"Địa ngục sống" trên Everest: Nơi tàn phá cơ thể trong từng tế bào khiến con người bỏ mạng

Trang Ly |

Ở Everest tồn tại một khu vực được xem là "địa ngục sống", thách thức ngay cả nhà leo núi bản lĩnh nhất.

Đối với dân leo núi nhà nghề, "nóc nhà của thế giới" - đỉnh Everest là đích đến mà họ muốn chinh phục nhất trong cuộc đời. 

Để đặt được đỉnh núi cao nhất hành tinh (so với mực nước biển) dưới đôi chân, một vận động viên leo núi chuyên nghiệp không chỉ có thể lực bền bỉ, cơ thể dẻo dai, rèn giũa khả năng chịu đựng sự khắc nghiệt tột cùng của khí hậu vùng núi cao cùng ý chí quật cường hiếm thấy, họ còn phải trang bị cho mình kỹ năng và những kiến thức hiểu biết về địa hình của Everest.

Cao 8.848m, Everest được mệnh danh là "tử địa lộ thiên lớn nhất thế giới". Vùng núi đầy tuyết lạnh thấu xương và gió cắt da cắt thịt này là "mồ chôn" của không biết bao nhiêu người leo núi kể từ ngày 29/5/1953 - thời điểm 2 nhà leo núi Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest.

Địa ngục sống trên Everest: Nơi tàn phá cơ thể trong từng tế bào khiến con người bỏ mạng - Ảnh 1.

Everest được mệnh danh là "tử địa lộ thiên lớn nhất thế giới". Ảnh: Shrimpo1967/Flickr

Ở Everest có một ranh giới giữa sự sống và cái chết mà dân leo núi nhà nghề gọi là "The Death Zone" - Vùng Tử thần. Vượt qua Death Zone, nhà chinh phục có đến 90% đặt Everest dưới chân mình. Nhưng nếu không vượt qua được Death Zone, Everest sẽ trở thành mồ chôn của họ.

Tại sao lại như vậy? Sciencealert tiến hành tổng hợp các phân tích khoa học và nhận định của những người sống sót trở về để hiểu: Leo lên Everest đã là điều dũng cảm nhất mà một con người có thể làm - Chinh phục được nó còn là chiến thắng không tưởng trong suy nghĩ của nhà khoa học!

Death Zone của Everest: Nơi tàn phá sự sống trong từng tế bào

Giới leo núi chuyên nghiệp thế giới sử dụng thuật ngữ "Vùng Tử thần" hay "Ngưỡng chết" trên Everest là khi một nhà leo núi chạm đến độ cao trên 8000m so với mực nước biển. Tại vị trí này, oxy là thứ xa xỉ, đắt đỏ nhất đối với lá phổi và tế bào của con người.

Theo Tổ chức Y tế Hoàng gia Anh (NHS), ở từng độ cao khác nhau, con người (cụ thể là những vận động viên leo núi đã được đào tạo) sẽ có những triệu chứng và hệ quả từ việc "say độ cao" khác nhau:

- 2.440m so với mực nước biển: Bắt đầu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau đầu và dần kiệt sức.

- 3.600m so với mực nước biển: Các triệu chứng "say độ cao" nặng dần: Khó thở, ho ra máu, không làm chủ được đôi chân, nhận thức mất dần.

- 5.400m so với mực nước biển: Lúc này, lượng oxy giảm 50% so với mực nước biển. Nếu không có bình dưỡng khí, một người sẽ chết sau 30 phút.

- 8.000m so với mực nước biển - Vùng Tử thần của Everest: Khu vực thách thức sự sống trong từng tế bào. Tại độ cao này, không khí rất loãng, oxy chỉ còn 30% so với mực nước biển.

Chuyên gia và các nhà leo núi nhà nghề sẽ phân tích sự nguy hiểm của "địa ngục sống" trên Everest này:

"Leo núi trong Vùng Tử thần chẳng khác nào lao vào "địa ngục sống"." Nhà leo núi và thành viên thám hiểm NOVA năm 1998 David Carter nói một cách ngắn gọn.

"Tại Vùng Tử thần, ngay cả khi đeo bình dưỡng khí, người ta vẫn thấy khó thở như đang chạy trên máy tập (tốc độ nhanh nhất) mà chỉ được hít thở qua ống hút vậy." - David Breashears, người đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ chinh phục Everest hơn 1 lần cho biết.

Kỹ năng rèn luyện cơ thể tiên quyết nhất với một nhà leo núi là họ phải cho cơ thể mình có thời gian để thích nghi với độ cao có thể nghiền nát phổi ở Himalaya trước khi chinh phục Everest.

Tuy vậy, dù luôn biết phải thích nghi với việc thiếu oxy nhưng làm như vậy có thể khiến họ đối mặt với vô số rủi ro về sức khỏe. Khi lượng oxy trong máu giảm xuống dưới một mức nhất định, nhịp tim tăng vọt lên tới 140 nhịp/phút, làm tăng nguy cơ đau tim.

Các nhà khoa học cho biết, ở độ cao trêm 8000m, cơ thể của nhà leo núi bắt đầu "chết" từng chút một, từng tế bào cũng chết theo từng phút. Khi đó, não và phổi của họ bị thiếu oxy trầm trọng. Nguy cơ đau tim, đột quỵ, mất hoàn toàn nhận thức rồi tử vong lơ lửng trên đầu họ, chờ chực ập xuống theo từng tích tắc của đồng hồ.

