Vào kỳ nghỉ Tết vừa rồi, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ người anh con của chú Tư dưới quê. Anh nói muốn đưa vợ con và mẹ lên thành phố chơi vài ngày nhân dịp lễ lớn. Vì giá thành các dịch vụ vui chơi, khách sạn, nhà nghỉ trong kỳ nghỉ khá cao nên vợ chồng anh muốn mượn căn nhà tôi đang ở 2 ngày. Thời điểm này, tôi cũng có kế hoạch đi du lịch vài hôm nên hoan hỉ đồng ý cho gia đình anh chị ghé qua.
Chiều mùng 1 Tết, sau khi ăn Tết ở quê, gia đình anh chạy xe lên thành phố. Tôi vui vẻ gửi tặng anh chìa khóa nhà và dặn dò vài chuyện nhỏ. Có lẽ vì quá vội vã chuyển đồ nên anh chị quên không nói lời cảm ơn, điều này khiến tôi có phần chạnh lòng và khó chịu. Hai đứa trẻ nhà anh khá nghịch ngợm và ương bướng, tôi e ngại chúng sẽ làm hỏng những món đồ trang trí mà tôi trưng bày trong nhà. Nghĩ một hồi, biết vợ chồng chú Tư đều là người nhẹ nhàng, sạch sẽ nên tôi có phần an tâm.
Thế nhưng, 1 tuần sau khi về nhà, tôi bàng hoàng trước cảnh tượng đang xảy ra trong chính căn hộ của mình.
Cảnh tượng kinh hoàng bên trong căn nhà
Căn nhà ngập tràn rác thải, chai lọ, vỏ bánh kẹo; Sofa, bàn ghế xộc xệch; Nồi, chảo, bát đĩa bẩn chất đầy trong bếp; Tường nhà còn chi chít những hình vẽ nguệch ngoạc. Trong căn hộ, khắp nơi đều có toàn thuốc lá. Trước khi giao chìa khóa, tôi đã dặn anh không được hút thuốc vì hệ thống thông gió không tốt sẽ khiến mùi thuốc ám lâu bên trong.
Đồ đạc cá nhân trong phòng ngủ bị vứt ra khắp sàn, tủ quần áo cũng bừa bộn như đống rác. Điều làm tôi cảm thấy bức xúc nhất chính là bức ảnh duy nhất của ba mẹ bị rơi xuống đất.
Nhìn nhà bừa bộn, tôi có chút tức giận, đè nén cơn tức giận trong lòng, tôi gọi điện cho anh họ, chuẩn bị hỏi xem chuyện gì đang xảy ra. Vợ chồng anh gửi lời cảm ơn vì đã cho họ mượn nhà trong suốt vài ngày vừa rồi.
Nghe xong, tôi lấy can đảm nói với anh rằng căn nhà bừa bộn như có trộm lẻn vào, định báo cảnh sát đến kiểm tra. Đoạn này, anh vội ngắt lời và giải thích vì quá vội về quê nên không kịp vệ sinh căn nhà. Anh họ gửi lời xin lỗi và nói gửi 100 Nhân dân tệ để tôi thuê dịch vụ dọn nhà. Vì quá bức xúc, tôi cúp điện thoại và tự bắt tay vệ sinh căn nhà của mình.
Sau hơn 4 tiếng dọn dẹp, căn nhà mới có thể trở về trạng thái ban đầu. Cứ ngỡ sau sự việc lần này, anh họ sẽ thấy hối lỗi và biết ý. Thế nhưng chưa đầy 1 tháng, anh liên lạc nói muốn ở nhà tôi vài ngày để tìm kiếm công việc ổn định trên thành phố. Nghĩ đến những gì đã xảy ra cách đây 1 tháng, tôi lập tức từ chối và nói sẽ giúp anh tìm nhà giá rẻ để thuê.
