Năm 196, Tào Tháo đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương với âm mưu "phụng thiên tử để lệnh chư hầu". Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời ông khi chính thức trở thành quyền thần của triều đình nhà Đông Hán.
Tuy nhiên sự thực là dưới thời kỳ Tào Tháo nắm đại quyền, Hán Hiến Đế vẫn an ổn tại vị và bảo toàn được tính mạng của mình cho tới năm 220 khi nhường ngôi cho Tào Phi.
Mặc dù có hoàn cảnh tương tự như vị vua cuối cùng của nhà Hán, thế nhưng Hoàng đế Tào Ngụy sau này là Tào Mao lại không có được số phận may mắn như vậy.
Ông được gia tộc Tư Mã và Quách Thái hậu đưa lên ngôi vào năm 254 nhưng chỉ tại vị vẻn vẹn 6 năm cho tới khi công khai chống lại Tư Mã Chiêu và bị tay sai của quyền thần này giết chết.
Số phận có nhiều điểm tương đồng nhưng lại mang kết cục khác biệt của hai vị Hoàng đế trên khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Vì sao đều là quyền thần, Tào Tháo năm xưa chẳng hề giết vua, còn hậu nhân của gia tộc Tư Mã lại cả gan dám làm điều bị cho là đại nghịch bất đạo này?
Nguyên nhân thứ nhất: Sự khác biệt về bối cảnh khi Tào Tháo và gia tộc Tư Mã trở thành quyền thần
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Năm xưa sau khi đã thành công thực hiện kế hoạch "phụng thiên tử để lệnh chư hầu", Tào Tháo dần trở thành quyền thần khét tiếng của triều đình nhà Hán.
Thế nhưng điều đáng lại nói nằm ở chỗ, ngay cả khi nắm trong tay quyền hành vượt mặt Hoàng đế thì nhân vật bị nhiều người cho là "gian hùng" này vẫn không ra tay sát hại Thiên tử để danh chính ngôn thuận bước lên ngôi cửu ngũ chí tôn.
Một trong những lý do khiến quyền thần họ Tào vẫn ung dung để vị vua bù nhìn như Hán Hiến Đế tại vị được cho là bắt nguồn từ địa vị đặc thù của Thiên tử khi đó.
Bởi trước khi Tào Tháo qua đời, chư hầu trong thiên hạ trên danh nghĩa đều là bề tôi của Hiến Đế. Vì thế bất kể là Lưu Bị hay Tôn Quyền đều hy vọng Tào Tháo hành thích nhà vua, mang trên mình tội danh soán ngôi đoạt vị để họ có lý do chính đáng khởi binh thảo phạt.
Do đó dựa trên tình hình lúc bấy giờ, Tào Tháo cũng chẳng "dại dột" gì mà phải hành thích một vị vua ít nhiều vẫn còn sức ảnh hưởng dù chỉ trên danh nghĩa.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, khi Tào Tháo lên nắm quyền, các đại tướng trong nội bộ triều đình nhà Hán khi đó trên cơ bản đều là thủ hạ trung thành của Tào gia.
Đặc biệt là từ sau khi nhóm người ủng hộ Hán Hiến Đế do Đổng Thừa cầm đầu bị tiêu diệt, các vị trí cốt cán trong triều gần như đều đã đổi thành thân tín của Tào Tháo. Do đó ông căn bản không phải lo sợ hay dè chừng thế lực của Hán Hiến Đế.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Mặc dù cũng từng ở vào vị trí quyền thần tương tự với Tào gia khi xưa, thế nhưng gia tộc Tư Mã sau này lại không có được những điều kiện về bối cảnh thuận lợi như trên.
Tới thời kỳ Tư Mã Chiêu nắm quyền, dù dòng họ của ông đã có căn cơ vững chắc nhưng chung quy vẫn chỉ khống chế được thế lực của một mình nước Ngụy, sức ảnh hưởng khó có thể so sánh với Tào Tháo từng "phụng Thiên tử để lệnh chư hầu" năm xưa.
Hơn nữa, nội bộ nhà Tào Ngụy khi ấy vẫn lưu lại không ít các đại thần sở hữu thực quyền và bất mãn với địa vị cũng như quyền lực của dòng họ Tư Mã.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong phạm vi lãnh thổ nước Ngụy lúc bấy giờ còn liên tục nổ ra những cuộc khởi nghĩa phản đối việc gia tộc này cầm quyền. Sự lục đục đó từng phản ánh rõ ràng qua câu nói mà Hoàng đế Tào Mao đã bất bình thốt lên: "Dã tâm của Tư Mã Chiêu đến người đi đường cũng đều biết".
Đứng trước thế cục ấy, việc Tư Mã Chiêu buộc phải liều mạng tiêu diệt hết thảy mọi uy hiếp tới địa vị của bản thân và gia tộc cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ nếu ông không hạ sát Tào Mao, việc các đại thần hay bách tính ủng hộ Hoàng đế và khởi binh tiêu diệt gia tộc Tư Mã là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Nguyên nhân thứ hai: Điểm khác nhau về địa vị và cách hành xử của hai vị Hoàng đế bù nhìn
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Bên cạnh sự khác biệt về bối cảnh, tình hình, lý do khiến gia tộc họ Tào và dòng họ Tư Mã có cách hành xử khác nhau đối với Hoàng đế còn bắt nguồn từ chính sự khác biệt của 2 vị Thiên tử bù nhìn khi đó.
