Mọi thứ đồng loạt tăng lên, chỉ có tiền lương vẫn "dậm chân tại chỗ" nên không khó để nhận ra bão giá đang ảnh hưởng đến mọi người thế nào. Đương nhiên dân văn phòng cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi tiền xăng tăng, phí ship đồ cũng tăng, lạm phát bữa trưa,...
Nhưng ngược lại cũng không ít người trong khối công sở vẫn bình tĩnh giữa cơn bão giá , duy trì nhịp độ sáng lái xe đi - tối lái xe về. Phải nhấn mạnh xe ở đây là ô tô, không phải xe máy như phần đông mọi người.
Và để tìm hiểu về câu chuyện dân văn phòng đi làm bằng ô tô giữa mùa bão giá, không gì chân thực hơn chia sẻ của người trong cuộc. Dưới đây là những "lời gan ruột" từ 3 người làm văn phòng và đang sử dụng ô tô đi làm mỗi ngày.
T. - 32 tuổi, làm việc ở công ty truyền thông tại TP.HCM.
H. - 29 tuổi, làm việc tại Hà Nội.
Ngọc Linh - 23 tuổi, sale BĐS tại Hà Nội.
Dân văn phòng đi làm bằng ô tô - tại sao không?
Có một sự thật không thể phủ nhận rằng nếu chỉ có lương cứng ở văn phòng, không có nguồn thu nào khác thì mua ô tô để đi làm gần như không khả thi. Ngoài ra ở thời điểm dịch bệnh vừa qua - bão giá ập đến như hiện tại, tiết kiệm thực sự là quốc sách nên chuyện mua/ dùng ô tô với nhiều người càng được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bản thân T. cũng phải đối mặt với những vấn đề này nhưng anh lại suy nghĩ khác khi quyết định mua ô tô: "Cùng một vấn đề, nếu với người khác là nỗi sợ thì với mình sẽ là động lực/ mục tiêu. Vì vậy, để mua được ô tô, mình đã hoạch định lại về tài chính, mục tiêu sở hữu và chi phí nuôi ô tô hàng tháng.
Ví dụ muốn mua 1 chiếc xe giá 700 triệu và chi phí 'nuôi' xe 10 triệu/ tháng thì mức lương văn phòng hiện tại của mình còn thiếu bao nhiêu. Từ đó mình lên 1 kế hoạch xem số tiền cần phải có thêm là bao nhiêu, có thể làm thêm những công việc gì ngoài giờ. Đó là chìa khoá giúp có thêm thu nhập và tạo thêm các nguồn thu số 2,3,4,...".
Tuy nhiên anh cũng nhấn mạnh rằng với bất kỳ ai, điều quan trọng khi muốn mua ô tô là phải quản lý tài chính thật tốt: "Mỗi tháng cần review lại xem mình còn cách mục tiêu bao xa, tiến độ đi đã ổn chưa, quá nhanh hay vẫn còn chậm,... và có những điều chỉnh phù hợp".
Trong khi đó H. lại tập trung vào mục đích sử dụng khi mua ô tô. Ngoài việc đi làm, xe ô tô còn cần thiết trong chuyện về quê: "Thật ra bây giờ dân nào cũng có thể mua ô tô chứ không riêng gì dân văn phòng nên không có gì gọi là 'oách' hay 'thể hiện' ở đây. Ngoài yếu tố công việc, mọi người còn có thể mua xe vì thường di chuyển xa chẳng hạn.
Mình làm ở Hà Nội nhưng vợ con vẫn ở Phú Thọ, cách nhau 70km mà hầu như tuần nào mình cũng về thăm vợ con nên khi có đủ kinh tế để mua và 'nuôi' xe mình đã chọn mua xe thay vì mua nhà".
Về phía Ngọc Linh, sau 2 năm ra trường và đi làm, cô thấy dân văn phòng vẫn sở hữu xe và đủ khả năng chi trả chi phí hàng tháng. "Ở công ty cũ mình, có chị A lương hàng tháng khoảng 9 - 10 triệu/ tháng công việc chính.
Ngoài ra chị ấy còn đầu tư chứng khoán và BĐS, việc mua xe và chi trả các khoản chi phí hàng tháng là hoàn toàn có thể. Bởi vậy, tuỳ vào mức thu nhập của mỗi người, kể cả dân văn phòng hay kinh doanh đều có thể sở hữu một chiếc ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại" - Linh cho biết.
Gửi xe cách văn phòng 800m để "né" đồng nghiệp
Đi xe ô tô trong khi nhiều đồng nghiệp, thậm chí là sếp vẫn đi xe máy cũng là một tình huống khó xử với nhiều người.
Ngoài ra T. cũng cho biết những người ở cùng level với mình đều có xe ô tô. Tuy nhiên mỗi người lại sinh hoạt và sắp xếp công việc khác nhau, vẫn có người lựa chọn book xe công nghệ hoặc đi xe máy đi làm. Vì vậy T. luôn gửi xe cách công ty 800m sau đó đi bộ trở lại để mọi người không có cảm giác ngại hay có ánh mắt hoài nghi vào mình.
Ngọc Linh cũng từng lăn tăn về chuyện sếp hiện vẫn đi xe máy nhưng cô không có ý định giấu sếp hay đồng nghiệp. "Thực ra thời gian đầu mình khá ngại, mua xe được 1 tháng rồi mình mới đăng lên Facebook và lúc đó mọi người mới biết mình đã mua xe.
Về sau nghĩ rộng ra, việc đi ô tô đó chính là minh chứng cho thành quả và kết quả của mình sau quá trình nỗ lực làm việc. Đó có thể sẽ là động lực và tạo cảm hứng để cho mọi người xung quanh mình cố gắng và phát triển hơn nữa. Bởi vậy, mình hoàn toàn tự hào về điều này".
H. lại không để ý đến việc sếp và đồng nghiệp đi ô tô hay không vì: "Có thể nhà sếp ngay gần cơ quan, sếp không có nhu cầu dùng đến ô tô nên không mua. Hơn nữa việc đi ô tô là chuyện rất bình thường, ai có nhu cầu thì dùng. Mình không khoe và cũng không ngại giấu đồng nghiệp về chuyện mình có xe hay không".
Đi làm bằng ô tô có cả sướng lẫn khổ
Đi làm bằng ô tô đương nhiên sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với các phương tiện khác như bảo vệ bản thân và sức khỏe trước nắng mưa, giữ cho tinh thần tích cực,... Tuy nhiên không phải cứ đi ô tô là sướng mà ai cũng có những "nỗi niềm" riêng.
"Khi phải lái 1 "cục sắt" lớn tức là rủi với những người xung quanh cao. Mình ý thức được việc đó nên khi ngồi trong xe luôn ưu tiên sự tập trung cao độ. Ngoài ra chỗ đỗ xe cũng là điều bất tiện khi đi đến bất kỳ địa điểm nào, bạn cũng cần phải tìm chỗ đậu ô tô đầu tiên.
Còn nhược điểm mà mọi người hay nghĩ tới nhất là kẹt xe. Sau 7 năm tự lái xe đi làm thì điều này không phiền toái lắm với mình. Mình vẫn có thể thưởng thức những bài hát mình thích và đợi sự ùn tắc đó qua đi. Nói chung theo góc nhìn tích cực hay tiêu cực của từng người" - T. tâm sự.
H. lại gặp những vấn đề với những cơn mưa lớn ở Hà Nội gần đây: "Xe của mình gầm thấp nên việc di chuyển qua các điểm ngập như khu Kaengnam (có hôm ngập đến 80cm) là chuyện không thể. Nếu đi vào những chỗ ngập xe sẽ bị hư hỏng, dẫn đến ảnh hưởng đến kinh tế". Nhưng cũng không thể phủ nhận sự thuận tiện của việc đi ô tô với H. như đưa đón cả nhà 4 người, chủ động trong công việc khi cần đi công tác,...
Với đặc thù công việc sale BĐS, ngoài việc lên văn phòng, Ngọc Linh còn phải di chuyển rất nhiều như đi gặp khách hàng, đi khảo sát dự án,... nên có một chiếc ô tô cũng rất thuận tiện, nhất là thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện tại.
Không những thế, việc sử dụng ô tô còn giúp cô tạo ấn tượng và dấu ấn cá nhân khi gặp khách hàng, hỗ trợ để có được nhiều hợp đồng hơn: "Có hôm mình đi gặp khách hàng ở ngoại thành, sau khi bàn bạc xong hợp đồng, mình đã chở khách về nhà. Trên xe mình vẫn có thể trò chuyện một cách thoải mái để tạo mối quan hệ tốt hơn và nhận được sự đánh giá cao về tác phong và sự nhiệt tình từ khách hàng".
Người vẫn năng đi ô tô, người phải thay đổi "chiến lược" vì xăng tăng
Nhưng sự đau đầu nhất của hội những người đi ô tô đi làm phải kể đến tiền xăng, nhất là ở thời điểm giá xăng tăng cao như hiện tại. Có người vẫn duy trì việc đi ô tô đi làm vì vẫn đủ khả năng chi trả nhưng cũng có người phải thay đổi "chiến lược", chuyển sang đi xe máy ở quãng đường ngắn.
T. đưa ra bài toán so sánh: "Ngày trước mình sẽ bơm 500k/tuần. Đó là cách mình quản trị chi tiêu cho từng hạng mục. Bây giờ xăng tăng cao nên mình hết 700k/tuần, tương đương 100k/ngày, thêm tiền gửi xe chỗ làm việc 90k/ngày thì mỗi ngày mình sẽ tốn khoảng 190k/ngày cho tiền di chuyển. Con số này vẫn tiết kiệm hơn khi di chuyển bằng taxi hay xe công nghệ".
Cũng là những con số về giá xăng, H. cho biết trước đây anh đi 100k hết 6l xăng nhưng bây giờ xăng tăng, từ khoảng 20k lên 30k/l thì tốn kém hơn là chuyện rõ ràng. Vì vậy mà H. lựa chọn đi xe máy cho quãng đường dưới 20km còn đi ô tô khi cần di chuyển từ 20km trở lên.
Với Ngọc Linh, xăng tăng khiến cho khoản chi phí chi trả hàng tháng vào xe ô tô nhiều hơn. Tính trung bình cô chi khoảng 1,8 triệu - 2,5 triệu/ tháng cho tiền xăng nhưng con số này vẫn nằm trong khả năng chi trả nên Linh vẫn tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra cả 3 người cùng nhấn mạnh rằng bất cứ ai trước khi mua ô tô cũng nên lưu ý và tính toán trước một số khoản như: chỗ đỗ xe, bảo dưỡng định kì, bảo hiểm, chi phí đăng kiểm,... Bởi lẽ những khoản này đều phải chi định kỳ và tốn không hề nhỏ.