Đi tìm xuất xứ món "Đặc sản" của lính xe tăng Việt Nam: Bí mật đã được hé mở!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Mỗi đơn vị, mỗi quân binh chủng... đều có những bản sắc riêng thú vị. Ở các đơn vị xe tăng, một trong những nét đặc thù rất dễ thương là Lính xe tăng gọi nhau bằng "QUÊ"!

"QUÊ" - Đặc sản của lính xe tăng

Khi đến các đơn vị xe tăng, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi thấy cán bộ, chiến sĩ gọi nhau bằng "QUÊ"- tất nhiên là ngoài giờ huấn luyện và sinh hoạt chính quy. Họ gọi nhau bằng quê bất chấp tuổi tác, chức vụ và cả quê quán thật nữa...

Nếu đó là người lớn tuổi hơn có thể sẽ được đế thêm "anh quê", "bác quê", "chú quê". Còn nếu đó là các nữ chiến binh xinh đẹp thì thường được gọi âu yếm "em quê". Và phổ biến nhất là mấy "thằng quê". Ngay cả các chỉ huy đơn vị, ngoài giờ công tác cứ là quê tất - kể cả Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp.

Xét về mặt từ ngữ, "QUÊ" trong lính xe tăng là một đại từ nhân xưng và được dùng phổ biến ở ngôi thứ hai cả số ít và số nhiều. Chẳng hạn: "Quê ơi, ra tao bảo cái này!" hoặc "Các quê ơi! Xuống ăn cơm đi!"...

Nhưng không chỉ vậy, "QUÊ" có khi lại còn ở cả ngôi thứ nhất. Ví dụ: "H. ơi! Ra đây quê bảo cái này!" hay "B. ơi! Sang xe quê lấy dầu nhờn về nhé!" v.v...

Có nhiều khi, "QUÊ" còn được dùng cả ở ngôi thứ ba khi nhắc đến ai đó không có mặt. Chẳng hạn: "Quê T. ơi! Quê X. nhắn tối nay sang chơi nhé!" hoặc "Quê A. gửi cho quê cái này này!" v.v...

Bởi có thể đứng được ở cả 3 ngôi, lại sử dụng được trong vô vàn cảnh huống nên từ "QUÊ" vô cùng phổ biến ở các đơn vị xe tăng.

Lính xe tăng vốn đã vô cùng gắn bó bởi đặc điểm chiến đấu của họ là luôn phải đồng tâm nhất trí đến mức "cả năm người như một", họ sẵn sàng chia nhau cả cái sống và cái chết. Và từ "QUÊ" với bao tình cảm thân thương đã như một chất xúc tác làm sâu sắc thêm tình cảm gắn bó đó.

Đi tìm xuất xứ món Đặc sản của lính xe tăng Việt Nam: Bí mật đã được hé mở! - Ảnh 2.

Cố nhà báo Triệu Phương Quế (PV báo QĐND), một người đã từng được đi và đến rất nhiều đơn vị trong toàn quân, khi về công tác tại Binh chủng Tăng Thiết giáp đã hết sức ngỡ ngàng trước hiện tượng trên và có bài viết: "Quê - Đặc sản của lính tăng" đăng báo QĐND cuối tuần rất nổi tiếng.

Xung quanh cái "đặc sản" này cũng có khá nhiều chuyện vui vui. Có trường hợp, lính xe tăng đi dã ngoại đến ở nhà dân, bà con cứ tròn mắt ra mà ngạc nhiên: "Sao đơn vị này lắm chú tên là Quê thế?". Lại cũng có cô gái gần nơi đơn vị đóng quân vào tìm anh tên "Quê" để bắt đền song trong sổ sách đơn vị không có ai tên như thế cả...

Cũng có anh em mới nhập ngũ, khi vào đơn vị thấy bị gọi bằng "QUÊ" đã suýt nổi sung bởi tưởng bị chê là quê mùa, cục mịch song đến khi hiểu ra thì họ lại vô cùng trân trọng cái từ thân thương đó.

