Đi qua cơn... chán chồng

Hoàng Anh Tú |

Chán chồng có thể được coi là một hiện tượng tâm lý không hiếm và xứng đáng được… đứng riêng một mục như với ngoại tình - ly dị- mẹ chồng… Những bài viết của tôi về việc phụ nữ chán chồng luôn có đến cả ngàn lượt chia sẻ, chục ngàn “like”. Tại sao phụ nữ chán chồng nhiều đến vậy? Bạn có phải là một trong số đó?

Mười vạn lý do khiến chị em chán chồng

Thật buồn khi phải nói rằng ngày càng nhiều phụ nữ chán chồng. Bởi phụ nữ thời nay không còn là những người vợ ở thế kỷ 18 nữa, họ chẳng còn an phận thủ thường, cam chịu "đục trong 12 bến nước". 

Phụ nữ của hôm nay cũng cần những người đàn ông của hôm nay chứ không phải những người chồng ở thế kỷ 18. Buồn thay, ngoài kia nhiều đàn ông sống ở thế kỷ 21 nhưng vẫn mang tư tưởng gia trưởng, tự cho mình là nhất.

Nhưng ngay cả với những người đàn ông không như vậy mà nhiều phụ nữ cũng… chán. Như có một người phụ nữ chia sẻ với tôi rằng cô ấy chán chồng. Là bởi anh chồng ngày này qua năm nọ vẫn đều đều, chẳng có chí tiến thủ, chẳng quyết đoán được điều gì, cái gì cũng vợ tự quyết. Người vợ ngày một chán nản.

Hôn nhân vốn không phải là hai con người bước vào 1 căn phòng rồi khoá trái cửa lại mà sống với nhau đến cuối cuộc đời. Hôn nhân là một hành trình. Một hành trình trưởng thành. Nó đòi hỏi cả hai người trong đó phải cùng trưởng thành. Thế nên nếu như người vợ ngày một tốt lên mà người chồng mãi dậm chân tại chỗ thì hôn nhân đó dần dà mà lệch sóng.

Đi qua cơn... chán chồng- Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Còn hàng tỉ lý do khiến người vợ chán chồng. Mỗi phụ nữ khi chán chồng đều có một lý do riêng. Chỉ là những người chồng luôn coi nhẹ chuyện đó và cho rằng vợ lắm chuyện, đòi hỏi và không biết thế nào là đủ. Nhưng đủ là thế nào? Là có chồng như mọi người? 

Là có người nằm chung giường? Là con có bố? Là trong nhà có bóng đàn ông? Không! Đủ là hôn nhân đủ bốn cánh tay. Đủ là người vợ được làm vợ một cách hạnh phúc. Đủ là nói về chồng, đôi mắt của người vợ sẽ lấp lánh tin yêu. Đủ là con cái tự hào về bố mình. Đủ là con luôn có cả bố lẫn mẹ đồng hành…

Chồng bạn có chán bạn không?

Khi tôi đặt câu hỏi: Theo bạn, chồng bạn có khi nào chán bạn không? Rất nhiều phụ nữ đã nhảy dựng lên phản đối. Nhiều phụ nữ bảo tôi: Chán thì cho qua. Cũng có những người nhẹ nhàng hơn thì bảo: "Em tự thấy mình đã làm rất tốt rồi. Nếu anh ta đòi hỏi hơn thì em chịu".

Tại sao nhiều người vợ chỉ biết chán chồng mà ít ai nghĩ chồng đôi khi cũng… chán mình? Là bởi nhiều phụ nữ mà tôi thấy luôn chỉ thấy nỗi đau của mình, sự thiếu thốn của mình, cái mình đang chán chứ ít khi thấy thứ khác. 

Với những người phụ nữ ấy, hôn nhân của họ đang là một cuộc HÔN NHÂN ĐỘC THOẠI. Là chúng ta luôn chỉ độc thoại với chính mình thay vì ĐỐI THOẠI với bạn đời. Độc thoại nên ta chỉ nói chuyện với nỗi đau trong mình, sự chán chường trong mình, những thất vọng của mình. Độc thoại nên ta chỉ thấy thứ mình đã làm, thấy khổ sở của mình, thương tổn của mình.

Tôi hiểu nỗi thất vọng của nhiều phụ nữ nhưng tôi cũng nhận được nhiều nỗi thất vọng của đàn ông, của những người chồng không biết nói sao cho vợ hiểu. Không phải mọi phụ nữ đều biết rằng: Đàn ông sợ cô đơn hơn phụ nữ rất nhiều. 

Tôi muốn hôm nay, những người vợ có thể tạm gác nỗi thất vọng trong lòng mình để hỏi chồng mình về những vấn đề anh ấy đang phải trải qua, xem có thể giúp anh ấy làm cho cuộc hôn nhân này dễ thở hơn. Thử bao dung với chồng một chút, chậm lại một chút, nghe đã, đừng vội phân tích, bằng tình yêu trong lòng mình để cho chồng có cơ hội bày tỏ nỗi lòng của anh ấy. 

Tôi cũng hiểu, nhiều phụ nữ không muốn làm điều đó đâu. Bởi lòng các chị em đã cạn kiệt rồi. Bởi thương tổn quá sâu. Nhưng không phải mọi người chồng đều không thể thay đổi. Còn muốn sửa chữa là bởi còn muốn giữ cuộc hôn nhân này.

Cũng đừng nói với tôi rằng: Chúng tôi làm vợ đã quá vất vả rồi, sao bắt chúng tôi phải nuôi dưỡng hôn nhân, phải làm sao để chồng không chán mình, phải… phải… phải…

Bạn thử hỏi chồng đi: "Anh có thấy mình cưới nhầm vợ không?". Mỗi ông chồng đều sẽ có câu trả lời khác nhau khi vợ hỏi câu đó. Nhưng câu trả lời dẫu có thế nào thì đó cũng nên là sự khởi đầu cho một kết nối, đối thoại thay vì chúng ta chỉ độc thoại trong cuộc hôn nhân này.

