Di sản lớn nhất Tổng thống Trump mang đến cho nước Mỹ: Không chỉ là những con số đẹp về nền kinh tế mà còn ở rất nhiều khía cạnh khác!

Lục Lam |

New York Times nhận định, Tổng thống Trump đã thay đổi quan điểm của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ về những vấn đề lớn như thương mại, nhập cư và thâm hụt ngân sách. Dù nền kinh tế có diễn biến ảm đạm, nhưng nhiều cử tri vẫn quyết định ủng hộ ông cho nhiệm kỳ tới.

Để hiểu việc Tổng thống Trump đã thay đổi những cuộc thảo luận về nền kinh tế Mỹ như thế nào, chỉ cần lắng nghe lời chia sẻ của Bruce Haines – người đã đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành tại US Steel trong nhiều thập kỷ, sau đó ông trở thành đối tác quản lý của khách sạn Historic Hotel Bethlehem.

Các nhà máy thép từng xuất hiện rất nhiều tại Bethlehem từ lâu đã không một bóng người. Tình trạng này cũng tương tự như nhà hàng Tap Room của khách sạn Haines đang làm việc – một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Haines chia sẻ: "Mọi thứ rất khó khăn."

Những động thái ứng phó của Tổng thống với đại dịch là lý do chính mà nhiều cử tri nêu lý do họ ủng hộ cho đối thủ của ông. Tuy nhiên, Haines – người sống ở "bang rung lắc", lại bị thuyết phục bởi một khía cạnh khác trong phong cách lãnh đạo của ông Trump.

Haines chia sẻ: "Tôi đã có 35 năm làm trong ngành thép và tôi có thể nói với các bạn rằng việc giao thương không công bằng đều được thực hiện bởi cả đảng Cộng hòa và Dân chủ." Ông phàn nàn rằng cả 2 bên đều đã không chú ý đến lĩnh vực sản xuất, dù đây từng là kế sinh nhai ổn định của tầng lớp trung lưu. Haines nói: "Trump là vị cứu tinh của ngành công nghiệp Mỹ. Ông ấy là người duy nhất."

Có lẽ, yếu tố khiến nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump bị đảo ngược mạnh mẽ nhất chính là Covid-19. Con virus nhỏ bé này đã phá hủy mọi di sản kinh tế mà ông lên kế hoạch cho chiến dịch tái tranh cử. Thay vì tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, mức độ tin cậy tăng cao và thu nhập cá nhân cải thiện trên diện rộng, ông Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình với tình trạng nghèo đói gia tăng, tốc độ tăng trưởng giảm sút và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với khi ông nhậm chức.

Khả năng xoay chuyển nền kinh tế của ông Trump

Tuy nhiên, bất chấp một trong những năm tồi tệ nhất đối với nước Mỹ, vấn đề giúp ông Trump nhận được tỷ lệ chấp thuận cao nhất vẫn là về kinh tế, bởi ông là một doanh nhân lỗi lạc và một nhà đàm phán gan dạ. Và đó là bằng chứng cho thấy di sản kinh tế lâu dài nhất của ông không hề nằm trong bất kỳ niên giám thống kê nào, mà là mức độ ông xoay chuyển nền kinh tế.

Rất lâu trước khi ông Trump xuất hiện trên chính trường Mỹ, các thế lực hùng mạnh đã định hình lại nền kinh tế nước này và khơi dậy những nỗi lo ngại sâu xa về việc đảm bảo việc làm thu nhập trung bình và sự vượt trội của nền kinh tế Mỹ so với thế giới. Ông Trump đã nhận ra, khơi dậy và khơi thông những dòng chảy để nó có thể duy trì dù ông thắng hay thua.

Bỏ qua những hướng đi chính thống về kinh tế và chính trị, đôi khi, ông đã kết hợp thành công những yếu tố dường như mâu thuẫn hoặc không nhất quán để thuyết phục cả những nhà tư bản cứng rắn nhất, và thậm chí là tầng lớp lao động. Ông đã đưa ra những đợt giảm thuế, bãi bỏ quy định lớn đối với chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng thời bảo hộ và viện trợ thương mại cho các nhà sản xuất, thợ mỏ và nông dân.

