Hôm nay (25/8), cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều có kế hoạch tập trận hải quân riêng rẽ tại Địa Trung Hải giữa lúc căng thẳng giữa 2 nước gia tăng liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên tại vùng biển tranh chấp tại đây.
Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang giữa 2 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tức tốc tới thăm hai quốc gia này để tìm cách hạ nhiệt tình hình.
Lực lượng hải quân và không quân của Hy Lạp cùng Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Cộng hòa Síp sẽ tiến hành 1 cuộc tập trận quân sự chung kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ hôm nay (25/8), ở phía Đông Nam đảo Crete.
Động thái của Hy Lạp được cho là nhằm đáp trả quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn nhiệm vụ thăm dò của tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis trên vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải đến ngày 27/8.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo 1 cuộc tập trận hải quân riêng tại Địa Trung Hải.
Hai cuộc tập trận “đối địch” đang làm “dậy sóng” Địa Trung Hải diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang xấu đi nhanh chóng, đặc biệt là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu thăm dò Oruc Reis của nước này tới vùng biển tranh chấp thăm dò dầu khí hôm 10/8 vừa qua. Phía Hy Lạp trước đó cũng đã triển khai nhiều tàu chiến để giám sát động thái của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Một va chạm ngoài ý muốn giữa các tàu Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã xảy ra.
Dự báo, căng thẳng tại Địa Trung Hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp tục leo thang khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua khẳng định, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhượng bộ Hy Lạp; đồng thời nhấn mạnh Hy Lạp không có quyền triển khai hệ thống định vị hàng hải và dự báo thời tiết biển, tại các khu vực mà Ankara tuyên bố chủ quyền.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không lùi bước, hay ngừng lại các hoạt động của tàu Oruc Reis cũng như lực lượng hải quân tháp tùng. Ngược lại, chúng tôi sẽ hành động một cách kiên quyết hơn, để bảo vệ quyền lợi của mình trong khu vực. Các bạn cần phải nghĩ đến các hậu quả nếu đối đầu với chúng tôi”.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết, Hy Lạp đang phản ứng một cách bình tĩnh, sẵn sàng thực hiện mọi bước đi cần thiết, từ ngoại giao đến quân sự, để bảo vệ quyền chủ quyền của mình.
Căng thẳng đang leo thang giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều nước châu Âu đã lên tiếng phản ứng. Đến nay, hầu hết các quốc gia châu Âu đều có quan điểm đứng về phía Hy Lạp, thậm chí một số nước đã yêu cầu trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về hành vi của nước này tại vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải.
Đức, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), đang đi đầu trong nỗ lực nhằm hòa giải tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Hôm nay, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas sẽ tới Hy Lạp và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thúc đẩy sự đối thoại giữa các bên. Trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, một cuộc đối thoại trực tiếp để hạ nhiệt căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là rất cần thiết. Một khi căng thẳng giữa 2 bên leo thang, mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ xấu đi./.