Đi qua cơn... chán chồng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bạn là người vợ ổn, tôi tin!

Bạn làm vợ vẫn rất ổn. Tôi không nghi ngờ điều đó. Chỉ là bạn thân yêu của tôi ơi, đừng độc thoại nữa, hãy đối thoại đi được không? Hãy cho cuộc hôn nhân của bạn một kết nối! Đối thoại với chồng có thể khó khăn vì chồng bạn cạy miệng không nói nửa câu hay nói mãi mà như nước đổ đầu vịt. 

Nhưng sao bạn không đối thoại với chính mình? Hãy hỏi người vợ trong lòng mình, bằng cách nhập vai người chồng. Hãy trò chuyện với những thứ tốt đẹp trong bạn và cả những thứ xấu xí mà chỉ riêng bạn biết, về mình.

Không! Bạn làm vậy không phải vì cứu vãn cuộc hôn nhân hay vì chồng đâu. Mà vì chính bạn: Một Phụ Nữ Hạnh Phúc. Không phải sửa mình để được Hạnh Phúc đâu, mà là CHO MÌNH QUYỀN ĐƯỢC HẠNH PHÚC. Khi bạn nhớ rằng BẠN CÓ QUYỀN HẠNH PHÚC, bạn sẽ sử dụng quyền đó cho cuộc đời của mình một cách tốt nhất!

Bởi biết không, tôi thấy ngoài kia rất nhiều người vợ hạnh phúc. Là cô ấy may mắn ư? Không! Là cô ấy cũng khiến chồng mình yêu cô ấy không biết chán. Là họ có thể yêu đi yêu lại nhau ngày này qua ngày khác mà chưa biết chán. 

Hôn nhân chẳng phải là như thế ư? Là yêu chứ không phải là ở bên nhau ngày lại ngày. Cư xử như những người còn đang yêu nhau thay vì đã thành chồng vợ. Đúng, có những lúc cũng ghét nhau đấy, cãi nhau đấy, giận nhau đấy nhưng chẳng muốn rời nhau, mà nắm cho chặt, mà giữ cho chặt cuộc tình này.

Để đừng chán chồng không phải là cố yêu chồng mà là để mình đừng trở nên đáng chán trong mắt chồng. Và ngược lại, người chồng cũng vậy, đừng để mình đáng chán trong mắt vợ. Chẳng phải thế sao, hôn nhân là đổ đầy những điều tốt đẹp của mình vào nhau mà, là để cùng nhau làm nên những năm tháng đắm say mà.

HÔN NHÂN LÀ MỘT HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH

Hôn nhân là một hành trình trưởng thành của cả 2 vợ chồng, tôi luôn nghĩ vậy và thấy vậy từ chính bản thân và từ vợ của mình. Hôn nhân là một hành trình trưởng thành nhiều đau đớn nhưng cũng rất kỳ diệu.

Bước vào hôn nhân, ai cũng như những đứa trẻ. Bởi đám cưới không phải là một bữa tiệc mừng công đã hoàn thành một nhiệm vụ cuộc đời. Đám cưới là ngày khai sinh ra một người chồng, một người vợ. Tuổi của hôn nhân được tính riêng vì thế. Anh chồng 50 tuổi đời so với anh chồng 30 tuổi đời đều giống nhau trong năm đầu tiên của hôn nhân. Có thể người chồng 50 tuổi cư xử với vợ đằm hơn anh chàng 30 tuổi nhưng khiến vợ mình hạnh phúc thì cần phải sống với cô ấy đủ lâu, yêu thương cô ấy đủ sâu. Là đàn ông, tôi nghĩ thế! Phụ nữ nghĩ sao thì tôi không dám chắc.

Hôn nhân là hành trình trưởng thành là vì thế. Đợi chồng thôi trẻ con. Chờ vợ đủ bao dung. Chẳng thể vội vã được đâu. Chẳng có thuốc tăng trưởng nào đâu. Tin vui chỉ là nếu cả 2 cùng hiểu và cùng theo đuổi mong muốn gia đình hạnh phúc thì sự trưởng thành ấy sẽ nhanh hơn một chút. Bằng ai cũng khư khư giữ cái tôi của mình, ham muốn, kỳ vọng của mình thì sự trưởng thành này đôi phen sẽ đau đớn. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn, qua được 5 năm đầu đời, tôi tin vào việc họ sẽ đi xa hơn cùng nhau.

Trong suốt hành trình trưởng thành này, việc đôi phen chúng ta làm tổn thương bạn đời là chuyện… bình thường. Chẳng có hôn nhân nào toàn bích, kể cả khi chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày cưới. Nhưng tin tôi đi, vào cái ngày bạn kỷ niệm 80 năm ngày cưới ấy, thứ chúng ta nhớ đến sẽ chỉ toàn là hạnh phúc thôi. Kể cả những vết thương cũng rất ngọt lành khi nhớ về. Là bởi hôn nhân có một thứ rất kỳ diệu: Khả năng tự vá lành thương tổn. Bằng thời gian. Bằng việc chúng ta còn muốn đồng hành cùng nhau. Bằng những điều nhỏ bé kỳ diệu chúng ta dành tặng nhau mỗi ngày. Bằng tình yêu của người vợ. Bằng lòng thương của người chồng. Bằng cả đôi lần ta chép miệng: Dù gì anh ấy/cô ấy cũng là gia đình của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại