Đã 20 năm kể từ khi tôi tốt nghiệp cấp 3, giữa bộn bề công việc và gia đình hàng ngày, thỉnh thoảng nhìn lại những năm tháng ấy, tôi vẫn cảm thấy có một cảm giác hạnh phúc mãnh liệt.
Có người nói rằng, thời gian có thể làm phai nhòa đi mọi thứ, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Hầu hết tên của những người bạn học ngày ấy vẫn còn in sâu trong trí nhớ của tôi. Thậm chí, càng sống ở thời đại khốc liệt như bây giờ càng khiến tôi thèm thuồng về ngày xưa.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, do nhà nghèo nên tôi không được đi học đại học. Bố mẹ giao cho tôi một mảnh vườn để tôi tùy ý khởi nghiệp. Qua nhiều ngày nghiên cứu, tôi bắt tay vào gây dựng cơ đồ của mình, đó là hệ thống vườn ao chuồng, vừa trồng hoa, cây ăn quả, lại đào ao thả cá, nuôi vịt. Tất nhiên, để có tiền cho tôi hiện thực hóa giấc mơ, bố mẹ đã phải đi vay mượn nhiều nơi và thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng.
May mắn ông trời cũng thương kẻ bần hàn, nhiều vụ mùa trôi qua tôi đều đạt được thu hoạch khá. Tuy phải trích ra nhiều phần để trả nợ nhưng tôi cũng bắt đầu có tích lũy mỗi năm khoảng hơn 100 triệu đồng.
Vài năm sau tôi lấy vợ, sinh con đẻ cái, nuôi chúng ăn học nên người. Khi tuổi tác đã đến trung niên, tôi bắt đầu nhớ về những ngày còn đi học. May mắn sao, thứ ba tuần trước, một người bạn cùng lớp hiện đang điều hành một công ty ở Nam Kinh về nhà thăm mẹ anh ấy nên đã nhân tiện kêu gọi cả lớp họp mặt.
Thấy vậy, tôi rất vui mừng và đồng ý ngay. Suy cho cùng, lòng tôi vốn đang háo hức và cảm thấy nhớ mọi người.
Đúng thứ 7, tôi đến nhà hàng như đã hẹn. Tôi khá bất ngờ vì có tới 47 bạn tham gia, con số đông hơn mức tưởng tượng rất nhiều. Các bạn của tôi hầu hết không còn giữ được dáng vẻ như xưa, có người đã tăng cân, có người tóc đã bạc, da mặt đã xuất hiện nếp nhăn và đôi mắt đã không còn trong sáng.
Đầu tiên chúng tôi đợi ở cửa khách sạn, tôi thấy hơn 90% bạn bè đến bằng ô tô và hơn 80% đều làm việc trong thành phố.
Khi ngồi vào bàn ăn, tôi mới hiểu rõ bạn bè của mình không chỉ thay đổi về vẻ bề ngoài mà còn khác lạ cả tâm tính bên trong.
Các bạn nữ chỉ lo chăm chút sắc đẹp, khoe đã từng nâng ngực, sửa cằm, phẫu thuật thẩm mỹ. Họ cũng không quên soi mói gia cảnh của nhau xem ai được chồng chiều hơn, con học giỏi hơn và có nhiều hàng hiệu hơn.
Các bạn nam chẳng kém cạnh, họ tranh nhau khoe khoang đang làm chức vụ gì, đi xe hãng nào, mỗi năm đi du lịch bao nhiêu quốc gia,....Đặc biệt, trong mỗi lời nói, họ không quên ném sang phía những người nông thôn như tôi ánh nhìn khinh bỉ và nụ cười bỡn cợt.
Đến 12h trưa, khi bữa tiệc đã tan, lớp trưởng liền nói hôm nay thu mỗi người 200 tệ (khoảng 700 nghìn đồng) để thanh toán tiền ăn uống và chụp ảnh. Không ngờ, một người bạn lái xe sang liền mạnh dạn đứng lên nói: "Hôm nay có 5 bàn, tôi xin bao toàn bộ bàn của các bạn ở quê để không ai phải lăn tăn về vấn đề tài chính nữa. Chúng ta đều được vui vẻ một hôm".
Nghe đến đây, trong lòng tôi có một cảm giác khó tả và tôi nhìn các bạn ngồi cùng bàn với mình cũng chẳng hề vui chút nào.
Sau đó, tôi liền đứng dậy rút 200 tệ ra đặt lên bàn và nói: "Tuy tôi ở nông thôn nhưng quê mình đã chẳng còn nghèo như xưa. Các cậu xa quê đã lâu nên chẳng biết bây giờ xóm làng nhà cửa đã khang trang, đường xá sạch đẹp thẳng tắp. Chẳng phải các cậu đang ngồi ăn tại một nhà hàng sang trọng xây dựng trên quê mình đó sao.
Thu nhập của các cậu nhiều ra sao mình chẳng rõ, nhưng mình có đủ tiền để tự trả cho bản thân. Cảm ơn lòng tốt của các cậu".
Nói xong, tôi đứng dậy ra về. Đúng là thời thế đã thay đổi, vạn vật đã thay đổi, sự khác biệt rõ ràng về hoàn cảnh gia đình, sự nghiệp, kinh tế đã tạo nên một rào cản giữa bạn bè với nhau. Tôi không bao giờ ngờ rằng một cảnh tượng hợm hĩnh như vậy lại xảy ra ở lớp tôi. Bữa tiệc này bỗng chốc biến thành một "hội chợ phù hoa" trá hình, khiến tôi vô cùng thất vọng.
Hôm sau, tôi đã rút khỏi nhóm chat của lớp sau một tuần tham gia. Tôi nghĩ rằng sau này mình sẽ không bao giờ đi họp lớp nữa. Tôi thà ở nhà chăm lo cho gia đình của mình còn hơn.
Theo Toutiao