Hoà Bình nằm trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành. Ưu thế nổi bật của Hòa Bình so với các tỉnh Tây Bắc là vị trí liền kề với thủ đô Hà Nội. Vị trí địa lý giúp Hòa Bình có thể thuận lợi kết nối với tiểu vùng Tây Bắc bằng đường bộ, đường thủy; kết nối với Vùng Thủ đô Hà Nội và các vùng khác, trở thành một điểm đầu mối giao thông, điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng của vùng.
Theo định hướng Quy hoạch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Hòa Bình được xác định là một trung tâm trong Tuyến hành lang kinh tế Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sự phát triển của các địa phương lân cận, đặc biệt là Hà Nội và Sơn La tạo cơ hội thu hút đầu tư, liên kết hình thành các vùng sản xuất chung để phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, phát triển dịch vụ logistics và vận tải.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (tính theo giá so sánh 2010) của cả thời kỳ 2011 – 2020 đạt bình quân 6,01%/năm, trong đó giai đoạn 2016 – 2020 đạt 6,31%/năm xếp thứ 6 trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hòa Bình, thời kỳ 2011-2020. Nguồn: UBND Hòa Bình
Sang đến năm 2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010, ước thực hiện năm 2022 đạt 32.680,25 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2021 (cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%). Về cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm22,71%; công nghiệp - xây dựng là 38,97%; dịch vụ là 33,18% và thuế sản phẩm 5,14%.
GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 65,9 triệu đồng/người, so với năm 2021 tăng 12,01%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện đạt 18.410,3 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 419,8 tỷ đồng (tăng 2,33%). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đạt 8.347,8 tỷ đồng, tăng 1.675,8 tỷ đồng (tăng 25,12%) so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài Nhà nước đạt 9.923,3 tỷ đồng, giảm 971,5 tỷ đồng (giảm 8,54%) so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình thu hút FDI, năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2021, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%.
Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động, trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo ước tính của Sở tài chính Hòa Binh, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh năm 2022 ước thực hiện 6.410 tỷ đồng so với cùng kỳ tăng 14,16%. Trong đó, thu nội địa là 6.080 tỷ đồng, bằng 169,74% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 99,75% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, thu xuất nhập khẩu ước đạt 330 tỷ đồng, bằng 104,76% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 104,76% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Hòa Bình có những điểm mạnh và cơ hội nào để phát triển?
Trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, UBND Hòa Bình đã đưa ra một số điểm mạnh cũng như cơ hội phát triển của tỉnh.
Cụ thể, về điểm mạnh, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đóng góp tỷ trọng lớn cho nền công nghiệp Hòa Bình, với kế hoạch mở rộng công suất từ 1.920MW lên 2.400 MW trong giai đoạn 2 tạo ra cho Hòa Bình thế mạnh là trung tâm điện lực cả nước.
Bên cạnh đó, thành quả phát triển nông nghiệp với nhiều loại nông sản chất lượng cao, tạo thế mạnh của tỉnh trong xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sâu nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao và khả năng cạnh tranh tốt.
Các khu công nghiệp thu hút đang họat động được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhiều dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, là những điểm mạnh đáng kể để Hòa Bình phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hạ tầng giao thông, đang phát triển tương đối nhanh, nhiều dự án xây mới, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư tỉnh ủy cho biết, Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500ha; đang đề nghị mở rộng Khu Công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha, bổ sung thêm 3 khu công nghiệp mới với diện tích trên 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích trên 800ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Ngoài các chính sách ưu đãi chung, ông Nguyễn Phi Long cho hay, Hòa Bình còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu...
Tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 210 ngày 19/12/2013 của Chính phủ, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Về lĩnh vực ưu tiên, Hòa Bình chú trọng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm; trong thương mại, dịch vụ, tỉnh ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa; trong du lịch, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch...
Theo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hòa Bình đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân năm 2031-2050 đạt 7,2-7,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 – 20.000 USD. Về cơ cấu ngành kinh tế, tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm khoảng 90% GRDP và 70% số việc làm, trong đó thương mại dịch vụ chiếm trên 50%.