Trong quá trình này, ông Trump đã chiếm ưu thế trong đảng Cộng hòa về những vấn đề quan trọng như nhập cư, toàn cầu hóa và thương mại tự do, chi tiêu thấp, giảm nợ. Hơn nữa, ông còn bảo vệ các chương trình xã hội quan trọng khỏi bị cắt giảm. Michael R. Strain – kinh tế gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ bảo thủ, cho biết: "Ông ấy đã hoàn toàn khiến đảng Cộng hòa từ bỏ việc giảm chi tiêu An sinh Xã hội và chăm sóc y tế."

Về vấn đề nhập cư, ông đã thay đổi cục diện chính trị theo một hướng khác. Ông cáo buộc người nhập cư ăn cắp việc làm hoặc phạm tội và chỉ trích họ. Khi làm như vậy, ông đã tập hợp những quan điểm cứng rắn vốn chỉ nằm ở mỗi phe và biến đây trở thành một vấn đề chủ yếu của đảng Cộng hoà.

Đảng Dân chủ theo đó cũng có thay đổi. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã tự khẳng định mình là người đấu tranh cho dân nhập cư, cam kết thay đổi những chính sách hạn chế nhất của ông Trump, đồng thời từ chối những đề xuất cấp tiến hơn như loại bỏ Cơ quan Thực thi Nhập cư và Hải quan.

Ông cũng được thúc đẩy để cải thiện quan điểm của mình về khai thác mỏ và ngành dầu mỏ, hứa hẹn sẽ không cấm phương pháp khoan mỏ gây tranh cãi trên các khu đất tư nhân, Ngoài ra, ông cũng sẽ nỗ lực rút lại những lời bình luận về việc phản đối nhiên liệu hóa thạch.

Những thay đổi về thương mại là quan trọng hơn. Ông Biden và các lãnh đạo đảng khác – từng thúc đẩy lợi ích của toàn cầu hoá, nhận thấy rằng họ đang ở thế phòng thủ trước đảng Cộng hòa – những người vượt trội hơn về những vấn đề như ngành hàng không và sự cạnh tranh nước ngoài. Họ phản ứng bằng cách tiếp nhận các yếu tố của chủ nghĩa bảo hộ mà trước đây từng bác bỏ.

Thâm hụt ngân sách có còn là vấn đề đáng lo ngại?

Cho dù ai sẽ trở thành "ông chủ" Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo, thì chính sách kinh tế sẽ chú ý nhiều hơn đến việc làm và các ngành công nghiệp Mỹ bị đe dọa bởi Trung Quốc và những yếu tố cạnh tranh nước ngoài khác. Tổng thống tiếp theo sẽ ít chú ý đến nỗi lo ngại về thâm hụt do nỗ lực kích thích nền kinh tế của chính phủ.

Charles Jefferson – chủ quản lý khu Montage Mountain Ski Resort ở gần Scranton (Pennsylvania), là người nhận thấy rõ nhất sự thay đổi này. Ông nói: "Đó không còn là những câu chuyện mà chúng tôi thường nói cách đây 5 năm. Hoạt động sản xuất được đưa ra khỏi nước Mỹ là một sai lầm."

Jefferson (55 tuổi) lớn lên tại Bắc Philadelphia trong một gia đình công nhân. Ông nhớ lại tình trạng nhiều công việc bị mất đi khi nhiều nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cho rằng đó là điều không thể ngăn cản trong một thế giới toàn cầu hóa.

Hoạt động sản xuất tại Mỹ đã hồi phục sau khi chạm đáy trong cuộc Đại suy thoái, nhưng lại chật vật trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Từng bỏ phiếu cho ông Obama, ông Jefferson cho biết ông đã ủng hộ ông Trump vào năm 2016 và dự định sẽ bỏ phiếu cho đường kim Tổng thống thêm 1 lần nữa.

Hiện tại, lĩnh vực sản xuất vẫn đại diện cho 1 phần tương đối nhỏ của nền kinh tế, chiếm 11% GDP của cả nước và sử dụng ít hơn 9% lao động Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump vẫn không ngừng khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực này. Dù đã sụt giảm từ năm ngoái nhưng tốc độ tuyển dụng của ngành này đã tăng lên đáng kể trong năm 2018.

