Tháng 10/2023, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố khoản đầu tư 7 tỷ USD vào “các trung tâm hydro sạch đầu tiên của Mỹ”. Hẳn nhiên, truyền thông Mỹ đã nhận được một sự kiện đáng để thông báo rầm rộ và phân tích sâu, liên quan đến một vấn đề tương lai của ngành năng lượng.
Song song đó là một kế hoạch khác: Chi 1.500 tỷ USD để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong 30 năm tới. Kế hoạch này hầu như không bị chú ý!
Đó dường như là một nghịch lý khó hiểu với thế giới, song với nước Mỹ thì lại là hiển nhiên. Vì sao vấn đề hạt nhân lại hệ trọng và trở thành "bí mật thâm sâu" bậc nhất của nước Mỹ trong gần 100 năm qua? Bài viết của tác giả Tommy Song đăng trên tờ Time sẽ hé lộ một phần của khúc lịch sử này.
Tổng thống Eisenhower phát biểu trước Liên Hiệp Quốc về Kế hoạch Bom Nguyên tử, 1953. Ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images
Cách đây nhiều năm, vào ngày 8/12/1953, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã có bài phát biểu "Nguyên tử vì hòa bình" (Atoms for Peace) trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Là một phần của chiến dịch lớn mang tên Dự án Candor, bài phát biểu nhằm thu hút sự ủng hộ của công chúng đối với việc chính phủ Mỹ mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân leo thang với Liên Xô thời Chiến trang Lạnh.
Kế hoạch thành công. "Nguyên tử vì hòa bình" và các chiến dịch liên quan sau đó đã lưu truyền hai hình ảnh lâu dài được tái hiện cho đến tận ngày nay: Một là, Mỹ là một quốc gia tìm kiếm hòa bình, không phải là một đế quốc tham chiến. Hai là, năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng của sự sống, không phải là công cụ của cái chết.
Thậm chí đến ngày nay, di sản của "Nguyên tử vì hòa bình" vẫn tiếp tục bao phủ lên các chương trình phát triển hạt nhân, đặc biệt là vũ khí hạt nhân.
Một lần nữa, những lời của Tổng thống Eisenhower từ 70 năm trước tiết lộ logic đó đã bắt đầu như thế nào.
Logic của Eisenhower
"Trong bối cảnh đen tối của bom nguyên tử, Mỹ không chỉ mong muốn thể hiện sức mạnh mà còn mong muốn và hy vọng hòa bình… cống hiến toàn bộ trái tim và khối óc của mình để tìm ra con đường mà nhờ đó khả năng sáng tạo kỳ diệu của con người sẽ không gây ra nỗi đau chết chóc mà là để tận hiến cho cuộc đời, sự sống, hòa bình, tiến bộ cho nhân loại".
"Nguyên tử vì hòa bình" đã giúp tạo ra hình ảnh kép tốt đẹp về hạt nhân - rằng hạt nhân mang lại lợi ích cho nhân loại, không phải tai họa; và Mỹ với tư cách là nước đi đầu trong hành trình xây dựng hòa bình.
Chiến dịch này cũng che khuất mục tiêu giành vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân khi Washington ồ ạt khai thác mỏ và sản xuất bom hạt nhân. Những quá trình này gây tổn hại đáng kể và tiếp tục gây tổn hại cho người dân bản địa, người da màu và người nghèo trên khắp thế giới.
Từ năm 1944 đến năm 1986, Dự án Manhattan và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ (AEC), với sự giúp đỡ của các tập đoàn khai thác tư nhân, đã khai thác được khoảng 30 triệu tấn quặng uranium từ vùng đất Navajo của người da đỏ bản địa vùng Tây Nam nước Mỹ, phần lớn trong số đó được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Việc khai thác này diễn ra thông qua hợp đồng thuê với Khu bảo tồn người da đỏ Navajo (còn gọi là Quốc gia Navajo, một bộ tộc người Mỹ bản địa sống trên đất liền lớn nhất ở Mỹ).
Nhưng ngay cả sau khi các mỏ uranium đóng cửa vào năm 1986, di sản của việc khai thác này vẫn tiếp tục. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thợ mỏ Navajo có nguy cơ tử vong cao bất thường do nhiều loại ung thư và bệnh về đường hô hấp, con cái của họ sinh ra thường bị biến chứng và dị tật bẩm sinh.
