Ở nơi làm việc, người thành công nhất định có đạo lý thành công và phương pháp nỗ lực của riêng mình; kẻ thất bại tất nhiên cũng có điểm dừng tạm thời và phương hướng nỗ lực sai lầm.
Với 10 năm kinh nghiệm săn đầu người và 4 năm kinh nghiệm tư vấn nghề nghiệp, tôi đã tổng kết ra 11 sai lầm cản trở phát triển cá nhân và phát triển nghề nghiệp tổng thể của mọi người, hi vọng sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn.
1. Thiếu hệ thống kiến thức, dẫn tới: người khác nói gì bạn cũng cho là đúng, hoặc là người khác nói gì cũng sai.
Hai tư duy cực đoan này đều là do bạn thiếu kiến thức, dẫn tới việc không có cho mình một mô thức tư duy độc lập
Khi gặp vấn đề, rất nhiều người sẽ khuyên bạn rằng "nghĩ đi, đừng có làm những điều ngu ngốc". Nhưng bạn chưa từng phải nghĩ qua về vấn đề này, "nghĩ đi" rốt cuộc là phải nghĩ như nào? Có thể bạn sẽ không thể có câu trả lời.
Cái gọi là "nghĩ đi" chính là việc bạn dùng hệ thống kiến thức của mình để suy nghĩ về vấn đề nào đó.
Nghĩ là tư duy, nhưng bạn lại không có một lượng hệ thống kiến thức phong phú, vậy thì bạn tư duy kiểu gì? Rồi lấy đâu ra được những tư duy sâu sắc?
2. Không biết từ chối người khác, không biết bảo vệ bản thân, chỉ biết cả nể rồi tự làm hại mình
Ở nơi làm việc, bạn càng lành, càng không biết từ chối, người khác sẽ ngày càng trở nên quá đáng, được đà.
Khi bạn dám từ chối người khác, bạn mới không phải chịu ấm ức, mới có thể tự điều khiển được cuộc sống của mình, mới khiến mình sống có tôn nghiêm hơn, người khác mới không dám ăn hiếp bạn.
Thực ra, bạn à, từ chối người khác không khó, kết quả thực ra cũng không nghiêm trọng như bạn tưởng tượng. Vì vậy, hãy dám từ chối những yêu cầu hoặc thỉnh cầu không hợp lý tới từ phía người khác.
Những người vốn dĩ luôn lấy cái gọi là đạo đức, tốt bụng ra để ràng buộc bạn, dần dần tự nhiên sẽ từ bỏ mục tiêu là bạn.
3. Không biết kiểm soát cảm xúc, chỉ giỏi phát tiết, thiếu sự lắng nghe, cuối cùng bị cô lập
Cảm xúc có thể là trở ngại lớn nhất trên con đường giao lưu và mở rộng quan hệ của rất nhiều người.
Có một điều cần phải được hiểu, đó là: không ai muốn trở thành chum trút giận cho người khác, cũng chẳng ai muốn giao tiếp với những người suốt ngày cáu bẳn, không thân thiện.
Vì vậy, học cách điều chỉnh cảm xúc của mình là một điều vô cùng quan trọng. Đừng để sự cục cằn cản trở con đường giao tiếp và mở rộng tương lai của bạn.
4. Tư tưởng sai lầm: chỉ cần chăm chỉ là ông chủ sẽ nhìn thấy, là mình sẽ được tăng lương
Đây là sai lầm phổ biến của rất nhiều người.
Trên thực tế thì, nhiều khi, ông chủ của bạn đều đang đeo "kính đọc gần", họ không nhìn được xa, họ cũng có công việc cần hoàn thành, không có thời gian để quan sát nhất cử nhất động của mỗi một nhân viên, cũng chẳng có thời gian mà ngồi đó soi mói xem ai lười biếng ai chăm chỉ.
Nếu bạn không chủ động thể hiện mình, đừng phàn nàn rằng vì sao cơ hội đều bị các đồng nghiệp khác lấy mất. Cơ hội chẳng ai cướp được của bạn cả, quan trọng là bạn có chủ động nắm lấy nó hay không mà thôi.
5. Quá khiêm tốn là trở ngại lớn nhất nơi làm việc
"Tôi không được đâu", "Tôi không biết" … những câu nói này nếu dùng thường xuyên sẽ khiến bạn tự phủ nhận chính mình, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới phát triển sự nghiệp.
Khi bạn không thể thoát ra được khỏi tiềm thức khiêm tốn quá đáng này, bạn làm sao có thể lấy được nhiều dự án, nhiều tài nguyên có giá trị hơn?
Khi bạn khiêm tốn, ông chủ đã sớm nhận định rằng năng lực của bạn không đủ, ít nhất thì họ cũng chắc chắc được rằng bạn thiếu đi trách nhiệm và dũng khí.
Chỉ dựa vào hai điểm này thôi, đã đủ để lãnh đạo xếp bạn vào một góc công việc nào đó không quan trọng trong tương lai rồi. Ở nơi làm việc, làm người thì cần khiêm tốn, nhưng làm việc thì nhất định phải chủ động.
