Đi bộ mà thấy dấu hiệu này, cẩn thận đột quỵ đã "gõ cửa"

Lam Chi |

Đột quỵ có rất nhiều triệu chứng, nhưng có một triệu chứng xuất hiện khi đi bộ rất dễ bị bỏ qua.

Đột quỵ là một tai biến đáng sợ với tỷ lệ tử vong và tàn tật cao. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để can thiệp y tế kịp thời là rất quan trọng để tránh được nguy cơ tàn tật vĩnh viễn và tử vong do bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ xuất hiện khi đi bộ

Đi bộ mà thấy dấu hiệu này, cẩn thận đột quỵ đã "gõ cửa" - Ảnh 1.

Dấu hiệu của đột quỵ có thể xuất hiện ngay cả khi bạn đang đi bộ (Ảnh minh họa)

Theo tiến sĩ Richard Benson, bác sĩ chuyên khoa về thần kinh mạch máu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, 70% các cơn đột quỵ có thể nhận biết bằng các triệu chứng gồm khuôn mặt mất cân đối, yếu hoặc liệt một bên tay/chân, nói khó. Tuy nhiên, mọi người cũng nên lưu ý một triệu chứng khác đột ngột xuất hiện khi đi bộ đó là khó giữ thăng bằng hoặc khó tiếp tục đi bộ. Triệu chứng này rất dễ bị bỏ qua vì dễ bị nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường.

Tiến sĩ Benson cũng cho hay, một số dấu hiệu nguy hiểm khác của đột quỵ ít được biết đến hơn mà chúng ta cần chú ý đó là nhìn mờ, đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân, buồn ngủ, đột ngột nôn hoặc buồn nôn.

"Việc nhận biết được những triệu chứng sớm của đột quỵ có thể cứu sống chính bạn và người thân của bạn", tiến sĩ Benson nhắn nhủ.

Ai dễ bị đột quỵ?

Việc biết được mình có thuộc nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ hay không cũng rất quan trọng vì điều này có thể giúp bạn chú ý hơn tới các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ bao gồm người có huyết áp cao, cholesterol cao, mắc bệnh tim, tiểu đường, béo phì và bệnh hồng cầu hình liềm.

Ngoài ra, những người ngoài 55 tuổi là những người sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với những người trẻ tuổi hơn. CDC cho biết, nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi sau tuổi 55.

Nếu tiền sử gia đình có người bị đột quỵ, bạn cũng nên cảnh giác hơn với loại tai biến này.

Làm thế nào để ngăn ngừa đột quỵ ngay từ đầu?

Khi nhắc đến đột quỵ, phát hiện sớm là chìa khóa. Như tiến sĩ Benson đã đề cập ở trên, việc nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ, ngay cả những dấu hiệu ít được biết tới, có thể cứu sống bạn và người thân của bạn.

Ngoài ra, tiến sĩ Benson cho biết, bạn cũng có thể thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ngay từ đầu. Các biện pháp này bao gồm:

- Kiểm soát huyết áp và điều trị huyết áp cao theo chỉ định của bác sĩ. Đây là điều quan trọng nhất mà bạn nên làm để phòng tránh đột quỵ. 

- Kiểm soát bệnh tiểu đường vì căn bệnh này có thể gây ra những thay đổi và phá hủy các mạch máu trong não, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

- Điều trị cholesterol cao bởi khi cholesterol trong máu quá cao, cholesterol có thể tích tụ lên thành động mạch và làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

- Không hút thuốc lá vì thói quen này làm hỏng các mạch máu, khiến mạch máu bị hẹp lại và làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. 

- Có chế độ ăn uống khoa học với nhiều trái cây và rau củ, không ăn quá mặn, hạn chế ăn thực phẩm chứa chất béo bão hòa. 

- Tập thể dục thường xuyên vì lối sống ít vận động có thể dẫn tới huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao.

(Nguồn: Parade)

Đi bộ mà thấy dấu hiệu này, cẩn thận đột quỵ đã "gõ cửa" - Ảnh 2.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại