So với những cậu bạn 30 tuổi cùng lứa suốt ngày đăng hình vợ con lên mạng xã hội, thì Facebook của tôi chỉ toàn ảnh về quê, đi làm, và nhiều nhất là ảnh chụp mẹ cùng những bữa cơm nhà .
Chủ yếu là cơm do tôi tự nấu, ăn một mình mỗi lúc tối muộn đi làm về, còn lại là album ảnh cơm nhà tôi sắp xếp lại từ ký ức, khi nào nhớ bố nhớ mẹ lại âm thầm mở ra xem.
MC - BTV truyền hình Nguyễn Hoài Đảm, chàng trai Hà Tĩnh 30 tuổi rất yêu thương bố mẹ và thích nếp sống truyền thống, luôn luôn ăn cơm nhà.
12 năm tự lập ly hương, lúc còn ở nước Nga xa xôi, tôi vẫn luôn thèm một bữa ăn giản dị chiều đông ấm áp bên cả nhà. Đến khi về nước, tôi tiếp tục rong ruổi khắp mọi miền, bận tới mức Tết cũng phải ở lại Hà Nội đi làm, chỉ tranh thủ về thăm thầy u được 1-2 ngày.
Cơm cúng Táo quân, cơm tất niên, cơm giao thừa, cho đến bữa ăn đầu tiên ngày mùng 1 năm mới… tôi đều đã nếm trải hương vị đắng ngắt bởi không có gia đình ở bên.
Tôi tự hỏi, cái giá của lớn lên và trưởng thành, với những đứa con xa quê có phải là mâm cơm nhà đầy tình thương không gì đong đếm nổi?
Không chỉ với tôi mà bất cứ người con xa quê nào, có lẽ cơm nhà vẫn luôn ngon lành nhất. Vì vậy, khi có mẹ hoặc người thân ra chơi, mang theo những món ăn đạm bạc nhưng đậm phong vị quê hương thì sung sướng không còn gì bằng.
Những đứa trẻ xứ Nghệ lớn lên bằng mắm muối dưa cà, bằng nhút mít (xơ mít), ngọn đỗ, bằng dưa mùng muối... sau bao nhiêu năm lăn lộn ăn đủ thức ngon từ Nam ra Bắc thì hương vị mặn mặn, chua chua, đậm đà của mấy món mộc mạc kia vẫn vẹn nguyên trong tâm trí.
Kể cũng lạ, thứ mà dân thành thị bỏ đi chẳng ai dùng tới như xơ mít lại là món ngon mẹ làm khiến tôi khao khát nhất.
Có lẽ do hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, nghèo khó nên đã định hình phần nào tính cách người miền Trung và nét độc đáo riêng của ẩm thực miền Trung nữa. Nhiều người vẫn hay trêu đồ ăn quê tôi là "chém to, kho mặn". Nhưng nếu không mặn, không cay, chắc hẳn đó không phải là món ăn miền Trung nữa rồi.
Tôi không rõ mình say sưa với hương vị mặn mòi ấy từ bao giờ, nhưng tuổi thơ tôi ối lần khóc rấm rứt vì tội "ăn tham", thấy cà nhút ngon nên ăn liền tù tì hẳn mấy bát cơm đầy, đêm khát khô cổ phải chạy đi tu cả ấm nước, rồi cuối cùng chẳng ngủ được, cứ chốc lát lại bật dậy… chạy ra góc vườn đi tè.
Tôi đã nghe mẹ, nghe người dân ở quê kể lại rằng: vì cuộc sống khó khăn, thực phẩm thiếu thốn, nên ông bà khi xưa đã tận dụng xơ mít, ngọn đậu, dọc mùng, quả cọ, quả trám... đem muối lên làm thức ăn dự trữ, nhất là cho ngày đông rét mướt.
Mỗi năm gió mùa về lạnh buốt, mẹ lại lôi hũ nhút ra, cho thêm miếng mỡ lợn, hành tăm vào, xào chín, rắc thêm ít lá chanh, cả nhà ăn ngon lành. Đúng mùa mít mới có nhút ngon, nên dù đi đâu làm gì, tôi cũng phải tìm ăn bằng mọi giá.
Nếu không được nếm món "đặc sản" mặn đến quắn lưỡi ấy, sẽ thấy rất bứt rứt, khó chịu, ăn cao lương mỹ vị đắt đỏ ở đâu cũng chẳng thấy ngon bằng.
