Ngày 20/12, tờ Sputnik xuất bản bài viết: American F-21 or Russian MiG-35 to be Hot Favorites for $15 Bln Indian Fighter Jet Tender: Analysts (tạm dịch: F-21 của Mỹ hoặc MiG-35 của Nga sẽ được lựa chọn cho hợp đồng 15 tỷ USD?) của tác giả Rishikesh Kumar.
Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn khách quan trong bối cảnh Ấn Độ đang gấp rút lựa chọn loại máy bay chiến đấu mới để thay thế một số lượng lớn máy bay thời Liên Xô đã quá cũ kỹ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
"Cánh cửa" để Ấn Độ tiếp cận máy bay chiến đấu Mỹ đã mở?
Hôm 19/12, truyền thông Ấn Độ đưa tin về thỏa thuận Phụ lục An ninh Công nghiệp (ISA) đã được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ tại cuộc đối thoại cấp bộ trưởng "2+2" diễn ra tại Washington.
Thỏa thuận ISA quan trọng ở chỗ, nó được đánh giá là "cánh cửa" mở ra cho các quốc gia muốn tiếp nhận công nghệ quốc phòng từ Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh mới đây đã bày tỏ hy vọng rằng việc ký kết ISA sẽ cho phép chuyển giao công nghệ Mỹ cho các nhà sản xuất Ấn Độ.
Nhà phân tích quân sự và cũng là cựu lãnh đạo của Không quân Ấn Độ (IAF) Vijainder K. Thakur:
"Việc ký kết một trong những "thỏa thuận nền tảng" quan trọng nhất này sẽ dọn đường cho các nhà sản xuất Boeing và Lockheed Martin cạnh tranh trong cuộc đấu thầu sắp tới với các máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet và F-21".
Nhà sản xuất Lockheed Martin trong một tuyên bố vào tháng 4/2019 đã cam kết rằng sẽ không bán F-21 cho bất kỳ quốc gia nào khác nếu họ trúng thầu hợp đồng 114 máy bay của Ấn Độ.
Ấn Độ đang sử dụng "Luật tiến hóa của Darwin" trong việc lựa chọn vũ khí?
IAF đang tìm kiếm một sự thay thế cho các máy bay chiến đấu hạng nhẹ Liên Xô đã "già nua" MiG-21, MiG-23 và MiG-27, chính vì vậy chính phủ nước này dự kiến sẽ "lấp đầy khoảng trống" bằng một thương vụ vũ khí lớn.
Nhà phân tích Thakur:
"Phương án hợp lý nhất sẽ là máy bay chiến đấu hạng trung có mức giá phù hợp như F-21, MiG-35 và SAAB JAS-39 Gripen.
Dassault Rafale, Eurofighter và F/A-18 được cho là có giá đắt đỏ so với các yêu cầu kỹ thuật mà IAF đưa ra vì ngân sách hạn chế và số lượng cần mua sắm rất lớn".
Một số nhà phân tích phương Tây đã "đặt cửa" cho Rafale vì cho rằng nhà sản xuất vũ khí Dassault của Pháp có thể hạ giá sản phẩm phiên đấu thầu 114 máy bay vì họ đã giảm khá nhiều chi phí sản xuất sau khi giành được gói thầu cho 36 chiếc Rafale trước đó của IAF.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2019, Đại tướng Không quân Ấn Độ Rakesh Bhadauria đã nhấn mạnh rằng để bán thêm máy bay chiến đấu Rafale, Dassault sẽ phải thắng thầu trong một số điều kiện hợp tác sản xuất nhất định với các nhà sản xuất địa phương.
"Kế hoạch của chúng tôi là chế tạo 114 máy bay chiến đấu đa chức năng (MRFA) trong với mô hình Đối tác chiến lược (SP) của Ấn Độ".
Cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ Amit Cowshish bình luận: "Các yêu cầu hiện tại khiến khá nhiều loại máy bay chiến đấu có thể đáp ứng, Ấn Độ đang ngụ ý rằng việc máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia đấu thầu là không hạn chế".
MiG-35 vẫn là một "ẩn số" lớn trong cuộc đấu thầu sản xuất 114 máy bay cho IAF.
Vấn đề "đầu tiên"?
Hầu hết các nhà phân tích Ấn Độ đều đồng thuận rằng chi phí sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lựa chọn vũ khí của lực lượng vũ trang Ấn Độ. Xét một cách toàn diện, thực trạng này cho thấy việc thiếu nguồn vốn trầm trọng cho việc hiện đại hóa của IAF.
