Kinh ngạc với những gì họ nghe thấy vào một ngày năm 1989, các đặc nhiệm làm việc trong hệ thống giám sát âm thanh tối mật của hải quân Hoa Kỳ đã quay sang nhau và nói: “Nghe có vẻ giống âm thanh, nhưng đó không phải thứ chúng ta biết”. Họ phát hiện ra một tín hiệu bí ẩn ở Thái Bình Dương. Một âm thanh không thể xác định, đi trong nước ở tần suất 52 Hertz rất bất thường. Nó làm hải quân Hoa Kỳ vô cùng bối rối.
Tiến sĩ William Watkins, một nhà sinh vật học biển tại Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) đã vào cuộc để giải đáp bí ẩn. Ông suy luận rằng âm thanh đó xuất phát từ một con cá voi bí ẩn, đơn độc. So với hầu hết các loài cá voi khác, thường “hát” trong khoảng từ 17 đến 18 Hertz, âm vực của nó cao hơn rất nhiều.
Cá voi là sinh vật bầy đàn và thường ở trong nhóm từ hai đến ba con.
Nhà sinh vật biển tin rằng sinh vật được giới khoa học gọi là “Cá voi 52 Hertz”, đã một mình lang thang khắp các đại dương trong nhiều thập kỷ. Lời cầu xin cô độc (có thể đi xa tới 21.000km) đã ám ảnh các đại dương nhưng chưa bao giờ được hồi đáp.
Khám phá của tiến sĩ Watkins ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng trên toàn thế giới. Mọi người bắt đầu xăm số “52” trên lưng và viết các bài hát về sinh vật đơn độc này. Các tờ báo đã đặt tên cho nó là “Chú cá voi cô đơn nhất trên thế giới”.
Câu chuyện cũng đã sớm lọt vào tai của nhà làm phim người Mỹ Joshua Zeman. “Thật thú vị khi tất cả mọi người đều rất xúc động với câu chuyện về con cá voi cô đơn này. Tôi cũng đã bị nó thu hút. Câu chuyện này có gì mà lại gây ra phản ứng mạnh mẽ đến vậy?”, ông nói.
Đối với ông Zeman và hàng triệu người khác, “52” không chỉ là một con cá voi đơn độc. Nó đại diện cho khát vọng tìm kiếm bạn đồng hành của mọi sinh vật trên thế gian. Nó cũng trở thành biểu tượng cho sự cô đơn hàng loạt của con người hiện nay. Trớ trêu thay, khi thế giới ngày càng kết nối với nhau hơn, con người lại trở nên cô lập hơn.
Nhà làm phim Joshua Zeman |
Lúc đó, ông Zeman quyết định giải quyết bí ẩn và bắt đầu hành trình tìm kiếm con cá voi. Tuy nhiên, trước khi làm vậy, ông đã phải “bơi qua đại dương” những câu hỏi: “52” liệu có còn sống không? Nếu vậy, liệu có thể xác định vị trí của nó không? Liệu việc tìm kiếm một con cá voi trong đại dương rộng lớn có khó hơn mò kim đáy bể không?...
Vì vậy, ông Zeman đã bắt đầu một chiến dịch kêu gọi góp vốn để làm một bộ phim mang tên “Cá voi cô đơn nhất: Cuộc tìm kiếm 52”. Ông đã thành công trong việc huy động được 450 nghìn USD (10,2 tỷ VND), trong đó có cả khoản quyên góp 50.000 USD (1,1 tỷ VND) từ ngôi sao điện ảnh và nhà hoạt động môi trường Leonardo DiCaprio.
Zeman cho rằng câu chuyện có sức mạnh đặc biệt bởi vì chúng ta có mối quan hệ đặc biệt với cá voi. “Khi tôi bắt đầu giới thiệu nó với bạn bè, họ cảm động, sẽ khóc, hoặc nổi da gà. Tôi muốn biết tại sao chúng ta lại cảm thấy có mối liên hệ như vậy với con cá voi này. Có phải vì chúng ta đã quá xa rời nhau?”.
Theo ông Zeman, chúng ta có một mối liên kết chặt chẽ như vậy với cá voi, “bởi vì chúng quá lớn và chúng ta buộc phải trở nên khiêm tốn trước hiện diện của chúng. Con người là những sinh vật ích kỷ và tự phụ đến khó tin. Chúng ta nghĩ mình là kẻ lớn nhất và giỏi nhất trong vương quốc động vật”.
Ông Zeman đã dành bốn năm miệt mài để làm bộ phim nói trên. Đoàn làm phim của ông, có cả các nhà khoa học đã lên đường trên con thuyền có tên “Sự thật”, để cố nghe thấy tiếng “52” ngoài khơi bờ biển phía nam California. Nhóm nghiên cứu rất yêu công việc của mình. Họ luôn nở nụ cười. “Thật là một ý tưởng điên rồ khi ra ngoài và tìm kiếm cá voi, nhưng nó đã thay đổi tôi mãi mãi”, đạo diễn Zeman suy nghĩ về những gì ông đã học hỏi được khi làm bộ phim tài liệu. “Tôi học được thật nhiều điều về loài người từ con cá voi này. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng một con cá voi đã dạy tôi trở thành một con người tốt hơn. Và đó là bởi vì chú cá voi đã dạy tôi biết quan tâm, có sự đồng cảm và hơn hết là biết lắng nghe”.
Ở một quy mô rộng hơn, cá voi cô đơn là một ví dụ điển hình cho nhận xét nổi tiếng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld: “Là con người, chúng ta thường xem mình là chủ nhân của vũ trụ. Nhưng cũng không có hại gì nếu thỉnh thoảng chúng ta được nhắc nhở rằng mình không biết tất cả mọi thứ”.
Triết gia David Rothenberg, một giáo sư tại Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ), ăn mừng trước sự thật rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều điều để khám phá về hành tinh này. “Cá voi Cô đơn nhất cho chúng ta cảm giác rằng con người thực sự có thể chạm vào một thứ gì đó rất bí ẩn mà chúng ta hầu như không hiểu. Thật phi thường khi nghĩ rằng ngay cả trong thời đại ngày nay, chúng ta đang lắng nghe khắp đại dương và đang nghe thấy điều mà con người không thể giải thích”.
Đạo diễn Zeman cũng vui mừng khi rất nhiều phần thế giới của chúng ta vẫn chưa được biết đến. “Trong đại dương, những gì chúng ta có thể nghe thấy mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nhìn thấy. Nó tạo một vẻ đẹp bí ẩn mà chúng ta chỉ mới đang bắt đầu hiểu. Tôi thích việc vẫn còn rất nhiều bí ẩn ngoài kia để con người khám phá. Chúng ta biết nhiều hơn về bề mặt của mặt trăng hơn là về các đại dương của chính chúng ta”, ông nói.