10 năm nói bằng giọng của… ai đó
Có ngoại hình ưa nhìn, bằng cấp đại học nhưng anh chàng điển trai N.H.Đ. (26 tuổi, sống ở quận 6, TP.HCM) năm lần bảy lượt thất bại trong chuyện xin việc, chỉ vì giọng nói cao the thé, nghe không được nam tính.
Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học tại TP.HCM đã 4 năm nhưng Đ. luôn là kẻ bại trận ở vòng phỏng vấn xin việc làm.
Khi chúng tôi hỏi em có nản khi sinh ra có giọng nói như vậy không, Đ. nhìn xa xăm rồi trả lời nhát gừng: "Giọng cao vút giống con gái khiến các nhà tuyển dụng lắc đầu từ chối. Nhiều lần trắng tay, em nản chí, chuyển sang bán hàng online".
Lạc mất giọng nói từ nhỏ, Đ. không chỉ khổ sở trong chuyện tìm một công việc ổn định, mà ngay trong cuộc sống, em cũng bị bạn bè trêu chọc.
Oái ăm thay, nỗi khổ này kéo dài đến nay đã 12 năm. Nghĩa là Đ. sở hữu giọng cao vút của phái nữ từ khi em 14 tuổi – độ tuổi dậy thì.
Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, ai cũng tưởng Đ. là nữ.
Một ngày cuối tháng 7/2017, Đ. tìm đến phòng Âm ngữ trị liệu (phòng khám Bác sĩ gia đình, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) để hy vọng tìm lại giọng nói "chuẩn men".
Sau khi được hướng dẫn làm mẫu cách tạo ra giọng nam trầm, trong vòng 60 phút trị liệu luyện tập, Đ. với vẻ mặt rạng rỡ vì đã nói được giọng nam trầm như mong ước nhiều năm. Điều thú vị là chỉ còn 1 ngày nữa, em sẽ tham gia vòng phỏng vấn xin việc.
Cũng như Đ., nhiều bệnh nhân nam khác cũng bất ngờ vì chuyển được giọng nói chỉ sau một giờ trị liệu với chuyên gia.
Chẳng hạn câu chuyện của T.K.L. (19 tuổi, ở Bến Tre) mang giọng nói của nữ từ năm 14 tuổi. Qua tuổi dậy thì nhưng em vẫn không vỡ giọng nam. L. thấy giọng mình kỳ kỳ nhưng không biết phải tìm nơi đâu để chỉnh giọng.
Chuyên viên Bùi Thị Duyên đang luyện tập cho một bệnh nhân nam bị lạc mất giọng từ lúc dậy thì
Từ lời mách bảo của người quen, ngay ngày đầu tiên đặt chân lên Sài Gòn chuẩn bị nhập học vào một trường cao đẳng, L. lập tức đi chữa trị ở trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Lúc đầu, vì mới học cách làm thế nào để tạo ra giọng trầm nên L. nói rất chậm rãi, từng chữ một.
Nhưng chỉ sau một buổi điều trị, L. có thể nói được giọng nam trầm ấm, dù phải nói chậm rãi hơn so với bình thường. Sau buổi trị liệu, L. lại tất tả cùng với người anh họ đi kiếm phòng trọ chuẩn bị nhập học.
Dậy thì có đôi khi cũng… không thành công
Chuyên viên âm ngữ trị liệu Bùi Thị Duyên, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhận định những trường hợp như Đ. và L. là bị chứng rối loạn giọng nói tuổi dậy thì.
Hiện tượng này được mô tả là giọng có âm vực cao, giọng hơi, yếu, khàn. Hoặc giọng nói là giọng đôi (tức là có hai giọng) và âm vực hỏng thể hiện khi nói câu dài thường bị mất tiếng.
Rối loạn giọng tuổi dậy thì khiến cho nam giới nói giọng giống trẻ em hoặc giống giọng nữ, không mang đặc trưng của giới tính nam.
Chuyên viên âm ngữ trị liệu Bùi Thị Duyên làm mẫu giọng nói trầm đầy nam tính cho L. sửa giọng
Giọng biến đổi ở nam xảy ra từ 6 đến 12 tháng và hoàn tất biến đổi về giọng trước 15 tuổi. Trong khi, những rối loạn về giọng nói này bắt đầu vào giai đoạn dậy thì của trẻ nam, thường là vào khoảng 14 tuổi.
Nhiều quan điểm cho rằng, giọng nói có liên quan đến cá tính, tâm lý, và các yếu tố xã hội mà có lẽ dẫn đến một số người nam thể hiện giọng cao.
Đáng buồn, nhiều bệnh nhân sợ xã hội kỳ thị, trêu chọc, ôm nỗi mặc cảm suốt cả chục năm.
Thậm chí, có trường hợp một người đàn ông 54 tuổi mới đến trị chứng rối loạn giọng. Như vậy, ông đã phải chịu nỗi khổ sở mang tên giọng the thé suốt hàng chục năm trời.
Chuyên viên Bùi Thị Duyên cho biết để chữa trị chứng rối loạn giọng nói tuổi dậy thì thành công thì bản thân người trị liệu có thể làm mẫu tạo ra giọng trầm để giúp bệnh nhân bắt chước
Giọng nói, tưởng đơn giản, hóa ra phải đi tìm mới mang về được.