Như Tổng thống hiện tại của Navajo là Buu V. Nygren đã viết trên TIME sau khi J. Robert Oppenheimer - Giám đốc của Dự án Manhattan được thả: "Đây không phải là vấn đề của quá khứ. Các nạn nhân mới vẫn đang được chẩn đoán thường xuyên".
Giám đốc Dự án Manhattan - Robert J. Oppenheimer (1904-1967) (ảnh phải) được gọi là "Cha đẻ của bom nguyên tử". Ảnh: Bettmann Archive / Getty Images
Dự án Manhattan cũng để mắt đến uranium ở Congo. Năm 1945, mỏ Shinkolobwe (ở Congo) cung cấp khoảng 80% uranium cho các quả bom dùng để tấn công 2 thành phố Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki.
Vào những năm 1950, gần 2/3 số uranium mà quân đội Mỹ mua được đều đến từ Shinkolobwe thông qua một thỏa thuận bí mật với Bỉ. Khi người dân Congo khai thác thêm uranium cho Mỹ trong điều kiện không an toàn, "Nguyên tử vì hòa bình" lại tài trợ cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của châu Phi ở Congo, bắt đầu hoạt động vào năm 1959.
Khi Congo giành được độc lập từ Bỉ một năm sau đó, lò phản ứng này đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia khi cuộc nội chiến giữa các phe đối lập nhanh chóng biến thành cuộc chiến ủy nhiệm đẫm máu giữa Mỹ và Liên Xô.
Mùa hè năm 1960, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ đã chỉ thị cho một đặc vụ CIA đánh cắp các thanh nhiên liệu của lò phản ứng ở Congo, nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ khi chiến tranh tiếp tục kéo dài thêm 5 năm, khiến 2 triệu người thiệt mạng.
Thử nghiệm bom hạt nhân gây ra đau khổ lan rộng trong Chiến tranh Lạnh. Từ năm 1951 đến năm 1992, khoảng 928 vụ thử bom nguyên tử đã diễn ra trên các vùng lãnh thổ Tây Shoshone, Nam Paiute và Pueblo, nơi có Bãi thử nghiệm Nevada trải rộng 3.500 km2.
Theo một nghiên cứu, sức công phá hạt nhân của những quả bom thả xuống khu vực này là 620 kiloton, gió mang theo bụi phóng xạ khắp vùng Tây Nam, thường thổi vào Khu bảo tồn người da đỏ Navajo. Để so sánh, sức công phá của quả bom ở Hiroshima là 13 kiloton.
Đây khó có thể là "sự tận hiến" mà Tổng thống Eisenhower đã hứa vào năm 1953.
Chính phủ Mỹ hiểu họ đang làm gì. Hội đồng Bức xạ Liên bang (FRC) đã công bố một báo cáo năm 1962 kết luận rằng: "Bất kỳ bức xạ nào cũng có khả năng gây hại cho sức khỏe. Ngay cả ở liều lượng nhiễm xạ thấp nhất, đời này vẫn có thể truyền cho đời sau".
"Chiến lược tâm lý" cho cả Mỹ và Nhật
Bỏ ngoài tai, Mỹ vẫn tiến hành 824 cuộc thử nghiệm bom hạt nhân sau khi báo cáo được công bố. Hầu hết Mỹ thử tại Bãi thử nghiệm Nevada, số khác triển khai ở khu vực Thái Bình Dương, một số ở các bang miền Trung Tây và ba vụ thử ở Nam Đại Tây Dương.
Khi việc thử bom trở nên thường xuyên hơn và việc khai thác các nguyên tố phóng xạ gây bất ổn hơn, chính phủ Mỹ đã phát động các chiến dịch tâm lý trên toàn cầu nhằm dập tắt sự phản kháng của công chúng đối với việc phát triển năng lượng hạt nhân.
Ở Nhật Bản, những hoạt động như vậy diễn ra rõ ràng hơn, điều này không phải ngẫu nhiên.
Quốc gia đầu tiên trên thế giới bị ném bom bằng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh phải tin rằng Mỹ và năng lượng hạt nhân là hiện thân của hòa bình. Như một quan chức Lầu Năm Góc đã nói vào năm 1953: "Bom nguyên tử sẽ được chấp nhận dễ dàng hơn nhiều nếu đồng thời năng lượng nguyên tử được sử dụng cho các mục đích mang tính xây dựng".
Do đó, CIA và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra “Chương trình Chiến lược Tâm lý cho Nhật Bản”.