Địa ngục sống trên Everest: Nơi tàn phá cơ thể trong từng tế bào khiến con người bỏ mạng - Ảnh 4.

Các đoàn thám hiểm thường thực hiện ít nhất 3 giai đoạn trên hành trình chinh phục "nóc nhà thế giới" từ Everest Base Camp (cao hơn 5.300m, bằng với các ngọn núi cao ở châu Âu), tiếp đến họ sẽ nghỉ ngơi trước khi chinh phục thêm vài nghìn mét, rồi sau đó mới lên đỉnh.

Trong nhiều ngày, cơ thể bắt đầu tạo ra nhiều huyết sắc tố (protein trong các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể) để bù đắp cho sự thay đổi độ cao.

Nhưng, quá nhiều huyết sắc tố có thể khiến máu đặc hơn khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể. Đây chính là nguyên nhân khiến nhà leo núi dễ bị đột quỵ hoặc tích tục chất lỏng trong phổi, hay bị phù phổi độ cao (HAPE).

Có vô số triệu chứng xảy ra lúc này: Ngạt thở, ho dữ đội đến mức làm nứt hoặc tách xương sườn. Hụt hơi ngay cả khi đã dừng chân nghỉ là biểu hiện của những người bị HAPE.

Tại Vùng Tử thàn, não của họ bắt đầu sưng lên do thiếu oxy trầm trọng, khiến họ có thể lâm vào tình trạng rối loạn tâm thần, mất nhận thức.

"Một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất ở độ cao 8000m là thiếu oxy, việc não thiếu oxy là một minh chứng. Nếu não không được nhận đủ oxy, nó sẽ sưng lên, gây phù não độ cao (HACE), khiến một người mất dần ý thức, không thể suy luận và bắt đầu mê sảng. Điều này cho thấy việc con người cố gắng thích nghi với độ cao 8000 là không thể." - Chuyên gia và bác sĩ Peter Hackett cho biết.

Khi bị mắc HACE, một người có thể có những hành động vô thức và kỳ lạ như bắt đầu trút bỏ quần áo (bất chấp thời tiết giá lạnh thế nào), gãi liên tục đến chảy máu hoặc nói chuyện với những người họ tưởng tượng ra.

Nguy hiểm hơn, họ bắt đầu bị mù tuyết. Tức là áng sáng từ vùng băng tuyết rộng lớn HOẶC do các mạch máu trong mắt bị vỡ khiến họ bị mù tuyết - bị mất thị lực tạm thời.

Với vô số các triệu chứng xuất hiện dồn dập như vậy (chóng mặt, mất ý thức, mê sảng, mù tuyết, kiệt sức...) họ có thể đưa ra những quyết định không chính xác (như đi lạc, sảy chân, không thể dùng bình dưỡng khí đúng cách...) khiến việc bỏ mạng trên vùng núi tuyết là điều khó tránh khỏi.

Lhakpa Sherpa, người đã chinh phục đỉnh Everest 9 lần (nhiều hơn bất kỳ nữ vận động viên leo núi nào khác trên Trái Đất) từng nói: Ngày mà cả đoàn vượt qua độ cao 8000m để lên đỉnh Everest là ngày khắc nghiệt nhất trong chuyến đi.

11 trường hợp tử vong vì "tắc đường" trên Everest

Để lên đỉnh Everest thành công, mọi thứ phải tuân theo quy trình chặt chẽ.

Địa ngục sống trên Everest: Nơi tàn phá cơ thể trong từng tế bào khiến con người bỏ mạng - Ảnh 7.

11 người leo núi đã tử nạn vì "tắc đường" trên Everest. Ảnh: Lhakpa Sherpa


Thông thường, khoảng 10 giờ tối, những người leo núi rời khỏi thiên đường của họ ở Trại Bốn ở độ cao 8000m, ngay bên rìa Vùng Tử thần. Đoạn đầu tiên của hành trình leo núi đó phải được thực hiện khi đêm xuống. 

7 giờ sau, thông thường, những người leo núi kiên cường nhất sẽ lên đến đỉnh. Sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn với những khoảnh khắc đáng nhớ khi Everest đặt dưới chân, các đoàn thám hiểm sẽ leo xuống núi. Theo lịch trình, sẽ mất khoảng 12 giờ để trở về an toàn và đến nơi (lý tưởng) trước khi màn đêm buông xuống.

Nhưng gần đây, do thời tiết thuận lợi nên nhiều đoàn thám hiểm đã thực hiện việc chinh phục Everest, điều này dẫn đến việc tắc nghẽn khiến quá nhiều người phải chờ đợi tại Vùng Tử thần trong nhiều giờ. 

Hệ quả đau lòng xảy ra là một số người tử nạn vì kiệt sức trước khi lên đến đỉnh. Tờ The Kathmandu Post (Nepal) cho hay, vào ngày 22/5/2019, có khoảng 250 người leo núi thực hiện hành trình lên đỉnh Everest. Do "tắc đường" nhiều người đã phải xếp hàng nhiều giờ chờ đợi tại Vùng Tử thần, kết quả 11 người tử nạn, nhiều người khác bị kiệt sức và phải cấp cứu khẩn cấp.

Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại