"Dị nhân" Thái Bình đi khắp nơi xin cối đá xây nhà, gần 45 năm khiến mọi người không ngừng kinh ngạc

Nhật Vũ |

Những công trình này đều do người đàn ông tự tay xây mà không phụ thuộc vào máy móc. Trong quá trình làm, ông còn bị gãy mất 2 răng cửa.

Ông Trần Công Nhẫn (64 tuổi, Thái Bình), với chiều cao khiêm tốn chỉ 1m60, được người dân trong làng gọi với cái tên "dị nhân cối đá". Từ năm 20 tuổi đến bây giờ, ông vẫn không ngừng khám phá và lặn lội qua nhiều địa điểm để sưu tầm những chiếc cối đá có trọng lượng lên đến hàng trăm kilogram.

Mặc dù thân hình nhỏ bé, nhưng ông đã tự xây nên những công trình cối đá độc đáo mà hầu như không phụ thuộc vào người khác hay máy móc hiện đại. Ông là người chịu trách nhiệm xây dựng cổng đình làng Tân Dân, một tác phẩm nằm ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông cho biết, bản thân đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc vào dự án này.

"Nói chung là làm cái này thì chỉ có mỗi một mình thôi, mấy cái đồ đá này thì cũng muốn gọi thợ cho nhẹ nhưng lại không đủ về kinh phí. Thứ nữa là nhiều người rất sợ bê đồ đá, vì trọng lượng của nó nặng nên nhỡ mà có sơ xuất sẽ để lại hậu quả rất lớn. Những công trình này đều tự tôi làm bằng tay và xe lôi hết. Trong quá trình làm thì tôi gãy mất 2 cái răng cửa", ông Nhẫn bộc bạch.

Gần 45 năm, một mình ông đi khắp các tỉnh phía Bắc để sưu tầm cối đá. Ông bảo cứ nói xin cối về xây đình làng là mọi người cho miễn phí, nhưng cũng có người muốn ông mua lại. Có những cối đá ông mua với giá 50 nghìn đến 100 nghìn đồng.

Nhiều nơi, cối đá đã không còn được dùng nên họ vứt xuống sông. Có những đợt ông phải lặn xuống đáy rồi xê dịch từng chút một để đưa vào bờ. Những cối đá của ông xin về có cái nặng 5kg, nhưng cũng có những cối đá hay cối xay lúa nặng từ 30kg cho đến gần 60kg.

Ông Nhẫn cho biết, để đưa cối từ khắp nơi về nhà, ông sắm thêm một cái xe thùng nhỏ rồi gá đằng sau xe máy để trở về được nhiều hơn. Những cối đá xây ở tầm thấp thì ông chọn cách "vần" chúng ra nơi xây, còn để đưa cối lên cao xây cột, ông dùng thang và chế ra dây tời kéo lên. Một mình ông cứ thế xây từ ngày này qua ngày khác, cuối cùng cũng xong.

Ngoài công trình trên, ông Nhẫn còn tự đưa ra ý tưởng thiết kế ngôi đình làng với những cột trụ phía trước được tạo nên từ những cối đá xếp chồng lên nhau. Để gìn giữ và kế thừa tinh thần văn hóa của quê hương, ông Nhẫn đảm nhiệm việc kiến thiết, tôn tạo lại các công trình văn hóa mà không đòi hỏi bất kỳ khoản tiền công nào.

Tuy nhiên, vì hạn chế về nguồn lực tài chính, nên ông chỉ mới hoàn thiện được mặt trước của đình làng. Quãng thời gian để hoàn thành công việc này là nửa năm. Ông chia sẻ rằng trong suốt quá trình xây dựng ông có sự động viên và hỗ trợ tích cực từ người bạn đời của mình. Ông cùng vợ thực hiện công việc xây dựng, đổ bê tông từ sáng tới tối.

Công việc chủ yếu của gia đình ông Nhẫn là nghề nông, quanh năm cày cấy và trồng hoa màu trên đồng ruộng, nên điều kiện kinh tế của gia đình không phải là khá giả. Tuy nhiên, ông Nhẫn vẫn luôn dành thời gian để thực hiện đam mê của mình, đi dò hỏi và sưu tầm những chiếc cối đá từ những gia đình khác. Với ông, những chiếc cối đá mang ý nghĩa đặc biệt, chúng là "nhân chứng bất biến của lịch sử" và đồng thời là kỉ niệm về thời niên thiếu.

"Tính ra tôi sưu tầm được khoảng hơn 1.000 cối đá các loại với đầy đủ kiểu dáng, kích thước khác nhau", ông Nhẫn tâm sự.

Trong quá trình sưu tầm, ông còn may mắn sở hữu những chiếc cối có giá trị lịch sử và thu hút nhiều người muốn mua.

Ông Nhẫn cho biết bản thân không muốn bán bất cứ chiếc cối nào vì chúng là một phần của đam mê và ký ức. Thế nhưng, vì cần chi phí để kiến thiết đình làng, ông buộc phải bán một số cối đá. Ông Nhẫn hy vọng rằng mình vẫn còn sức khỏe để tiếp tục đi sưu tầm cối đá và có đủ tài chính để hoàn thiện đình làng theo tâm nguyện của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại