Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 291 KCN đã đi vào hoạt động. Trong đó, 5 tỉnh, thành có nhiều KCN đang hoạt động nhất gồm có: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Bắc Ninh. Đồng Nai hiện là tỉnh có số KCN đang hoạt động nhiều nhất cả nước, với 31 KCN.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay khoảng 80%, riêng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt trên 85% tổng diện tích.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh hiện có 31 KCN với tổng diện tích 12.721ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Trong đó, có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 95%. Với tỷ lệ lấp đầy này, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước.
Theo Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, so với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng, 13% về diện tích KCN và có diện tích KCN lớn nhất Việt Nam.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, khu vực có vốn FDI tiếp tục là lực lượng dẫn dắt, đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung và các KCN nói riêng.
Các KCN đang hoạt động tại Bình Dương đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và đã được lấp đầy gần hết. Trên thực tế, các nhà đầu tư rót vốn vào tỉnh Bình Dương đầu tư dễ dàng nhận được nhiều thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào và xuất khẩu nhờ lợi thế về logistics và liên kết của các KCN.
Cụ thể, để thu hút đầu tư, tỉnh tập trung phát triển kết cấu giao thông đồng bộ. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng, giúp kết nối nội đô và các vùng lân cận. Tiêu biểu, tỉnh đã mở rộng quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm kết nối giao thông vùng.
Cùng với đó, Bình Dương cũng đầu tư xây dựng từng đoạn tuyến của đường Vành đai 4 để kết nối với TP. HCM và Đồng Nai nhằm tạo thuận lợi cho logistics liên tỉnh.
Trong nhiều năm nay, Bình Dương luôn nằm trong nhóm các địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương luôn được tỉnh quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp lớn của cả nước.
Lũy kế đến nay, Bình Dương đang đứng thứ 2 cả nước (sau TP. HCM) về thu hút đầu tư nước ngoài, với 4.087 dự án được cấp phép còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 39,7 tỷ USD.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu với 865 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 6,278 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 2 với 341 dự án, tổng vốn đăng ký 5,89 tỷ USD và Singapore đứng thứ 3 với 278 dự án, tổng vốn đăng ký 5,41 tỷ USD.
Lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 3.541 dự án, tổng vốn đầu tư 29,16 tỷ USD. Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,36 tỷ USD.
Nhờ vào sự phát triển mạnh về công nghiệp và thu hút đầu tư FDI, Bình Dương đã trở thành tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước trong nhiều năm liên tiếp. Trong giai đoạn 2002-2021, thu nhập bình quân của Bình Dương luôn lọt top 5 cả nước.
Năm 2002, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 0,504 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ 4 cả nước. Năm 2021, Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người đạt 7,12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, tăng 1,71% so với năm 2020. Như vậy, sau 19 năm, thu nhập bình quân của tỉnh đã tăng 14 lần.