Nội dung chính
- Tháo dỡ, di dời cảng Hoàng Diệu - Hải Phòng.
- Hình thành cầu, khu đô thị... sau khi di dời.
“Hải Phòng có bến Sáu Kho/Có sông Tam Bạc, có lò xi măng” là câu ca in sâu trong tâm trí, tình cảm người dân thành phố Cảng.
Bến Sáu Kho (Cảng Hoàng Diệu thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng ngày nay) được hình thành sớm nhất trong các bến cảng của Hải Phòng với tuổi đời lên tới 150 năm.
Trải qua năm tháng, Cảng Hoàng Diệu không ngừng lớn mạnh, phát triển trở thành thương cảng lớn của cả miền Bắc và cũng là nơi lưu giữ nhiều sự kiện, dấu mốc lịch sử quan trọng của thành phố, đất nước, theo Báo Hải Phòng.
Cảng Hoàng Diệu sắp được di dời để triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.
Cảng Hoàng Diệu ngày nay hình thành từ bến Ninh Hải của làng chài Cửa Cấm cách đây 150 năm về trước.
Vào năm 1874, thực dân Pháp bắt đầu xây dựng cảng Hải Phòng, nhằm biến bến thuyền làng Cấm thành quân cảng và thương cảng lớn.
Bến cảng đầu tiên người Pháp xây có cầu tàu dài 250m cùng 6 nhà kho lớn, nên người dân vẫn gọi là bến Sáu Kho.
Đến năm 1902, cầu tàu được mở rộng lên 750 m với 40.000 m2 kho và 15.000 m2 bãi lộ thiên; có đường sắt chạy vào tận bến cảng để tiếp nhận hàng hóa.
Cho tới nay, Cảng Hoàng Diệu vẫn là cảng duy nhất trên cả nước có đường sắt kết nối bến tàu. Khả năng xếp dỡ hàng hóa tăng từ 8.000 tấn/tháng hồi đầu thế kỷ 20 lên 50.000 tấn/tháng vào năm 1939.
Hiện Cảng Hoàng Diệu là cảng bách hóa hàng đầu của miền Bắc, chiếm 70-75% khối lượng xếp dỡ mặt hàng sắt, thép và máy móc, thiết bị hạng nặng phục vụ các nhà máy, xí nghiệp.
Ông Trần Lưu Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu chia sẻ: Việc di dời là chủ trương của thành phố, chúng tôi được biết từ trước. Dù có nhiều luyến tiếc nhưng cán bộ, công nhân, người lao động Cảng Hoàng Diệu đồng thuận. Việc thành phố đưa ra lộ trình từng bước thực hiện di dời giúp cảng có thêm thời gian sắp xếp lao động, tài sản, di chuyển trang thiết bị; đồng ý giữ lại nguyên trạng một số công trình trong cảng để bảo tồn… là rất cần thiết.
Phục vụ nhiệm vụ di dời, sắp xếp, Cảng Hoàng Diệu triển khai các lớp đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, từng bước điều động, bố trí lao động đến các chi nhánh trong nội bộ Cảng Hải Phòng, quy hoạch lại kho bãi phù hợp thực tế sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động nghỉ hưu trước tuổi, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy chế hỗ trợ của Cảng Hải Phòng, cũng như bám sát các chủ trương, chỉ đạo của thành phố về lộ trình thời gian di dời Cảng Hoàng Diệu.
Đất phần cảng ven sông Cấm phát triển khu đô thị
Theo quy hoạch của TP Hải Phòng, 2 cây cầu mới là Hoàng Văn Thụ và cầu Nguyễn Trãi sẽ kết nối khu Trung tâm TP cũ với Trung tâm hành chính mới Bắc sông Cấm mở ra hướng phát triển đô thị mới về phía Bắc.
Mục tiêu di dời cảng Hoàng Diệu nhằm thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch TP Hải Phòng đến năm 2025 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, về định hướng phát triển không gian đô thị, đất phần cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại.
Phạm vi di dời bến cảng Hoàng Diệu gồm 2 đơn vị trong hàng rào cảng là bến cảng Hoàng Diệu với 11 cầu cảng cùng hệ thống kho bãi, văn phòng… rộng khoảng 2.000 m2 và Nhà ga lập đoàn tàu tuyến đường sắt cùng các cơ quan đơn vị liên quan khác.
Theo quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Các bến sông Cấm không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng bến cảng Hoàng Diệu; lộ trình di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi và tiến độ xây dựng các bến cảng tại khu bến Lạch Huyện.