Mẹ cứ đùa anh em tôi là ăn nhút xào như được thưởng thức món "thịt gà xé". Đến bây giờ cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng mấy món ăn ít dinh dưỡng ấy vẫn có sức hút vô cùng đặc biệt. Vì nó không chỉ có vị quê, tình mẹ trong đó, mà còn có một phần ký ức tuổi thơ.
Đâu chỉ có mỗi nhút mít với cà, thức quà quê mà tôi thích còn có mấy món khá lạ lùng với bạn bè Hà Nội. Ngày nhỏ, cứ đến nhà bà nhà bác là mắt chỉ dán vào mấy cái cây trước sân cạnh chuồng hươu.
Tôi và đám trẻ con trong xóm hóng mãi, thi thoảng mới có một vài quả chín. Mà chọc bằng sào hú họa, thể nào rớt xuống cũng bẹp dí hoặc méo mó. Thế mà vẫn ăn ngon lành...
Dân quê tôi gọi đó là quả nê, cây to nhưng ít trái, thành ra quý lắm. Quả cũng không ngọt đậm như na, mà nhàn nhạt, ít thịt, hột nhiều nhưng vẫn thích nhằn. Khi chín cứ thơm thơm, mềm mềm, màu mộc mạc, nhìn hay ăn đều đã thấy lành.
Quả thì ít, con cháu thì đông nên các bà, các bác phải quý lắm thì mới hái xuống, "dú" (dấm) chín, để dành cho. Ăn cơm xong là thích thú ngồi nhai chóp chép. Bẵng đi bao nhiêu năm, giữa Hà Nội vô tình lại nhìn thấy nó, thấy chút gì đó của tuổi thơ ùa về...
Rồi lại cả món khoai deo nữa, nghe tôi kể ai cũng háo hức tò mò. Vùng Hương Sơn hẻo lánh quê tôi có gì đâu ngoài ngô, khoai, đậu, lạc. Mùa nào thức nấy. Bán thì chẳng được, mà ăn sao hết. Lạc để lâu còn được, hoặc bóc ra, rang lên, nấu kẹo...
Còn khoai, không ăn hết cũng lại mọc mầm. Thế là các bà, các mẹ lại cặm cụi luộc từng nồi khoai, thái mỏng, hong nắng sạch sẽ, để vào trong chum. Chờ đến mùa đông, khi trời se sắt, người lớn lôi trong chum ra từng nắm một cho bầy con nít ăn thay quà vặt.
Cái thứ đồ khô cứng như đá ấy, phải nhằn kỹ trong miệng hàng tiếng đồng hồ mới xong một miếng bé bằng ngón tay - vậy mà lại có sức hút lạ kỳ với lũ trẻ quê chúng tôi. Nhai mãi cũng thấy ngọt. Nhai đến lúc mỏi cả hàm thì thôi.
Phần vì ngày ấy làm gì có pizza, có kẹo bánh ăn vặt đủ kiểu như bây giờ. Mà phần nữa, nó chứa đựng cả mồ hôi mẹ cha, tấm lòng ông bà, là món quà chắt chiu ngọt ngào nhất mà ruộng đồng ban tặng cho chúng tôi - những con người bám vào đá sỏi khô cằn để sống.
Đông về, dưới những nếp nhà tranh hươm mùi khói bếp, bên ánh đèn hiu hắt, mấy miếng khoai deo cũng đủ làm ấm lòng con trẻ qua mùa giá rét. Thức quà quê nghèo ấy đã nuôi lớn biết bao thế hệ thanh niên chúng tôi, trưởng thành rồi xa quê lập nghiệp.
Bao nhiêu năm, gặp lại miếng khoai deo giữa lòng Hà Nội như thấy vòng tay mẹ, thấy nụ cười của bà và cả một trời ký ức rất gần mà cũng đã rất xa...
Ngoảnh đi ngoảnh lại, bố mẹ tôi đã thất thập từ bao giờ. Còn bao nhiêu cơ hội để tôi kịp trở về căn nhà yêu thương ấy, nơi luôn có đôi vòng tay gầy guộc đón chào? Có nhiều tiền hay nổi tiếng đến đâu, tôi cũng không cảm thấy hạnh phúc viên mãn bằng việc làm con trai của bố mẹ, được tự tay xới bát cơm thơm đưa bố mẹ thưởng thức dưới mái nhà bình yên.
Dù là bây giờ hay nhiều năm về sau đi nữa, nếu chỉ có vẻn vẹn 48 tiếng để vượt nghìn dặm xa xôi đổi lấy khoảnh khắc vô giá bên mâm cơm nhà, tôi vẫn luôn sẵn sàng đánh đổi, bởi không gì đáng giá bằng 2 tiếng "gia đình" !