Nữ bệnh nhân L.T.K tại Hà Nội (87 tuổi) vì đau liên tục cẳng bàn chân phải nên đã đi khám để tìm nguyên nhân.
Theo lời bệnh nhân chia sẻ, cơn đau xuất hiện mỗi khi bà đi bộ, ngồi nghỉ hết đau. Gần đây, chấm đen xuất hiện ở đầu ngón chân. Các bác sĩ khám, xác định có tình trạng hoại tử đầu chi.
Các bác sĩ Khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch đùi nông - dưới gối phải. Sau đó, bệnh nhân được tiến hành điều trị bằng phương pháp can thiệp nong động mạch. Sau can thiệp, bệnh nhân hết đau chân, không tê bì, chi thể ấm.
Bệnh động mạch chi dưới là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Với người trên 70 tuổi, cứ 5 người sẽ có 1 người mắc bệnh lý này. Khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số lượng người mắc bệnh sẽ ngày càng tăng, trở thành một vấn đề y tế lớn cần giải quyết.
Bệnh thường được phát hiện muộn, nhất là ở người già trên 80 tuổi, sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền, từ đó làm hạn chế kết quả can thiệp, phẫu thuật cũng như tăng tỉ lệ tai biến và biến chứng trong quá trình điều trị.
Dấu hiệu của hẹp, tắc động mạch chi dưới
BS. TS. Lương Tuấn Anh, Khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay hẹp, tắc động mạch chi dưới gây giảm tưới máu ngoại vi chi thể (bàn, ngón chân) được thúc đẩy bởi các yếu tố như tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu...
Ở giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân sẽ thấy dấu hiệu “đau cách hồi”: đau khi đi lại, dừng lại nghỉ sẽ đỡ đau và lại đau khi tiếp tục đi. Khoảng cách quãng đường khi xuất hiện cơn đau càng ngắn thì mức độ bệnh càng nặng. Ban đầu, bệnh nhân có thể xuất hiện đau khi đi khoảng 1000 mét, nhưng càng về sau, có thể chỉ đi 200 mét đã đau.
Bệnh nhân có cơn đau không thuyên giảm cả khi đã uống thuốc giảm đau. Triệu chứng này khiến cho bệnh nhân có thể nhầm lẫn có vấn đề về xương khớp và thường đi khám cơ – xương – khớp.
Đây cũng là một trong những lý do vì sao hẹp, tắc động mạch chi dưới ở người lớn tuổi thường được phát hiện muộn. Cảm giác đau ở người lớn tuổi có thể giảm sút do suy giảm chức năng dây thần kinh, khiến họ không nhận thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thêm vào đó, nhiều bệnh đồng mắc và khả năng vận động hạn chế khiến khó phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Các chuyên gia khuyến cáo khi người cao tuổi có dấu hiệu đau chân nhiều khi vận động hay đi bộ thì cần phải đi khám để loại trừ nguy cơ tắc mạch chi dưới. Trường hợp tắc mạch nếu không được can thiệp có thể xảy ra hoại tử chi và tàn phế.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết để chẩn đoán bệnh hẹp tắc động mạch chi dưới, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có kinh nghiệm và đủ điều kiện cơ sở vật chất.
Trước đây, điều trị bệnh động mạch chi dưới khá bế tắc do hiệu quả điều trị của thuốc thấp, nhiều bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật hoặc thể trạng không cho phép phẫu thuật. Điều trị bệnh động mạch chi dưới bằng phương pháp can thiệp với mục tiêu khôi phục lại dòng chảy mạch máu bị hẹp, tắc nghẽn trở thành một cứu cánh cho người bệnh, hoàn toàn có thể thực hiện được ở người cao tuổi.