Cũng như mọi thứ "đặc sản" khác đều có khả năng lan tỏa. Từ "QUÊ" hiện nay không còn là độc quyền của lính xe tăng nữa mà đã được sử dụng ở nhiều đơn vị khác- nhất là anh em trên quần đảo Trường Sa. Giữa biển khơi mênh mông sóng nước, được nghe đồng đội gọi "Quê ơi" thì thật ấm lòng.

Xúc động với từ "QUÊ" thân thương ấy, các nhà thơ và nhạc sĩ lính tăng đã cùng nhau sáng tác nên ca khúc "Quê ơi quê" rất giản dị song cũng rất ý nghĩa. Ca khúc được anh chị em lính xe tăng rất yêu mến và thường xuyên được cất lên trong các buổi gặp mặt.

Đi tìm xuất xứ món Đặc sản của lính xe tăng Việt Nam: Bí mật đã được hé mở! - Ảnh 3.

Binh chủng Tăng Thiết giáp huấn luyện xe tăng T-90. Ảnh minh họa.

Đi tìm xuất xứ từ "QUÊ"

Trước một hiện tượng rất đặc thù như vậy, đã có rất nhiều người quan tâm tìm hiểu từ "QUÊ" có xuất xứ từ đâu và xuất hiện từ bao giờ?

Lúc đầu, khá nhiều người lầm tưởng nó ra đời do câu hát "Năm anh em mỗi đứa một quê; Đến khi lên xe (ấy là) cùng một hướng" trong bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" (nhạc Doãn Nho, lời thơ Hữu Thỉnh).

Song không phải vậy! CCB Bùi Vinh Dậu cho biết: "Quê có từ lúc nào tôi không rõ nhưng năm 1967 bác Lê Lộng, sau là đại tá về làng nghỉ phép có gặp anh Hiểm là lính xe tăng, thấy hai người gọi nhau và chào nhau là quê. Vì tôi mới hơn chục tuổi chẳng hiểu gì cả, lúc được vào lính xe tăng mới hiểu".

Nhiều cựu chiến binh xe tăng nhập ngũ những năm 1970-1971 cũng cho biết, khi vào đơn vị đã thấy anh em gọi nhau bằng "QUÊ" rồi. Trong khi đó, bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" đến năm 1972 mới ra đời nên chắc chắn sự ra đời của từ "QUÊ" không liên quan đến bài hát.

Lại có người cho rằng, những người lính xe tăng vào Nam chiến đấu, trong nỗi nhớ quê hương đất Bắc cồn cào, đã gọi nhau bằng cái tên " Quê" ngầm chỉ rằng ai cũng là anh em, là quê hương ruột thịt. Nhưng thế cũng không phải bởi từ "QUÊ" được dùng rộng rãi ở khắp các đơn vị từ Nam chí Bắc.

Giữa ma trận những giả thuyết đó, người viết bài này đã tìm đến các cựu chiến binh từ "thuở ban đầu" thành lập binh chủng để tìm hiểu. Hầu hết, các bậc trưởng thượng "khai quốc công thần" nay đều đã trên 80 tuổi nhưng ai cũng hào hứng về một thời sôi nổi.

Đi tìm xuất xứ món Đặc sản của lính xe tăng Việt Nam: Bí mật đã được hé mở! - Ảnh 5.

Binh chủng Tăng Thiết giáp huấn luyện xe tăng T-90. Ảnh minh họa.

Và bí mật đã được hé mở!

Sau ngày hòa bình lập lại, một số cán bộ chiến sĩ được chọn đi học văn hóa tại Kiến An. Tháng 8.1956, 202 đồng chí được cử sang trung Quốc đào tạo về xe tăng tại 4 nhà trường: Trường 1 đào tạo sĩ quan chỉ huy; Trường 4 đào tạo cán bộ kỹ thuật, Trường 2 đào tạo thành viên kíp xe và Trường 5 đào tạo thợ sửa chữa, nhân viên kỹ thuật.