Trong năm tài khóa 2019-2020 (kết thúc vào tháng 3/2020), IAF có ngân sách gần 5,1 tỷ USD để hiện đại hóa bao gồm 3,5 tỷ USD cho việc mua sắm máy bay và động cơ.
Với tình trạng hiện tại của nền kinh tế Ấn Độ, ngân sách của năm tài khóa 2020-2021 có thể sẽ giảm hoặc bị đình trệ.
Theo Cựu cố vấn tài chính Cowshish:
"Tất nhiên sẽ có sự cạnh tranh gay gắt diễn ra giữa các nhà sản xuất khác nhau trong việc chuyển giao công nghệ, chủ yếu là do quy mô của đơn hàng. Nhưng đó không phải là "yếu tố then chốt".
Tôi cho rằng, ngoài những cân nhắc chiến lược, tài chính sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định".
Nhà phân tích Thakur:
"F-21 và MiG-35 sẽ là những máy bay chiến đấu được quan tâm. Thiết kế của chúng có một số tương đồng nhưng MiG-35 có tiềm năng phát triển lớn hơn, còn chi phí dài hạn của F-21 có thể sẽ thấp hơn".
Việc thiếu ngân sách cho quốc phòng là lý do khiến IAF phải tiếp tục trang bị một số lượng chưa xác định MiG-21 Bison.
Nhiều lựa chọn máy bay thế hệ 5, nhưng cuối cùng Ấn Độ sẽ quay về "cái máng lợn"?
IAF hiện có ba lựa chọn cho máy bay chiến đấu tàng hình. Đầu tiên là chương trình máy bay chiến đấu tiên tiến hạng trung (AMCA).
Bên cạnh gợi ý về khả năng sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-21 trong một liên doanh Mỹ-Ấn Độ, Lockheed Martin đã bày tỏ quan điểm rằng họ sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ trong chương trình AMCA, cũng như chương trình Máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas MK2.
Thứ hai là máy bay phản lực F-35 của Mỹ. Hiện tại, Washington đang xuất khẩu F-35 cho các đồng minh với mức giá khoảng 90 triệu USD mỗi khung máy bay.
Và thứ ba là chương trình máy bay chiến đấu tàng hình PAK FA hợp tác với Nga, Ấn Độ đã đầu tư vào giai đoạn ban đầu của dự án mà sau này đã trở thành máy bay chiến đấu thế hệ 5 Su-57.
Nhà phân tích Thakur:
"Lựa chọn của Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào việc chuyển giao công nghệ thay vì các bí quyết để phát triển các thiết bị điện tử, vật liệu và động cơ.
New Delhi sẽ phải duy trì sự hợp lý trong lựa chọn máy bay chiến đấu để thay thế các máy bay chiến đấu hạng nhẹ và tầm trung MiG-21, MiG-23, MiG-27".
Chương trình AMCA của Ấn Độ liệu có theo "vết xe đổ" của xe tăng Arjun và máy bay Tejas hay không?
Tướng Bhadauria của IAF đang đặt khá nhiều kỳ vọng đối với chương trình AMCA kể từ khi ông tiếp quản công việc của lực lượng gồm 140.000 quân.
"Chúng ta gọi AMCA là máy bay thế hệ thứ 5, không có nghĩa là công nghệ sẽ bị giới hạn ở thế hệ 5. Công nghệ trên máy bay thậm chí có thể tương đương với máy bay thế hệ 6.
DDRO (Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ) phải biến nó thành hiện thực. Nếu không làm được điều này, không chỉ niềm tự hào (về khoa học kỹ thuật) của chúng ta bị đe dọa, mà còn bộc lộ điểm yếu của IAF".
Nhưng nếu xem xét các "kỷ lục buồn" trước đây của DRDO trong việc phát triển vũ khí trong nước, các nhà phân tích Ấn Độ đã phản đối tuyên bố rằng máy bay chiến đấu của chương trình AMCA chỉ mất thêm vài năm nữa để đưa vào trang bị.
Nhà phân tích Thakur:
"Theo quan điểm của tôi, cuối cùng IAF sẽ chọn Su-57 vì người Nga sẽ đảm bảo rằng máy bay chiến đấu sẽ thỏa mãn tất cả các kỳ vọng của họ.
Chương trình AMCA sẽ mất nhiều thời gian hơn để phát triển và cho tới thời điểm hiện tại, không có quốc gia nào khác (ngoài Nga) sẽ bán công nghệ máy bay thế hệ 5 cho Ấn Độ".
Video cho thấy những thủ thuật điêu luyện của Su-57 trên không trung (Nguồn Sputnik).