* Dưới đây là tâm sự của anh Vương Hiểu Hùng (Quảng Đông, Trung Quốc) trên trang Sohu.
Tôi vẫn nhớ các bạn học cũ của tôi đều là những người giản dị. Họ chẳng bao giờ tâng bốc hay xu nịnh bất cứ ai chỉ vì người đó học giỏi. Ngược lại, họ sẵn sàng chỉ ra khuyết điểm của nhau, nhưng vẫn có thể chơi với nhau rất vui vẻ. Tôi nghĩ, đây chính là tình bạn giữa những người học chung một lớp. Buồn một nỗi sau khi tốt nghiệp nhiều năm, dường như tình bạn đó không còn tồn tại nữa. Tôi nghĩ có rất nhiều người giống tôi, không hề mong đợi sự thay đổi đó.
Năm rồi tôi đứng ra kêu gọi tổ chức họp lớp, mọi người đều tỏ ra khá hào hứng. Tuy một số người bận việc không đi được nhưng quân số cuối cùng vẫn "ổn áp", có 30/46 thành viên trong lớp đăng ký tham gia. Trong số những người đến họp lớp ấy, có một vài người giờ quyền cao chức trọng, có một vài người ăn nên làm ra và cũng có một vài người vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chính vì điều này mà mọi người đến nơi tổ chức họp lớp theo những cách cũng rất khác nhau. Một số lái ô tô, một số chạy xe máy, thậm chí có cả người cuốc bộ. Thế nhưng, chính những phương tiện khác biệt ấy lại trở thành thứ để so sánh, phân biệt trong mắt một số thành phần. Trước cửa nhà hàng nơi tổ chức họp lớp, có một nhóm đứng đợi ở đó từ sớm. Họ đợi người, nhưng không phải đợi tất cả.
Nếu có người lái ô tô đến, sẽ có người tiến tới tay bắt mặt mừng, chào hỏi niềm nở. Còn những người chạy xe máy hay đi bộ, chẳng mấy ai quan tâm. Bởi lẽ, trong mắt một số kẻ thiển cận, những người có ô tô mới là những người giỏi giang và đáng để kết bạn. Thật buồn vì thời còn đi học, tư duy kiểu này không hề tồn tại. Rất thất vọng, nhưng không ai thể hiện ra ngoài.
Thế rồi đến lúc buổi họp lớp chính thức bắt đầu, nếu những thành viên thành đạt trong lớp muốn gọi thêm món, mọi người sẽ hưởng ứng rất nhiệt tình. Dù sao cũng là tiền quỹ lớp mà. Nhưng nếu để một thành viên mờ nhạt nào đó gọi món mà xem, lại chẳng mấy ai để ý đâu.
Bữa ăn bắt đầu, những người thành đạt bắt đầu quá trình khoe khoang, họ nói to nói nhiều nhưng không ai phản bác. Ngược lại, nhiều người sẽ nâng lý chúc mừng và khen ngợi họ. Một số thậm chí còn rời khỏi chỗ ngồi, cầm theo ly rượu và tới chúc rượu tận nơi. Trong suy nghĩ của một số người, chỉ cần "bắt quàng làm họ" được thì "người sang" cũng sẽ kéo họ cùng phát triển. Theo cơn say, các vị "đại gia" kia cũng khẳng khái nhận lời giúp bạn dù không biết sau khi rượu tan, liệu những lời nói đó liệu có thành lời hứa lèo. Dù sao thì chăng nữa, ở thời điểm nghe, người đi nịnh cũng sẽ vô cùng phấn khởi, chén chú chén anh không ngừng.
Chán nhất là đang đà "dạy đời", một số vị ăn nên làm ra mạnh mẽ tuyên bố ra trường bao năm đến giờ còn trầy trật chứng tỏ vô dụng, bởi thế nên làm nữa làm mãi vẫn không phất lên được. Chính vì hành vi này mà 8 người vốn đã thất vọng vì buổi họp lớp "biến chất" ngay từ đầu lựa chọn bỏ về. Họ cho rằng ở lại lâu hơn cũng chẳng có nghĩa lý gì nữa nên muốn rời đi càng sớm càng tốt. Sau khi bỏ về, 8 người này cũng rút luôn khỏi nhóm lớp và không còn liên lạc gì nữa.
Cá nhân tôi thì cho rằng dù hiện tại cuộc sống của một số người chưa được như ý, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc họ bất tài hay vô dụng. Bởi lẽ vận mệnh của mỗi người là khác nhau. Một số người phát tài sớm bởi họ may mắn. Mọi chuyện đều có cơ hội xoay chuyển, miễn là bản thân không bỏ cuộc. Đương nhiên, khi không còn tình cảm bạn bè duy trì, những buổi họp lớp sẽ chỉ còn lại sự phù phiếm và hợm hĩnh. Lựa chọn bỏ về như 8 người kia có lẽ không phải là điều gì xấu, bởi ép mình phải làm điều khiến mình không vui là không cần thiết.