Địa ốc Hòa Bình trúng thầu nghìn tỷ: Đầu tiên, tiền đâu?

Hoa Liên |

9 tháng đầu năm 2016, tổng số nợ phải trả của CTCP Xây dựng và kinh doanh Địa ốc Hòa Bình đã tăng phi mã lên mức gần 9.500 tỷ đồng – gấp 10 lần vốn điều lệ cộng thêm cơ cấu tài sản có phân nửa là nợ phải thu đã gây áp lực lớn lên dòng tiền của trùm thầu xây dựng này.

13 ngày trúng thầu 4.000 tỷ

Ngày 14/12, công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (mã HBC) công bố thông tin về các dự án mới trúng thầu trong tháng 12/2016. Theo thông tin công bố, trong vòng hai tuần qua, công ty đã liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu với tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng.

Trong đó có những gói thầu giá trị lớn như Thi công kết cấu móng – hầm – thân, hoàn thiện và cơ điện dự án Times Garden Hạ Long với tổng giá trị 800 tỷ đồng, tổng thầu Thiết kế và thi công dự án DRT Residential có giá trị 1.000 tỷ đồng, và một số dự án khác như Sun Grand City Thuy Khue Residence, Hà Đô Controsa Garden…

Sau thông tin tích cực trên, giá cổ phiếu HBC ngay lập tức tăng thêm 4,3% lên chốt phiên giao dịch ngày 14/12 ở mức giá 28.150 đồng/CP.

Trước đó, mã HBC đã có một thời gian dài “dùng dằng” trong khoảng 28-29.000 đồng/CP, thậm chí rơi xuống mốc 26.500 đồng vào phiên 12/12.

Về tình hình kinh doanh, HBC cũng đã có những cú ghi điểm trên sàn giao dịch nhờ doanh thu và lợi nhuận quý III/2016 cao đột biến. Cụ thể, riêng quý III/2016, doanh nghiệp này thu về 2.938 tỷ đồng – tăng 145% so với cùng kỳ và lợi nhuận ghi nhận 182 tỷ - gấp 18 lần so với quý III năm trước.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của HBC đạt hơn 7.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng cũng tăng mạnh tới 5,8 lần, đạt 319,5 tỷ đồng.

Nhìn vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên, nhiều nhà đầu tư đang đặt hy vọng vào mã HBC dù “dập dềnh” thời gian dài vừa qua có quyền mỉm cười và dự kiến ngày bán chốt lời không xa.

Tuy nhiên, không phải trúng thầu nghìn tỷ lại là thông tin hoàn toàn tích cực đối với địa ốc Hòa Bình trong bối cảnh dòng tiền của doanh nghiệp này đang trong trạng thái âm, chưa kể khoản vay nợ không ngừng gia tăng.

Nặng gánh lo toan từ món nợ 9.500 tỷ đồng

Tổng tài sản tính đến ngày 30/09/2016 của địa ốc Hòa Bình là 10.875 tỷ đồng, tuy nhiên có đến 5.900 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn và dài hạn – tức chiếm 55% tổng tài sản.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận ghi nhận trên sổ sách rất lớn nhưng dòng tiền thực thu về lại đặt ra dấu hỏi cho nhà đầu tư quan tâm đến mã HBC khi dòng tiền hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2016 bị âm tới 309 tỷ đồng.

Đặc thù kinh doanh của HBC là đầu tư các dự án lớn, tập trung xây dựng các công trình cao tầng đòi hỏi máy móc thiết bị thu công phức tạp và đắt đỏ.

Những yếu tố trên khiến HBC buộc phải gia tăng vay nợ để đảm bảo tiến độ thi công và yêu cầu của các gói thầu và chủ đầu tư.

Khoản mục nợ phải trả của địa ốc Hòa Bình đến cuối tháng 9/2016 đã tăng lên mức 9.423 tỷ đồng – tăng 3.200 tỷ so với thời điểm đầu năm, riêng trong quý 3 vừa qua đã tăng thêm 1.850 tỷ. Đây cũng là thời kỳ HBC đạt được mức doanh thu và lợi nhuận cao đột biến.

Tổng dư nợ vay nợ ngân hàng (cả dài hạn và ngắn hạn) của HBC là gần 2.870 tỷ đồng.

Như đã nói ở trê, việc nợ phải trả tăng nhanh hàng nghìn tỷ đồng mỗi quý là điều không khó hiểu đối với một doanh nghiệp xây dựng lớn như Địa ốc Hòa Bình, nhưng nhìn sang Coteccons – đối thủ lớn nhất của HBC ở thời điểm hiện tại thì nhà đầu tư có thể thấy rõ sự khác biệt.

Ông trùm tổng thầu Coteccons có lịch sử tín dụng khá sạch sẽ, hầu như không có vay nợ ngân hàng.

Hiện vốn chủ sở hữu của HBC mới chỉ dừng ở mức 944 tỷ đồng, tức khoản nợ vay đã gấp 10 lần vốn. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ nợ/vốn cao như trên chắc chắn sẽ gây rủi ro khó lường trong tương lai chưa kể chi phí tài chính không hề nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả trong kỳ.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2016 của HBC diễn ra hồi cuối tháng 4/2016, tình hình kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng cộng thêm giá cổ phiếu còn kém xa đối thủ Coteccons là hai vấn đề được cổ đông HBC quan tâm chất vấn nhiều nhất.

Ngoài ra tính hiệu quả trong việc sử dụng dòng vốn cũng như các khoản lỗ bất ngờ của Hòa Bình cũng bị cổ đông phàn nàn và đề nghị có biện pháp khắc phục.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC, Lê Viết Hải thừa nhận: "Cách đây 3-5 năm, tiềm lực của Hòa Bình và Coteccons không chênh lệch đáng kể. Song hiện nay, thị giá cổ phiếu của Hòa Bình so với Coteccons đúng là đang rất thấp. Đây là một vấn đề chúng tôi trăn trở rất nhiều".

Cũng có thể vì chính những trăn trở đó, để chiều lòng cổ đông mà ban điều hành của HBC đã lựa chọn con đường không bằng phẳng khi chấp nhận thực hiện hàng loạt gói thầu giá trị lớn đồng thời gánh chịu rủi ro từ vay nợ tăng cao liên tục.

Những cố gắng và nỗ lực của HBC trong 9 đầu năm xứng đáng được nhà đầu tư và cổ đông ghi nhận. Nhưng khoan hãy nhìn sang Coteccons, giá cổ phiếu mã CTD hiện vẫn tăng liên tục hướng đến mốc 180.000 đồng/CP – gấp 6 lần thị giá của HBC và đang là món hàng đầy hấp dẫn được cả thị trường săn đón.

Lần họp “hội nghị Diên hồng” năm nay, cổ đông HBC nên ngậm ngùi chấp nhận vị trí đứng sau để tìm ra giải pháp tháo gỡ gánh nặng tài chính hiện tại, phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi thay vì chất vấn ban điều hành công ty.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại