Nguyễn Hoàng Việt (SN 1994) đang là sinh viên năm cuối của đại học Thủy Lợi. Bắt đầu từ những chuyến đi xa trên chiếc xe yêu thích, Việt đam mê hành trình khám phá bản thân qua những hành trình đi đây đi đó.
Chỉ trong vòng 4 năm, chàng trai trẻ này đã đặt chân qua hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam. Từ cực Bắc đến cực Nam đất nước, từ Y Tí (Sapa, Lai Châu) đến Mũi Dinh (Ninh Thuận); mảnh đất nào cũng để lại trong Hoàng Việt những ấn tượng sâu sắc.
"Nhiều người đang làm biến tướng tên gọi Phượt thủ"
Khi gọi Việt là phượt thủ kỳ cựu, anh chàng có chút ngần ngại: "Cái danh ‘phượt thủ’ nghe sao sao ấy. Mình muốn được gọi là người ưa thích du lịch trải nghiệm hoặc người hay đi bụi thì hơn."
Khi gặng hỏi lí do, Hoàng Việt chia sẻ: "Bây giờ, mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm với ‘phượt thủ’ bởi vì có nhiều người đang làm biến tướng danh xưng đó.
Nhắc đến ‘phượt thủ", người ta sẽ nghĩ ngay đến những người vô ý thức, vô trách nhiệm với bản thân cũng như xã hội: đi thì xả rác, gây ồn ảo, phá hại môi trường và tải sản công cộng…
Là một người đi vì đam mê, mình không muốn ‘đánh đồng’ bản thân với những bạn trẻ đi chỉ để ‘gắn mác’ phượt thủ cho cá tính, cho "oai."
Nguyễn Hoàng Việt đã từng đặt chân qua tất cả các tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Việt búc xúc nhớ lại những lần cậu và bạn bè bị người dân địa phương ghét bỏ, thậm chí là ‘hắt hủi" do hậu quả của những phượt thủ gắn mác kia để lại. "Trong chuyến đi Mộc Châu 2 năm trước, bọn mình có cắm trại gần bản và bị người dân địa phương đuổi đi vì họ ám ảnh số lượng rác thải mà những đoàn phượt đi trước xả ra.
Dù đã cố giải thích nhưng người dân địa phương vẫn không lay chuyển, điều đó khiến mình vừa khó chịu vừa cảm thấy bất lực vì mình hiểu không phải tự nhiên mà họ gay gắt với chúng mình như thế."
Những câu chuyện chưa kể về đời sống phượt thủ
Hoàng Việt có sở thích đi một mình để trải nghiệm và tìm tòi thế giới bên ngoài. Với chàng trai 23 tuổi, đó là cách để cậu ‘giữ gìn’ cảm xúc của bản thân.
Nhưng điều đó đòi hỏi không ít kĩ năng, kinh nghiệm thậm chí "máu liều" bởi chẳng ai đoán trước được những rủi ro tiềm tàng trên những cung đường khám phá.
Việt từng đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro trên cung đường phượt
"Nhớ có lần, khi di chuyển từ Đà Lạt về thành phố Phan Rang mình có đi qua đèo Ngoạn Mục. Đèo ở đây không dốc đứng và ngắn như ở Tây Bắc mà thoải hơn, vì thế tốc độ khi đi xuống dốc cao hơn.
Do không để ý đến địa hình nên mình lỡ lên cua hơi rộng và gặp ngay một xe tải phi đến. Tránh không kịp nên xe mình lao thẳng vào lan can, may mà mình chỉ bị thương nhẹ." Hoàng Việt rùng mình khi nhớ lại khoảnh khắc nguy hiểm mà cậu phải đối mặt.
Bên cạnh đó, vấn đề nhạy cảm như ‘gạ tình’ cũng là điều Hoàng Việt lưu ý khi đi phượt. Cậu cho rằng, báo chí truyền thông thường chỉ đề cập đến những trường hợp các bạn nữ bị gạ gẫm mà quên mất rằng những chàng trai cũng là những "miếng mồi" cho những người có ý định xấu.
"Bạn bè mình đã từng gặp những trường hợp các bạn nữ lấy danh nghĩa đăng kiếm‘xế’ đi chơi nhưng thực ra là tìm bạn tình hay những cô gái lợi dụng 'xế' để được ăn chơi miễn phí rồi gợi ý trả tiền ăn chơi bằng tình một đêm."
Những chàng trai cũng có thể trở thành đối tượng bị lợi dụng khi đi phượt
"Đừng đi vì phong trào mà hãy đi vì đam mê"
Đối với Hoàng Việt, mỗi chuyến đi đều lấp lánh niềm đam mê và hạnh phúc: học được cách lắng nghe bản thân mình, biết yêu thương và đồng cảm hơn… Việt đi vì sự yêu thích khám phá, say mê tìm tòi cuộc sống.
"Mình không biết mục đích của những bạn trẻ theo phong trào đi nhanh, 20 tiếng hay 40 tiếng là gì nhưng mình thấy đi theo kiểu ấy rất nguy hiểm. ‘
Đi nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn’ là câu nói mình rất thích và cũng là kim chỉ nam của mình. Thay vì so đo xem ai đi mất ít thời gian hơn, ít lệ phí hơn, nhiều mạo hiểm hơn… thì mình nghĩ tốt nhất nên đi vì đam mê của bản thân.
Chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, bảo dưỡng xe cộ, mua đồ bảo hộ, nghiên cứu thời tiết nơi đến, điểm dừng chân, tiền bạc để có được một chuyến đi ý nghĩa và lành mạnh; nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải biết mình thực sự muốn đi đâu và đi để làm gì."
Điều quan trọng nhất là bạn phải biết mình thực sự muốn đi đâu và đi để làm gì.