Vào lúc 5:29:45 sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945, Dự án Manhattan mang lại kết quả bùng nổ khi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới được thử nghiệm thành công ở Alamogordo, New Mexico, Mỹ. Ảnh: MPI/Getty Images
Là một phần trong “Kế hoạch Nhật Bản” của chính phủ Mỹ, chương trình này nhằm mục đích dập tắt những ý kiến tiêu cực về Mỹ ở Nhật Bản - từ việc phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ cho đến điều mà họ cho là “rối loạn tâm thần” liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Chương trình thành công rực rỡ.
Vào giữa những năm 1950, CIA đã gây chấn động dư luận Nhật Bản với sự giúp đỡ của ông trùm truyền thông Matsutaro Shoriki. Năm 1955, Shoriki, có mật danh là “POJACPOT/1,” đã tài trợ cho một cuộc triển lãm được cơ quan chứng thực có tựa đề “Nguyên tử vì hòa bình” nhằm thúc đẩy lợi ích của năng lượng hạt nhân.
Như một số quan chức Mỹ đã lưu ý, “vào đầu năm 1956, dư luận Nhật Bản đã dần dần chấp nhận việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình”. Đến năm 1957, lò phản ứng đầu tiên của Nhật Bản là do Mỹ sản xuất.
Người Mỹ cũng nhận được những thông điệp tương tự.
Vào những năm 1960, các nhà khoa học Mỹ, các bộ phận của phong trào phản chiến và công nhân kêu gọi sự chú ý đến các vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân đã bắt đầu phản đối việc phát triển hạt nhân.
Trong bối cảnh phong trào chống hạt nhân ngày càng gia tăng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Bảo tàng Nguyên tử Sandia tại Căn cứ Không quân Kirtland, bang New Mexico, Mỹ vào năm 1969. Bảo tàng ban đầu trưng bày các vũ khí hạt nhân đã được giải mật, bao gồm cả "Fat Man", quả bom plutonium thả xuống Nagasaki năm 1945.
Chỉ hai năm sau khi khai trương, bảo tàng đã đổi tên thành Bảo tàng Nguyên tử Quốc gia để phản ánh sứ mệnh lớn hơn của Mỹ trong việc tái cấu trúc năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ngày nay, nó được gọi là Bảo tàng Lịch sử và Khoa học Hạt nhân Quốc gia, một phần của Viện Smithsonian.
Trong những năm qua, các nhà hoạt động đã tìm cách đưa những tác hại liên quan đến phát triển hạt nhân ra công chúng và các vụ tai nạn hạt nhân cũng khiến công chúng phải chú ý.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của công chúng đối với năng lượng hạt nhân đã tăng lên đều đặn kể từ những năm 1990. Sự ủng hộ đó, một lần nữa khẳng định chiến dịch "Nguyên tử vì hòa bình" cách đây 7 thập kỷ tiếp tục thành công.
Hẳn nhiên, tác hại của phóng xạ vẫn tồn tại.
Ở Tây Nam Mỹ và các đảo Thái Bình Dương, thử nghiệm hạt nhân tiếp tục gây ra hậu quả khiến tỷ lệ người dân ở mọi lứa tuổi mắc bệnh ung thư và các bệnh khác cao hơn. Những người thợ mỏ ở Navajo và Congo vẫn mắc các bệnh và rối loạn liên quan đến phóng xạ. Những công nhân vận hành các cơ sở hạt nhân do Mỹ sản xuất trên toàn cầu vẫn phải đối mặt với những triển vọng không chắc chắn về sức khỏe và sự an toàn của họ.
Bài phát biểu của Tổng thống Eisenhower 70 năm trước, đưa ra lời bào chữa và ngụy trang cho hoạt động khai thác khoáng sản, thử bom hạt nhân do nhà nước bảo trợ, đã gây tổn hại cho người dân trên toàn cầu hết lần này đến lần khác.
Nhân danh hòa bình, Mỹ đã mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình cả về quy mô và phạm vi.
Như Tổng thống của Navajo nhắc nhở, việc xem xét phần lịch sử ẩn giấu này cũng như khám phá di sản của "Nguyên tử vì Hòa bình" sẽ làm sáng tỏ cách chúng ta phải chữa trị "tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tác hại của thời đại hạt nhân" để có được ý thức thực chất hơn về công lý và hòa bình trong những thập kỷ còn lại của thế kỷ 21.
Nguồn: Time