Tháng 8.1959, tất cả học viên tập trung về Quế Lâm để nhận xe, hợp luyện và làm Lễ ra mắt Trung đoàn xe tăng 202 - đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau lễ ra mắt, một bộ phận của trung đoàn về nước trước, còn một bộ phận ở lại bảo quản trang bị và về sau.

Bộ phận về trước tham gia xây dựng doanh trại, tổ chức tuyển quân và huấn luyện bộ đội. Bộ phận ở lại tiếp tục hợp luyện và tham gia diễn tập cùng một số đơn vị của QGP Trung Quốc.

Thời kỳ này, nhằm mục đích xây dựng quân đội nhanh chóng tiến lên chính quy, hiện đại nên cũng có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ các đơn vị khác của Việt Nam tập trung về đây học tập và tham gia diễn tập.

Khi gặp nhau, hỏi thăm về đơn vị thì cánh xe tăng thường tự xưng là cánh "Quê Lín" - tức là Quế Lâm. Sau đó, ngắn gọn hơn thì chỉ nói là "Quê" mọi người cũng hiểu là lính xe tăng. Từ "Quê" đã manh nha từ đó.

Sang tháng 7.1960, khi doanh trại trung đoàn đã cơ bản xây dựng xong, bộ phận ở lại mới đưa xe tăng về bằng tàu hỏa và 18 giờ 33 phút ngày 13.7.1960, chiếc xe tăng đầu tiên của QĐNDVN đã lăn xích trên đất mẹ tại ga Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Thời gian sau đó, Trung đoàn 202 còn đón thêm đoàn cán bộ được cử đi đào tạo ở Liên Xô về và từ một số đơn vị khác sang để hoàn chỉnh biên chế một trung đoàn với cơ quan trung đoàn bộ, 3 tiểu đoàn xe tăng và 6 đại đội trực thuộc.

Đến lúc đó, tại Trung đoàn 202 có rất nhiều thành phần: số đông từ Quế Lâm (Trung Quốc) về, một số từ Liên Xô về, một số từ các đơn vị khác bổ sung đến, một số mới được tuyển vào quân đội...

Từ nhiều nguồn tụ về như vậy nên anh em thường hỏi thăm về xuất xứ của nhau. Khi được hỏi "Anh ở đâu về?", số đi học Trung Quốc về lại trả lời ngắn gọn bằng tiếng Trung "Quê Lín"- tức là Quế Lâm. Và cũng như hồi còn ở Quế Lâm, chỉ vắn tắt là: "Quê".

Dần dần các anh em học ở Trung Quốc về khi cần gọi một đồng đội nào đó có thời cùng ở Quế Lâm mà không nhớ được tên là "quê ơi". Và cũng chỉ cần nghe thế, đồng đội đã hiểu là mình được gọi. Dần dần các anh em khác thấy hay hay cũng gọi theo như vậy.

Rất ngẫu nhiên, quê trong tiếng Việt là quê hương, quê kiểng- một từ rất thân thương, gần gũi nên việc dùng từ này càng thêm phổ biến và tăng thêm sự thân mật; nghe thì cũng thấy hay hay nên nó càng được dùng thường xuyên hơn.

Việc dùng từ "QUÊ" để gọi nhau cứ thế tồn tại và đến đầu những năm 70, khi binh chủng Tăng Thiết giáp phát triển lực lượng rầm rộ và tham gia chiến đấu ngày một nhiều thì từ "QUÊ" gặp môi trường tốt ngày càng được sử dụng rộng khắp trong các đơn vị xe tăng toàn quân.

Âu đó cũng là một giả thuyết về sự ra đời của từ "QUÊ" trong binh chủng Tăng Thiết giáp.

Và dù nó đúng sai thế nào thì "QUÊ" vẫn mãi mãi là một đại từ nhân xưng thân thương, tình cảm của lính xe tăng- là "đặc sản" của lính xe tăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại