cầu. Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, Nhật Bản chỉ đứng sau Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền Nhật Bản cũng đã và đang nghĩ đến nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề này. Vì thế mà trong vòng 10 năm trở lại đây, số vụ tự tử ở Nhật Bản đã giảm mạnh, năm 2019 đã giảm còn khoảng 20.000 người. Đây là con số thấp nhất từ khi Bộ Y Tế Nhật Bản bắt đầu ghi nhận các vụ tự tử vào năm 1978.
Nhưng sau đó, Covid-19 xuất hiện.
Mọi thứ trở về xuất phát điểm, thậm chí còn trầm trọng hơn.
Số vụ tự tử ở Nhật Bản đã bắt đầu tăng nhanh trên diện rộng và nghiêm trọng nhất là phụ nữ. Trong 2,153 người tự tử trong tháng 10/2020, có 1,302 nam giới và 851 phụ nữ. Đánh giá sơ bộ thì tỷ lệ phụ nữ vẫn nhỏ hơn số nam giới tự tử. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ tự tử ở nam giới tăng 22% trong khi ở phụ nữ đã tăng gần 83%.
Có thể thấy, ảnh hưởng của Covid-19 đối với tỷ lệ tự tử ở phụ nữ là rất rõ ràng.
Ảnh minh họa.
Nhưng, tại sao ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản lại lựa chọn cách thức quyết liệt như vậy để từ biệt thế giới?
Trong nhiều trường hợp, tự tử không chỉ đến từ một nguyên nhân duy nhất. Dịch bệnh trong thời gian dài đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp, từ đó kéo theo nợ nần, gia đình bất hòa, bạo hành gia đình,... Hàng loạt vấn đề như những quân cờ domino nối tiếp nhau kéo đến.
Trong thời kỳ Covid-19 bùng phát mạnh, dịch vụ khách sạn, dịch vụ ăn uống và bán lẻ là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất, dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên nghiêm trọng. Và chính trong những ngành nghề này có tỷ lệ phụ nữ tham gia nhiều nhất. Không có việc làm, đồng nghĩa với không có thu nhập, không thể ăn no mặc ấm.
Nhưng, tình trạng thật sự khủng khiếp hơn đối với những bà mẹ đơn thân và những gia đình mà người vợ phải là người gánh vác cả gia đình.
Ngày nay, "trụ cột gia đình" đã không còn là danh hiệu dành riêng cho các ông chồng. Ngày càng nhiều phụ nữ bứt phá khỏi vai trò nội trợ truyền thống để bước vào công sở. Tuy nhiên dù có thế nào thì phụ nữ cũng phải đối mặt với quan điểm gia đình truyền thống. Ngay cả khi phụ nữ có công việc tốt thì việc nuôi dạy con cái, đảm đương việc nhà và chăm lo bố mẹ 2 bên đều được mặc định là "thiên chức" của phụ nữ.
Ngoài ra, bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân nổi bật khiến tỷ lệ tự tử ở phụ nữ tăng vọt. Từ tháng 4/2020, đường dây nóng chăm sóc sức khỏe tâm thần 24h tại Nhật Bản đã nhận trung bình hơn 200 cuộc gọi mỗi ngày, hầu hết là phụ nữ.
"Tôi đã bị bố cưỡng hiếp".
"Chồng muốn giết tôi".
Số lượng những tin nhắn tương tự mà đường dây nóng chăm sóc sức khỏe tâm thần tiếp nhận mỗi ngày đang không ngừng tăng lên. Trong môi trường bị cô lập do Covid-19 gây ra, các vụ bạo hành gia đình cũng gia tăng mạnh mẽ. Nạn nhân không còn nơi nào để trốn đi nữa, trường học, văn phòng hay nhà bạn bè đều không thể dễ dàng đến trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như thế này.
Trước khi bị virus SARS-CoV-2 giết chết, họ rất có thể bị chính "ma quỷ" sát hại tại nhà.
"Mỗi lúc thấy tin tự tử của một ai đó, tôi cảm thấy rất ghen tị với họ vì có thể được giải thoát"
Sau vài tháng dịch bệnh bùng phát, thất nghiệp, không có tài chính, quan hệ giữa các cá nhân mong manh và bạo lực gia đình đã làm tăng nguy cơ tự tử. Đối với những người đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc, cuộc sống chỉ như một sợi dây đang căng, lúc này chỉ cần một chút lực từ bên ngoài tác động thì sợi dây đó sẽ đứt ngay lập tức.
