Giới đại gia và Di sản bền vững: Lịch sử báo hiệu gì?
Lịch sử Việt – Mỹ có mối liên hệ không thể tách rời bởi ảnh hưởng của làn sóng chiến tranh và hoà bình, những thăng trầm của nền kinh tế, cũng như những cột mốc về phương diện sức khoẻ cộng đồng và hiện tượng biến đổi khí hậu.
Một đề tài phổ biến thu hút sự chú ý của giới quan sát chính là sự gia tăng của làn sóng đại gia Việt Nam có nhận thức rõ về nhu cầu củng cố di sản thông qua các hoạt động từ thiện quy mô lớn.
Họ, có lẽ, đang đi lại con đường của những gã khổng lồ Mỹ như Andrew Carnegie hay John D. Rockefeller, hoặc những tên tuổi đương thời như Bill Gates và Warren Buffett.
Ở Mỹ, một nhóm những người khổng lồ với sức sáng tạo và tham vọng vĩ đại đã tạo nên những cỗ máy xây dựng nước Mỹ thành một siêu cường mang tầm vóc quốc tế.
Các đế chế kinh doanh của họ chính là thứ nhiên liệu vận hành nền văn minh công nghiệp, đưa nước Mỹ đến vị thế một cường quốc công nghiệp mới vào cuối thế kỷ 19 và phát triển vũ bão trong thời kỳ hiện đại.
Một trong những người khổng lồ đó là Andrew Carnegie, một doanh nhân có tầm nhìn bao quát. Trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp, ông đã sử dụng các tiến bộ công nghệ để thúc đẩy công cuộc mở rộng nước Mỹ và cuối cùng trở thành gã không lồ ngành công nghiệp thép.
Trong vai trò mạnh thường quân, ông ủng hộ quan điểm cho rằng, cuộc sống của một người giàu cần trải qua hai giai đoạn – giai đoạn thứ nhất là tích luỹ của cải và giai đoạn thứ hai là cải thiện phúc lợi cộng đồng.
Ông đã sống cuộc đời mình theo đúng nguyên tắc ấy và thành lập Học viện Carnegie cùng rất nhiều trường học khác. Sau này, ông còn trở thành vị thánh bảo hộ cho các thư viện và thành lập nhiều quỹ từ thiện nhằm tài trợ cho những mục đích cao đẹp khác nhau.
Carnegie để lại cho hậu thế những câu nói bất hủ: “Tiền bạc tạo ra trách nhiệm. Không sớm thì muộn, chúng ta rồi sẽ nhận ra rằng thế giới chỉ trở nên tốt đẹp hơn khi tiền bạc tạo ra từ những tiến bộ công nghệ quay lại làm tăng hiểu biết và những điều đẹp đẽ trong thế giới ấy”.
Nổi lên cùng thời với Carnegie là ông vua dầu mỏ John D. Rockefeller, người cũng bắt đầu thực hiện các hoạt động từ thiện quy mô lớn vào khoảng năm 1913.
Những hoạt động từ thiện mạnh mẽ ban đầu của Rockefeller bao gồm việc tài trợ thành lập Trường Y tế công cộng trực thuộc Đại học Harvard và Trường Y tế công cộng Johns Hopkins.
Với việc hợp pháp hoá hoạt động của quỹ từ thiện tại New York, Rockefeller vững vàng tiến bước trên con đường xây dựng một triều đại các hoạt động thiện nguyện.
Triều đại Rockefeller đã vươn tới những công chức cấp cao, quan chức chính phủ, các nhà hảo tâm ưu tú và tiếp tục phát triển ổn định đến ngày nay.
Nước Mỹ còn có hai người khổng lồ danh tiếng khác là Edsel Ford và Cornelius Vanderbilt.
Ngài Ford – không lâu sau khi xây dựng thành công đế chế ô tô – đã sáng lập ra Quỹ Ford giữa thời kỳ Đại khủng hoảng, với tầm nhìn đầy tham vọng “nhằm tiếp nhận và quản lý nguồn tiền phục vụ mục đích khoa học, giáo dục và từ thiện, tất cả đều vì phúc lợi cộng đồng”.
Trong khi đó, Vanderbilt, một nhà công nghiệp và một người có tầm nhìn, lại tích luỹ của cải thông qua ngành vận chuyển và đường sắt.
Mặc dù các hoạt động từ thiện của ông không có quy mô lớn như các đại gia khác cùng thời, song Vanderbilt đã quyên góp một số tiền không nhỏ cho việc thành lập Đại học Vanderbilt, một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu tại Mỹ.
Việt Nam: Lịch sử gọi tên ai?
Các hoạt động từ thiện không hề xa lạ ở Việt Nam, một nước nông nghiệp với nhiều tổ chức hướng đến cộng đồng nhằm trợ giúp cho những người kém may mắn.
Song các hoạt động thiện nguyện bài bản, có hệ thống, hướng đến các mục đích cộng đồng to lớn, và được dẫn dắt bởi các cá nhân giàu có, lại là một hiện tượng mới.
Một trong những điển hình đầu tiên cho hiện tượng này là việc một cá nhân ưu tú thuộc tầng lớp giàu có tại Việt Nam, ông Lê Văn Kiểm, chủ tịch HĐQT công ty Long Thành.
Ông Kiểm đã hợp tác với Bill Gates, nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng người Mỹ và nhà đồng sáng lập hãng phần mềm khổng lồ Microsoft. Sự hợp tác này dựa trên tầm nhìn chung trong việc xây dựng một quỹ sức khoẻ quốc gia nhằm cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.
Là một trong những doanh nhân nổi lên sau 1975, đại gia này cũng chịu không ít ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998.