Theo đánh giá của tờ báo Sohu, Tào Mao và Hán Hiến Đế thực tế cũng có những điểm giống nhau nhất định. Sau khi trưởng thành, họ đều muốn nắm trong tay thực quyền của bậc đế vương và bắt đầu lập ra những kế hoạch nhằm diệt trừ quyền thần.
Thế nhưng điều đáng nói lại nằm ở chỗ, cách hành xử của 2 vị Hoàng đế này lại hết sức bất đồng, mà yếu tố tạo nên sự khác biệt ấy chính là đặc trưng về địa vị và thái độ của họ.
Về địa vị, Hán Hiến Đế sở dĩ có thể sống sót là bởi ông được truyền ngôi một cách danh chính ngôn thuận. Sự chính thống trong việc kế thừa ngai vàng đã khiến cho các chư hầu đều buộc phải quy thuận ông dù chỉ là trên danh nghĩa. Ngay cả hai thế lực của Tôn Quyền và Lưu Bị cũng không phải ngoại lệ.
Có ý kiến cho rằng, Hán Hiến Đế sở dĩ không bị Tào Tháo triệt hạ là nhờ vào Tôn - Lưu. Bởi nếu Tào gia đã nhất thống thiên hạ thì dù cho có thẳng tay giết vua cũng sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Hơn nữa, do Hán Hiến Đế là vị vua danh chính ngôn thuận của nhà Hán, vì vậy chỉ cần ông còn tại vị thì những chư hầu có xuất thân tôn thất như Lưu Bị ắt sẽ chẳng dám xưng đế nếu không muốn mang danh phản loạn.
Trái ngược với địa vị chính thống của Hán Hiến Đế, Tào Mao dù cũng là hậu duệ của Tào gia nhưng lại không có được những ưu thế như vậy. Bởi ngai vị của ông không được xem là kế thừa hợp pháp mà vốn do gia tộc Tư Mã đưa lên sau khi phế bỏ Tào Phương với mục đích lập nên một Hoàng đế bù nhìn.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Về tính cách, Tào Mao và Hán Hiến Đế dù cho cùng có kế hoạch loại trừ quyền thần, nhưng thái độ cũng như cách hành xử của họ lại có điểm khác biệt rõ ràng.
Năm xưa, Hán Hiến Đế thông qua "Y Đái chiếu" để âm thầm lôi kéo một nhóm các đại thần trung thành với nhà Hán, từ đó cùng nhau lập mưu diệt trừ Tào Tháo. Sau khi sự kiện này bại lộ, các thân tín của nhà vua đều bị Tào Tháo "nhổ cỏ tận gốc" khiến cho nhà vua trên cơ bản đã không còn cơ hội trở mình.
Tuy nhiên ngay cả khi kế hoạch diệt trừ quyền thần đã thất bại thì Hán Hiến Đế và Tào Tháo về cơ bản vẫn không công khai trở mặt. Chính sự cẩn thận cùng thái độ thức thời "biết người biết ta" này đã giúp cho vị vua cuối cùng của Hán triều tránh được một kiếp nạn.
Tuy nhiên Tào Mao của nhà Ngụy thì lại không may mắn như vậy. Bởi kế hoạch tiêu diệt quyền thần của ông chưa có cơ hội tiến thành thì đã thất bại do sự bồng bột của vị Hoàng đế này.
Do không nhận được sự ủng hộ của Thái hậu và các đại thần trong kế hoạch tiêu diệt Tư Mã Chiêu, Tào Mao đã bất bình tập hợp vài trăm nô bộc, đánh trống hò hét từ cửa cung xông ra ngoài và định tiến đánh thẳng vào phủ Tư Mã.
Hành động này của nhà vua thực chất là mong muốn các đại thần khi đó có thể thức tỉnh lương tri và ủng hộ mình giành lại đại quyền cho Tào gia. Chỉ tiếc rằng họ chẳng những không làm như ý muốn của ông mà ngược lại còn hùa nhau cùng đi tố cáo.
Cuối cùng, thủ hạ tin cậy của Tư Mã Chiêu là Giả Sung đã sai Thành Tể sát hại Tào Mao.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo nhận định của tờ báo Sohu, sự khác biệt nổi bật trong cách hành xử của hai vị Hoàng đế nói trên mới là nguyên nhân chủ yếu khiến các quyền thần như Tào Tháo và Tư Mã Chiêu đối xử với họ theo những cách bất đồng.
Từng là Hoàng đế bù nhìn và từng có mưu đồ tiêu diệt Tào Tháo, thế nhưng Hán Hiến Đế chung quy vẫn hành xử hết sức thức thời. Dù cho "bằng mặt không bằng lòng", ông cũng không công khai trở mặt với Tào gia.
Đây có lẽ cũng lý do giúp vị Hoàng đế cuối cùng của Hán triều này có thể an ổn tại vị và giữ được tính mạng trong suốt quãng thời gian quyền thần Tào Tháo nắm giữ đại cục.
Trái ngược với Hán Hiến Đế, Tào Mao dù ở vào tình cảnh tương tự nhưng lại vì nóng vội mà công khai trở mặt với Tư Mã Chiêu. Cũng bởi vậy nên có ý kiến cho rằng, vào thời điểm vị vua này dẫn theo cung nhân làm loạn, Tư Mã Chiêu đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hạ sát ông.
Vào năm bị sát hại, Tào Mao chỉ mới ngoài 20 tuổi, ở ngôi vẻn vẹn được 6 năm, sau khi qua đời còn bị tước bỏ mọi danh phận và phế làm thứ dân…
*Theo quan điểm của Sohu (Trung Quốc).