6. Có thói quen phủ định chính sách hoặc chế độ mới của công ty
Một vài người ở nơi làm việc, cứ hễ nghe thấy công ty điều chỉnh chính sách là lại nghĩ họ nhắm vào mình, không ngừng phàn nàn, đồng thời còn cản trở chính sách được thực thi. Đây là tư duy chống đối điển hình.
Trong mắt lãnh đạo, nếu gặp phải những nhân viên như này, họ tuyệt đối sẽ không mềm lòng mà sẽ loại trừ ngay lập tức.
Là một nhân viên, bạn cần sử dụng tư duy chính xác để xem xét các quy tắc và quy định của công ty, đồng thời cũng hãy hiểu rằng hệ thống mới được đặt ra chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là để nhân viên phát triển tốt hơn.
7. Hiểu biết hạn chế, nhưng lại thích đem nhận thức giới hạn đi đánh giá cái gì đó
Vài ngày trước, một anh bạn là ông chủ của một công ty khởi nghiệp nói với tôi rằng, đợt vừa rồi, anh ấy có phỏng vấn một người trẻ sinh năm 98.
Lúc phỏng vấn, cậu thanh niên này trước là trần thuật ra một loạt những vấn đề còn tồn tại của công ty, rồi sau đó nói với ông chủ rằng, nếu không nghe theo những gợi ý của cậu, cậu ấy sẽ không xem xét cơ hôi này…
Nghe xong, anh bạn tôi ngay lập tức cho kết thúc buổi phỏng vấn và mời cậu thanh niên ra về.
Tôi cho rằng, ở nơi làm việc, tuyệt đối đừng bao giờ dùng tầm nhận thức hạn hẹp của mình ra để đánh giá hay bình luận về bất cứ điều gì khi bạn chưa là một thực thể gắn bó với nó.
8. Có thói quen bù đắp cho khuyết điểm mà không tập trung vào thế mạnh của mình
Cá nhân tôi cũng từng mắc phải sai lầm này. Có giai đoạn, trông thấy ai ai trên trang cá nhân cũng khoe mình đọc sách này sách kia, bản thân cũng không muốn lạc hậu mà đi mua vài quyển về đọc.
Sau khi đọc xong 2 quyển, tôi phát hiện ra những cuốn sách đó hoàn toàn chẳng liên quan hay giúp ích gì cho kế hoạch phát triển của mình.
Lúc đó tôi nhận ra rằng, tôi đã để người khác ảnh hưởng quá nhiều tới mình, không chú tâm vào điểm mạnh, vào cái thực sự có ích với mình, mà chỉ biết chạy theo người khác đâm đầu vào bổ sung cho khuyết điểm…
9. Muốn thành danh sớm, luôn tìm đường tắt để đi
Vội vã, bốc đồng đã trở thành trạng thái bình thường của hầu hết mọi người.
Vội vã tới mức không muốn học hành, nóng vội tới mức không thể suy nghĩ chu toàn, chỉ duy nhất không quên một điều đó là tìm đường tắt để đến thành công cho nhanh.
"Đạo đức kinh" có nói: "Đại đạo thậm di, nhi dân hảo kính", đại lộ thì rộng rãi, nhưng con người ta lại cứ thích mở đường khác để đi, và đường đó có tên là đường tắt.
10. Không biết định vị bản thân, lại càng không hiểu thế nào là "quan hệ có tốt tới mấy, cũng phải có chừng mực"
Phần lớn các cuộc cạnh tranh tại nơi làm việc đều bắt nguồn từ việc: hầu hết mọi người không tự định vị được bản thân, dẫn đến việc bị người khác lợi dụng hoặc tìm cách hất đổ.
Thậm chí, có nhiều người nghĩ rằng mình có mối quan hệ tốt với người khác, mà quên mất đi cái gọi là chừng mực, còn thiếu mỗi nước là đi bắc loa nói to cho cả thiên hạ biết.
Mãi đến khi chịu đả kích rồi thì mới nhận ra rằng trong giao tiếp hay quan hệ với bất kỳ ai, cũng đều cần có một ranh giới. Bài học ở đây là dù mối quan hệ ở nơi làm việc tốt đến đâu, cũng hãy biết chừng mực.
11. Luôn cho rằng thành công của người khác là có thể copy, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại
Thành công không có đường tắt, cũng không thể được sao chép.
Đừng bao giờ chỉ chăm chăm nghĩ cách làm sao để sao chép lại thành công của người khác, phương pháp đúng đắn là tìm kiếm sự khác biệt, sự khan hiếm, và bạn, rồi cũng sẽ đáng tiền y như vậy.
Tại nơi làm việc, 11 kiểu suy nghĩ sai lầm này có thể ảnh hưởng đến thành tích cá nhân, sự phát triển nghề nghiệp của bạn, và thậm chí ảnh hưởng đến cả hạnh phúc trong cuộc sống, vì vậy hãy đọc, ngẫm và nếu thấy mình cần thay đổi điều gì, hãy bắt đầu thay đổi ngay từ hôm nay.