"Phobia" - nỗi sợ - là một thuật ngữ khoa học dùng rất nhiều, để chỉ sự ám ảnh dai dẳng, một nỗi sợ vô lý với đối tượng hoặc trường hợp cụ thể mà không rõ nguyên nhân. Nhìn chung, con người chúng ta có rất nhiều "phobia" khác nhau, từ bình thường như sợ độ cao, sợ nhện, sợ rắn... cho đến những nỗi sợ cực kỳ vô lý và lạ lẫm như sợ Mặt trăng, sợ... đi nặng, sợ mọc râu, thậm chí sợ cả gái đẹp…
Nhưng kỳ lạ nhất có lẽ phải kể đến "hội chứng sợ lỗ" (trypophobia). Đó là hội chứng chỉ những người cảm thấy "muốn phát bệnh" khi nhìn thấy bất kỳ bề mặt nào thủng lỗ chỗ. Đặc biệt, bạn sẽ không biết mình có mắc phải hội chứng này hay không, cho đến khi tình cờ nhìn thấy những hình ảnh kiểu như bức ảnh bên dưới.
Hội chứng sợ lỗ là gì?
Hội chứng này có thể hiểu theo đúng nghĩa đen của nó - tức là nỗi sợ những bề mặt thủng lỗ chỗ. Những người mắc phải hội chứng này khi nhìn thấy những hình ảnh "có lỗ" như pho-mát, đài sen, hay thậm chí là... dép tổ ong huyền thoại thường cảm thấy không được bình thường, sợ hãi, buồn nôn, chóng mặt.
Thuật ngữ trypophobia xuất hiện lần đầu tiên từ đầu những năm 2000 do một số người đăng tải các hình ảnh thủng lỗ chỗ lên internet. Trải qua nhiều năm, nó trở thành một hiện tượng lạ trên mạng xã hội.
Dù hội chứng này vẫn chưa được y học công nhận là một chứng bệnh, nhưng rất nhiều người cho biết họ cảm thấy thực sự sợ hãi trước những cái lỗ. Theo một thống kê, ít nhất 15% dân số gặp phải hội chứng này. Có trường hợp còn nổi da gà, loạn nhịp tim, thậm chí thấy khó thở.
Bí mật đằng sau hội chứng kỳ lạ
Tại sao những cái lỗ vô hại này lại có thể khiến con người ta sợ? Paul Hibbard - giáo sư tâm lý thuộc ĐH Essex (Anh) đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2016 và đưa ra kết luận bất ngờ: do não bộ bị quá tải.
Cụ thể hơn, Giáo sư Hibbard cho biết những hình ảnh thủng lỗ chỗ có kết cấu thực sự rất khó chịu, với những chi tiết nhỏ mang độ tương phản cao nằm sát nhau. Như trên đài sen có độ tương phản lớn giữa bóng đen trong lỗ và ánh sáng trên bề mặt. Các lỗ nằm sát nhau khiến chi tiết này lặp đi lặp lại và khiến người ta phát khiếp, đồng thời làm khu vực chịu trách nhiệm phân tích thông tin thị giác không làm việc hiệu quả được.
Theo các nhà khoa học, trypophobia có thể là tàn dư của quá trình tiến hóa - thứ từng giúp người xưa né tránh những loài vật có độc. Giống như các họa tiết trên rắn, nhện và loài bạch tuộc vòng xanh (loài vật sở hữu độc chất thần kinh top đầu thế giới), chúng ta có thể thấy sợ các họa tiết này trong vô thức vì não bộ muốn cảnh báo bạn tránh xa những thứ có khả năng gây nguy hiểm.
Giả thuyết khác là vì các hố nằm sát nhau khiến ta liên tưởng đến bệnh da liễu, như phát ban, nhọt, thủy đậu... Nghĩa là đây cũng có thể là đặc điểm tiến hóa giúp ta tránh xa bệnh tật, gây nguy hại cho sức khỏe con người.