|
Với chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang dần đến giai đoạn kết thúc, liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng các đồng minh trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang bắt đầu chuyển hướng trọng tâm sang vấn đề an ninh biên giới, phát ngôn viên của lực lượng liên quân – Đại tá Ryan Dillon cho hay.
"Có một mục tiêu về việc thiết lập một lực lượng cuối cùng lên tới khoảng 30.000 quân," khoảng một nửa trong số này sẽ là những chiếc binh SDF được đào tạo lại, ông Dillon cho biết.
"Có khoảng 230 cá nhân ngay lúc này đang được đào tạo trong lực lượng an ninh biên giới. Đó là lực lượng ban đầu”, ông Dillon cho biết thêm.
Được hậu thuẫn bởi các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, cùng với sự trợ giúp về vũ khí và tư vấn từ lực lượng đặc nhiệm, SDF đã đánh bật IS ra khỏi những khu vực lãnh thổ rộng lớn ở đông bắc Syria.
Các thành viên người Kurd và Ả-rập của SDF đang nắm quyền kiểm soát khu vực lãnh thổ nằm dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ về phía bắc, và khu vực biên giới với Iraq về phía đông trong khi chính quyền Syria quản lý vùng biên giới phía tây.
Nga tức giận cảnh báo sẽ đáp trả động thái của liên quân
Động thái của Mỹ và liên quân nói trên chắc chắn sẽ khiến chính quyền Syria, Nga và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ đều “giật mình” lo ngại.
Nga và các đối tác sẽ áp dụng các biện pháp để đáp trả quyết định của liên quân trong việc thiết lập cái gọi là “Lực lượng An ninh Biên giới” trên lãnh thổ của Syria đang nằm trong quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga – ông Vladimir Shamanov hôm qua (14/1) đã lên tiếng cảnh báo như vậy.
"Một hành vi như vậy của liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ là sự đối đầu trực tiếp với các lợi ích của Nga. Vì thế, chúng tôi và các đồng nghiệp chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp nhằm làm ổn định tình hỉnh ở Syria”, ông Shamanov cho biết khi được hỏi về việc liệu những hành động của liên quân do Mỹ dẫn đầu có ảnh hưởng đến lợi ích của Nga ở Syria.
Mỹ đang dẫn đầu một liên minh có hơn 70 quốc gia tham gia vào cuộc chiến nhằm đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria kể từ năm 2014. Các hoạt động của liên quân ở Syria không được cả Damascus và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép.
Chính quyền của Tổng thống Assad từ lâu đã luôn coi sự hiện diện của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở lãnh thổ Syria là hành động “xâm lược”. Vì thế, việc Mỹ nhăm nhe thiết lập lực lượng gồm hàng chục nghìn quân trong lãnh thổ Syria chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Damascus.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng cực kỳ dữ dội trước thông tin Mỹ định thiết lập một lực lượng an ninh biên giới đóng gần lãnh thổ của họ. Đại diện của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - ông Ibrahim Kalin gay gắt cho biết, động thái của Mỹ là không thể chấp nhận được và “rất đáng lo ngại”. Sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tuyên bố lên án kế hoạch của Mỹ, nhấn mạnh rằng liên quân không hề tham vấn gì với Ankara về bước đi này.