Nghe xong, anh tức tối quát mắng tôi, cho rằng nếu không có gia đình họ, tôi chẳng thể có được cuộc sống như ngày hôm nay. Anh ta nói tôi là kẻ vô ơn, bạc nghĩa.
Câu chuyện ân nghĩa năm xưa
Nghĩ lại chuyện cũ, mẹ tôi mất khi tôi đang học cấp 2 (nên tôi chỉ có duy nhất một bức ảnh của mẹ và tôi), chính bố là người đã vất vả nuôi tôi khôn lớn. Bố vừa phải chăm sóc tôi, vừa phải phụng dưỡng bà nội tuổi cao sức yếu. Thời điểm đó, gánh nặng của bố nhiều vô kể nên ông đã tìm đến thuốc lá để giải sầu.
Thời gian trôi qua, bố tôi gặp vấn đề về phổi, sức khỏe cũng không còn như xưa. Ông không thể làm những công việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi tôi và bà nội. Các chú trong nhà khuyên bố cho tôi nghỉ học để kết hôn, vì sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính trong gia đình. Bố tôi nhất quyết từ chối.
Thương bố, tôi quyết tâm học tập, ngày nào cũng thức đến 1 -2 giờ sáng để làm bài. Sau 12 năm học, tôi thành công đỗ vào một trường đại học tốt trên thành phố để khiến bố tự hào và hãnh diện.
Tuy nhiên, vì bố mất khả năng lao động nên không có đủ tiền chi trả học phí cho 4 năm đại học của tôi. Để giúp con gái thực hiện ước mơ vào đại học, bố hỏi vay tiền từng anh chị trong nhà. Đáng buồn là mọi người cho rằng việc con gái đi học là không cần thiết nên đã thẳng thừng từ chối.
Trưởng thôn đã kêu gọi dân làng quyên góp tiền cho tôi đi học. Gia đình chú Tư thấy vậy mới đóng góp 200 Nhân dân tệ vào quỹ khuyến học của thôn. Vào đại học, tôi chọn chương trình vừa học vừa làm. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, tôi lại đến làm việc bán thời gian để tích góp thêm tiền. Cuối cùng, trước khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có thể trả hết số nợ của dân làng và cả gia đình chú Tư.
Mỗi dịp Tết đến, tôi đều chuẩn bị quà để biếu gia đình chú Tư. Khi anh họ kết hôn và sinh con, hàng năm tôi đều lặng lẽ bỏ thêm vài trăm đô la vào lì xì để mừng tuổi cháu.
Sau khi đi làm, tôi có được một khoản tiết kiệm nhỏ cộng với tiền bố cho để mua một căn nhà trên thành phố. Biết chuyện, chú Tư khuyên nhủ bố không nên cho tôi mua nhà vì trước sau con gái cũng đi lấy chồng, mua một ngôi nhà cho nó là khoản đầu tư thua lỗ. Những lời nói của chú Tư khiến bố khó chịu. Ông vẫn kiên quyết mua cho tôi một căn nhà nhỏ trên thành phố để an tâm lập nghiệp.
Sau khi từ chối anh họ, tôi cúp máy. Điều khiến tôi bất ngờ là anh đem kể câu chuyện này với tất cả mọi người trong làng. Anh nói tôi là kẻ vô ơn, không muốn giúp đỡ người thân trong gia đình. Mọi người trong làng đều biết câu chuyện về gia đình tôi, cũng như hiểu tính cách của anh họ. Do đó, mọi người đều làm ngơ trước những gì anh ta nói.
Tôi đã nhiều lần nói đưa bố lên thành phố ở, nhưng vì sức khỏe yếu và yêu thích không khí thanh bình ở quê nên bố đã từ chối. Thời điểm này, tôi chưa dám chắc chắn bất cứ điều gì về tương lai nhưng những thiệt thòi mà gia đình tôi phải chịu đựng sẽ luôn là động lực để bản thân phấn đấu hơn nữa.
Theo Toutiao