Kinh tế địa phương tăng trưởng 2 con số 9 năm liên tiếp
Là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, Quảng Ninh là địa phương có địa lý đặc thù, một cửa ngõ kết nối liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.
Theo số liệu công bố của Cục Thống kê tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh đạt 11,03%, gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, cho thấy giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Quảng Ninh trong 60 năm qua, đặc biệt là trong gần 40 năm đổi mới.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2023 đạt 315.800 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 4,7%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 51,9%; khu vực dịch vụ chiếm 30,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 55.632 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 5%.
Sang đến 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,02%, vượt cận trên kịch bản tăng trưởng (kịch bản là 9,0%), đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước. Quy mô GRDP ước đạt 161,6 nghìn tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách Nhà nước của Quảng Ninh tính đến ngày 30/6/2024 đạt 29.130 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương, bằng 52% dự toán tỉnh, bằng 101% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ xuất nhập khẩu đạt 9.593 tỷ đồng, bằng 77% dự toán Trung ương, bằng 74% dự toán tỉnh, tăng 23% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt 19.532 tỷ đồng, bằng 48% dự toán Trung ương, bằng 46% dự toán tỉnh, bằng 93% so với cùng kỳ.
Các động lực tăng trưởng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 23,05%, cao hơn 10,3% cùng kỳ, là động lực tăng trưởng chính; khu vực dịch vụ tăng 13,8%; thuế sản phẩm tăng 4,7%; khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì đà tăng khá, tăng 4,3%. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đã đón 10,4 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ, với tổng doanh thu đạt 22.285 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,55 tỷ USD, đạt xấp xỉ 52% kế hoạch năm, tăng 118% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước (sau Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu), chiếm 10% tổng thu hút vốn FDI cả nước là 15,2 tỷ USD. Toàn tỉnh có 983 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so cùng kỳ, có 140 hợp tác xã thành lập mới, tăng 629% so cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 11.590 doanh nghiệp và 673 hợp tác xã đang hoạt động.
Đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc TW
Theo Quy hoạch Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh sẽ trở thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố. Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên. Trong đó, dự kiến TP.Móng Cái hiện nay sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới.
Về các chỉ tiêu kinh tế, quy hoạch chỉ rõ, đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD. Tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm.
Thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI);
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy đã có buổi gặp gỡ và tiếp đón ông Park Gi-Beom, Chủ tịch Hiệp hội Greyhound Hàn Quốc (Hiệp hội KGA) đang đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh.
Hiệp hội KGA là tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, phát triển, cung cấp các dịch vụ, loại hình thể thao du lịch đặc sắc tại Hàn Quốc và một số quốc gia trên thế giới.
Tại buổi tiếp, ông Park Gi-Beom, Chủ tịch Hiệp hội KGA, đánh giá cao sự phát triển, tăng trưởng, thu hút đầu tư của Quảng Ninh thời gian qua. Đồng thời chia sẻ một số ý tưởng nghiên cứu, đề xuất đầu tư vào tỉnh với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 1-2 tỷ USD.
Cụ thể, Hiệp hội KGA đề xuất được đầu tư, xây dựng tổ hợp thể thao và vui chơi giải trí quốc tế Hạ Long với quy mô khoảng 300-350ha tại khu vực phía Bắc, TP Hạ Long. Đây là tổ hợp thể thao và vui chơi giải trí lớn nhất châu Á.