Do đó, ở cuộc bầu cử này, không giống như trước đây, tầm quan trọng của lĩnh vực sản xuất và nhu cầu đối với cách tiếp cận hoài nghi hơn đối với thương mại tự do là một điều đương nhiên. Sau nhiều thập kỷ ủng hộ các hiệp định thương mại, ông Biden hiện đang có chương trình "được thực hiện trên toàn nước Mỹ", hứa hẹn sẽ sử dụng toàn bộ tiềm lực của chính phủ liên bang để củng cố sức mạnh công nghiệp và công nghệ của Mỹ. Ông cũng tuyên bố sẽ sử dụng việc giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp duy trì hoặc tạo việc làm trên đất Mỹ.

Thậm chí, ngay cả những cử tri không đặc biệt ưa thích ông Trump cũng phải thừa nhận rằng ông đã mang đến nguồn năng lượng mới cho kinh tế Mỹ.

Walter Dealtrey Jr. – quản lý công ty dịch vụ lốp xe, bán hàng và kiểm tra công việc kinh doanh ở Bethlehem, cho biết ông đã bỏ phiếu cho ông Trump hồi năm 2016 dù không phải là "fan hâm mộ" lớn của ông. Dealtrey chia sẻ: "Ông ấy nói hơi nhiều và giọng điệu khá cường điệu."

1 năm trước, ông đã cân nhắc về việc ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ ôn hòa như ông Biden hay Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của Minnesota. Nhưng khi ngày Bầu cử đã đến rất gần, ông dự định sẽ ủng hộ Tổng thống Trump một lần nữa. Dealtrey cho biết ông thích việc Tổng thống tập trung vào lĩnh vực "sản xuất lớn" và "cách ông tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư vào quốc gia này."

Việc ông Trump phải chịu trách nhiệm như thế nào khi sắp xếp lại một số vấn đề kinh tế quan trọng là điều còn phải tranh luận. Đó là bởi sự thất vọng về tình trạng mất việc làm đã tồn tại trong nhiều thập kỷ; sự phân biệt đối với những người nhập cư và sự đối đầu với Trung Quốc về các hoạt động thương mại cũng đã có từ lâu. Nhà kinh tế Strain nhận định: "Tôi không cho rằng tổng thống thực sự đã đẩy ranh giới của bất kỳ vấn đề chính sách nào vượt ra ngoài quy mô trước đây".

Cuối cùng, có lẽ rằng ảnh hưởng đáng kể nhất mà ông Trump mang đến trong nhiệm kỳ của mình không phải là về chính sách kinh tế như dự kiến, mà là thay đổi quan điểm về tác động của thâm hụt ngân sách. Thực hiện những đợt cắt giảm thuế mạnh cho doanh nghiệp, người giàu, tăng chi tiêu cho quân đội và từ chối cắt giảm chi tiêu cho An sinh Xã hội, ông Trump đã tạo ra những khoản thâm hụt hàng tỷ USD. Về lý thuyết, điều này sẽ khiến lãi suất, lạm phát tăng vọt và lấn át đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, những yếu tố trên lại không xảy ra.

Kinh tế gia Jason Furman - chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế thời Obama, nhận định: "Ông Trump đã nỗ lực rất nhiều để hợp pháp hóa thâm hụt ngân sách." Ngoài ra, ông và nhiều nhà kinh tế, chủ ngân hàng khác cho rằng Mỹ cũng không nên quá lo ngại về vấn đề nợ phình to. Furman cho hay, việc vay nợ để đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tạo thêm việc làm là điều chính đáng, nhất là ở giai đoạn lãi suất thấp như hiện tại.

Điều đó không có nghĩa là vấn đề này đã được giải quyết. Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ phản đối tình trạng thâm hụt do những đề xuất mà Nhà Trắng của đảng Dân chủ đưa ra và ngược lại. Tuy nhiên, những cảnh báo về hậu quả của việc vay nợ liên bang không còn quá căng thẳng như trước nhiệm kỳ của ông Trump.

Quay trở lại văn phòng, Dealtrey nhớ lại rằng ông đã từng lo ngại về quy mô của khoản thâm hut. Ông nói: "Tôi từng quan tâm đến việc các con và cháu tôi bị mắc kẹt với nó. Nhưng giờ đây không còn ai quan tâm nữa. Chúng tôi còn nhiều vấn đề lớn hơn thế."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại