Hai vợ chồng cùng mắc bệnh
Ông V.Q.V (49 tuổi( và vợ Đ.T.L (47 tuổi) cùng đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 6/2019. Khi đi khám, cả hai vợ chồng ông V không có biểu hiện bệnh nào. Kết quả siêu âm có u tuyến giáp và bác sĩ tiến hành chọc hút tế bào thì phát hiện cả hai đều mắc ung thư tuyến giáp thể nhú.
Ông V đã được phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ ngày 15/7/2019, không phát hiện hạch nhóm VI khi phẫu thuật. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ thùy phải tuyến giáp là ung tuyến giáp thể nhú xâm lấn cơ quanh giáp. Phía bên thùy trái tuyến giáp của bệnh nhân mô tuyến giáp bình thường, giai đoạn I.
Đến 12/8/2019, bệnh nhân được nhập viện tại trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để xét điều trị iot phóng xạ 131.
Bà L (vợ của ông V) được phẫu thuật sau ông 1 ngày. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và nạo vét hạch nhóm VI. Giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô thể nhú, nhân 0.2cm, u còn khu trú trong vỏ; thùy trái: đa u tuyến thể nang. Các hạch viêm mạn tính, giai đoạn I. Hiện bà L cũng đang điều trị phóng xạ 131.
Bệnh đang gia tăng
Theo GS Mai Trọng Khoa tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú ở Việt Nam đã tăng lên, trở thành 1 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Theo thống kê của GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam trong năm này có tới 5.418 bệnh nhân ung thư tuyến giáp mới được phát hiện, tỷ lệ mắc được chuẩn hóa theo tuổi là 1.6/100.000 người ở nam và 7.8/100.000 người ở nữ.
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nhú, thể nang…) nói chung có tiên lượng tốt trong phần lớn trường hợp khi điều trị với phức hợp: phẫu thuật, điều trị iot phóng xạ 131 và hormon tuyến giáp.
Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (trong đó có ung thư tuyến giáp thể nhú) trở nên kháng với điều trị bằng iot 131. Trên thực tế, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%.
Ung thư tuyến giáp có thể tự phát hiện và kiểm tra.
Trong hai vợ chồng bệnh nhân V người chồng có đột biến gen BRAF. Ông V phát hiện muộn hơn vợ mình.
GS Khoa cho biết, ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm, chỉ được phát hiện qua siêu âm tuyến giáp trong những đợt khám sức khỏe định kỳ. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể xuất thấy hiện khối u vùng cổ, khó nuốt, đau vùng trước cổ đôi khi lan đến tai, khàn giọng hoặc mất tiếng, ho kéo dài hoặc khó thở.
Các triệu chứng trên dễ bị nhầm với các bệnh khác như viêm thanh quản, viêm phổi, ung thư phổi... Vì thế ngay khi khởi phát, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khám ngay để phát hiện bệnh nếu có.
Với ung thư tuyến giáp, GS Khoa cho rằng hiện nay các kỹ thuật chẩn đoán ung thư tuyến giáp không quá phức tạp. Hai vợ chồng ông V phát hiện ung thư nhờ khám sức khỏe định kỳ mà đã phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (đều ở giai đoạn I) khi đó việc điều trị sẽ thuận lợi hơn về nhiều mặt.
Ngoài ra, người dân có thể tự kiểm tra ung thư tuyến giáp bằng cách soi trước gương.
Bước 1: Bạn đứng ở trước một gương to và nhìn thẳng phần trên cơ thể và chú trọng nhất vào vùng cổ khu vực ngay dưới yết hầu của nam giới.
Bước 2: Hơi ngẩng đầu lên ngửa đầu ra phía sau và nhìn vào tuyến giáp. Có thể lúc này đối với một số người khối u chưa to ra nên không có dấu hiệu gì khác lạ.
Bước 3: Lấy một cốc nước và từ từ uống cốc nước đó. Trong quá trình uống bạn quan sát phát hiện xem có nào bất thường như phình ra hay lõm vào. Nếu có bạn có thể nhận định rằng ở tuyến giáp xuất hiện khối u.
Các dấu hiệu và triệu chứng trên khiến bạn lo lắng, bạn nên đi tới các cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.