Mặc dù vậy, ông Kiểm vẫn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện và có bày tỏ mong muốn mở rộng quy mô các hoạt động nhân ái của mình.
Một cá nhân đáng chú ý khác là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, một ông trùm bất động sản, được biết đến với sự đóng góp hào phóng vào Quỹ thiện tâm do chính ông sáng lập.
Bằng chứng là ông đã tài trợ hàng triệu đôla nhằm giúp các cộng đồng nghèo xây dựng nhà ở cũng như thực hiện các chương trình xã hội khác.
Bên cạnh ông Kiểm và ông Vượng, một số lãnh đạo của các tập đoàn tư nhân khác cũng có những đóng góp thầm lặng nhằm xây dựng các trường học trên khắp cả nước.
Các hoạt động từ thiện quy mô lớn ở Việt Nam đang trong giai đoạn khởi tạo, phần nào cho thấy sự phát triển của nền kinh tế cũng như các thể chế chính trị xã hội.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ không phải đối mặt với những thách thức lớn trong tương lai.
Với việc nền kinh tế Việt Nam dịch chuyển sang mức thu nhập trung bình thấp, các nhà tài trợ nước ngoài và song phương sẽ dần thu hồi nguồn hỗ trợ để chuyển sang giúp đỡ những khu vực khó khăn khác trên thế giới. Nguồn lực tài khoá quốc gia đang co lại do khủng hoảng kinh tế trong những năm gần đây.
Hơn thế nữa, sự gia tăng khoảng cách nông thôn – thành thị (hay nói cách khác sự bất bình đẳng), cùng với sự xuống cấp của môi trường có thể tạo nên những hiểm hoạ sức khoẻ cộng đồng đồng thời làm suy giảm động lực phát triển kinh tế.
Hệ thống giáo dục cũng cần có sự cải cách nghiêm túc trong nhiều lĩnh vực trọng yếu bằng các khoản đầu tư dài hạn nhằm tạo ra lợi tức cho các thế hệ tương lai.
Gần đây, trường Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học tư nhân, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam đã bắt tay vào chiến dịch xây dựng quỹ tài trợ. Với chiến dịch này, các mạnh thường quân tương lai sẽ có một cơ hội hết sức đặc biệt.
Trong bối cảnh trên, những nhà quản lý có uy tín tại Việt Nam cần dành sức sáng tạo và tầm nhìn kinh doanh vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa vị tha quy mô lớn, nhằm tiếp nối truyền thống thiện nguyện từ các thế hệ trước trong việc giải quyết các thách thức đối với xã hội hiện đại, như: các dịch bệnh đe doạ sức khoẻ cộng đồng, hoạt động nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở hạ tầng và xoá đói giảm nghèo.
Họ cần duy trì và phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, hướng tới nhu cầu phúc lợi xã hội, như cựu Thủ tướng Việt Nam đã phát biểu tại kỳ họp thứ 68 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Di sản bền vững: Đã đến lúc!
Cho dù động lực thật sự của họ là gì, những cá nhân xuất sắc kể trên đều là những người theo chủ nghĩa lý tưởng thực tế, theo đuổi mục tiêu cải thiện phúc lợi cộng đồng bằng các hoạt động thiện nguyện.
Với nước Mỹ, không thể nào phủ nhận vai trò của những người khổng lồ trong quá trình xây dựng và duy trì một triều đại thiện nguyện vững mạnh.
Những Ford, Carnegie và Rockefeller chính là bậc tiền bối của các mạnh thường quân hiện đại như Bill Gates, Warren Buffett, Michael Bloomberg và gần đây nhất là Mark Zuckerberg.
Với Việt Nam, mặc dù tác động trên diện rộng của các hoạt động từ thiện tương tự còn chưa rõ ràng, giới đại gia cũng đang trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng di sản bằng cách sử dụng của cải phục vụ những mục đích cao cả.
Cam kết hiến tặng – do Gates và Buffett khởi xướng – đặt ra một mục tiêu đáng ca ngợi – đồng thời là một thách thức cho các mạnh thường quân Việt Nam: Mục tiêu của Cam kết hiến tặng là tạo ra sự cởi mở khi bàn về việc hiến tặng cũng như tạo ra một môi trường thúc đẩy nhiều người khác cùng tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Tuy nhiên, giới quan sát cần nhận thức rõ rằng, tác động của các hoạt động thiện nguyện đến xã hội phụ thuộc vào các nhân tố quan trọng như sự phát triển của luật pháp, kinh tế và thể chế.
Lưu tâm đến các vấn đề đó, nhóm doanh nhân Việt Nam ưu tú có thể thực hiện các mục tiêu từ thiện một cách tốt nhất bằng chiến lược tư duy toàn cầu và hành động địa phương – nhằm dẫn dắt Việt Nam giữa sân khấu toàn cầu và nền kinh tế thế giới, phát huy các giải pháp phù hợp với tình hình trong nước nhằm tối đa hoá lợi ích của các hoạt động từ thiện.
Trong bối cảnh hoạt động từ thiện kiểu Mỹ không phải là hình mẫu duy nhất, đâu là con đường mà Việt Nam nên hướng tới?
Câu hỏi lớn nhất đặt ra: liệu đây có phải là khởi đầu của một thời đại từ thiện với sự tham gia tích cực của tầng lớp tinh hoa Việt Nam hay không? Liệu những cá nhân này có bảo toàn được di sản của mình?
Trong trường hợp họ xây dựng được một mô hình từ thiện có chiến lược và hệ thống, phù hợp với điều kiện địa phương – họ có thể phát triển nó thành một mô hình Việt Nam sáng tạo để các quốc gia khác học hỏi.