Và vào thời điểm này, "một chút lực từ bên ngoài" đó có thể là thông tin về vụ tự tử của một người nổi tiếng. Cái chết đó như một cú đẩy cuối cùng vào trái tim của những người đang tuyệt vọng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng Nhật Bản, từ tháng 2 đến tháng 6, số liệu tự tử rất thấp, thấp hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, sang tháng 7, số người tự tử đã tăng mạnh. Thống kê cũng cho thấy, số vụ tự tử tăng vọt sau khi nam diễn viên Haruma Miura tự sát ngày 19/7 và nữ diễn viên Yuko Takeuchi tự sát ngày 27/9.
Số vụ tự tử sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn sau khi người nổi tiếng chết và sau đó sẽ giảm dần. Và xu hướng này rõ ràng ở phụ nữ. Trong khoảng 10 ngày sau khi nữ diễn viên Yuko Takeuchi tự sát, số lượng phụ nữ tự tử đã tăng lên đáng kể. Vào tháng 10, số vụ tự sát của phụ nữ ở độ tuổi hơn 20 và hơn 40 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với sự phát triển của Internet, thông tin về các vụ tự tử sẽ nhanh chóng lan rộng, chắc chắn sẽ có người bị tác động bởi những thông tin tiêu cực này, đặc biệt nhất là phụ nữ. Họ là những người đang phải vật lộn với trạng thái tuyệt vọng và việc bị vây quanh bởi những thông tin tự tử sẽ khiến tinh thần họ tồi tệ hơn.
"Nhìn nghệ sĩ tự sát, dường như bản thân tôi cũng bị cuốn vào, thật đáng sợ".
"Do dịch bệnh nên khách hàng giảm sút, công việc làm ăn kho khăn hơn, phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc như thế này, tôi cũng muốn tự sát để thoải mái nhẹ nhàng hơn".
"Vốn dĩ tôi cũng không muốn sống nữa. Mỗi khi thấy tin tự tử của một ai đó, tôi cảm thấy rất ghen tị với họ vì có thể được giải thoát".
Hiện trạng của phụ nữ Nhật Bản có thể xem chính là phần thu nhỏ của phụ nữ toàn thế giới. Phụ Nữ Liên Hợp Quốc vừa đưa ra kết luật vào cuối tháng 11, COVID-19 có thể khiến địa vị của phụ nữ toàn cầu quay ngược lại 25 năm trước.
Ảnh minh họa.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, những người vợ, người mẹ có thể có người để san sẻ việc nấu nướng, chăm sóc con cái như giáo viên mẫu giáo, bảo mẫu, giúp việc,... Nhưng trong thời kỳ dịch bệnh, các gia đình bị cô lập, mọi việc nội trợ và chăm sóc con cái đều do phụ nữ ôm đồm. Cộng thêm công việc riêng của họ, tất cả dường như đã vượt quá tầm kiểm soát của họ.
Tạm kết
Dù là nghèo đói, bạo hành, lương thấp hay bị giam cầm trong những định kiến truyền thống thì những nguyên nhân này luôn luôn tồn tại trong mọi thời điểm. Những vấn đề trầm trọng chúng ta nhìn thấy rõ trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát chỉ là những vấn đề mà trước đây chúng ta bỏ qua hoặc nhầm lẫn.
Dịch bệnh không thay đổi tất cả, mà nó đã phơi bày những vấn đề từng bị con người phớt lờ.
Nhưng dù là vậy, ngay cả khi nhìn thấu thì những thiệt thòi của phụ nữ vẫn không thể thay đổi. Thậm chí sau khi dịch bệnh kết thúc, phụ nữ có lẽ phải chịu cảnh nghèo đói, bạo lực và nhiều ảnh hưởng tiêu cực lâu dài hơn.
Một người phụ nữ Nhật Bản khi ngẫm về cuộc đời mình đã từng nói: "Nhật Bản luôn phớt lờ phụ nữ. Đây là một xã hội mà một khi xảy ra điều gì đó tồi tệ, những người yếu thế sẽ luôn bị bỏ rơi đầu tiên".