Có một chi tiết rất thú vị về trận derby Manchester: Trước thế chiến thứ 2, người hâm mộ bóng đá ở thành phố Manchester không coi Man Utd và Man City là đại kình địch. Rất nhiều CĐV bóng đá chia lịch: Tuần này xem Man City, tuần sau lại xem Man Utd thi đấu, đều đặn trong nhiều năm liền.
Phải đến những năm 1970, trận nội chiến thành Manchester mới bắt đầu nóng dần cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Tháng 12/1970, cú tắc bóng man rợ của George Best đã khiến Glyn Pardoe của Man City gãy chân. Ngoài sân cỏ, CĐV bắt đầu chửi rủa nhau.
Tuy nhiên, derby Manchester về cơ bản chỉ nóng trong khuôn khổ thành phố Manchester chứ chưa có sức lan tỏa khắp nước Anh. Đơn giản là Man Utd lớn mạnh quá nhanh, đè đẹp hoàn toàn sự tồn tại của Man City. Suốt hàng chục năm trời, Man xanh sống với danh nghĩa "hàng xóm của Man Utd" nhiều hơn là chính danh tồn tại.
40 năm trôi qua, theo dự đoán của Sky Sports, trận đấu giữa Man Utd và Man City đêm nay 99% sẽ tạo ra một cột mốc vĩ đại của lịch sử Premier League: trận cầu đắt giá nhất trong lịch sử tồn tại của bóng đá Anh.
Tính gộp giá chuyển nhượng của cầu thủ 2 đội, trận đấu này có thể chạm mốc… 700 triệu bảng. Đáng chú ý, số tiền này vẫn chưa bao gồm giá chuyển nhượng của những Paul Pogba (93 triệu), John Stones (50 triệu), Benjamin Mendy (49 triệu) hay Luke Shaw (30 triệu). 4 cầu thủ này đều không ra sân vì nhiều lý do khác nhau.
Từ một trận đấu không được quá nhiều người chú ý tới vươn tầm thành "trận cầu đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh", derby Manchester dạy cho người hâm mộ bài học: Phép màu luôn xảy ra trong cuộc sống. Vào thời điểm Man City nhận những khoản tiền đầu tư khổng lồ từ các đại gia UAE, rất nhiều cầu thủ Man Utd còn bĩu môi dè bỉu Man xanh giống như một anh đại gia chân đất.
Nhưng Man xanh đã không ngừng vươn lên và giờ đây, họ đang ở ngang ngửa tầm cỡ với Man Utd, chí ít là về mặt giá trị thương hiệu hay tiềm năng phát triển.
Sự lớn mạnh của derby Manchester nói chung và Man City nói riêng nên được coi là sự khích lệ dành cho những ai đang thiếu tự tin vào bản thân. Nếu Man City dễ dàng cảm thấy bị tổn thương và nản chí khi bị người anh cả thành Manchester xúc xiểm, coi thường, họ đã không thể lớn mạnh như ngày hôm nay.
Trong trận đấu này, dù Jose Mourinho không trực tiếp thừa nhận, nhưng giới chuyên môn đều coi Man Utd là đội "cửa dưới" so với Man City. Đây cũng là một bài học rất có giá trị áp dụng trong cuộc sống: Không ai giàu 3 họ.
Tầm vóc của Man Utd đã từng vươn lên tới ngưỡng không ai tưởng tượng nổi. Họ là CLB giàu nhất nước Anh, nổi tiếng bậc nhất thế giới, có tầm nhìn vượt trội so với mặt bằng Premier League, được nhiều CĐV yêu một cách vô điều kiện (giống như khái niệm love mark mà các thương hiệu lớn có được).
Nhưng kỷ nguyên huy hoàng của Sir Alex Ferguson khép lại chóng vánh và trong 3 năm qua, Man Utd không chỉ đi xuống về mặt đẳng cấp, thành tích, mà đau lòng hơn là cả hình ảnh. Chàng hiệp sỹ thành Manchester, chơi bóng bằng tinh thần cống hiến đậm đặc hơn bất kỳ đội bóng nào, đã bị biến đổi thành một trong những CLB nhàm chán bậc nhất nước Anh.
Cơn khát danh hiệu thời hậu Sir Alex đã đẩy Man Utd vào cuộc phát triển nóng. Họ thuê những HLV tên tuổi, sử dụng quá nhiều cầu thủ tên tuổi, bán đi những sản phẩm của lò đào tạo, và trở thành một biểu tượng thương mại rõ rệt ở Premier League. Những lời dè bỉu, mỉa mai cách phát triển của Man City vẫn còn vang lên trong tâm trí của nhiều fan trung thành Quỷ đỏ, giờ đây lại được sử dụng để miêu tả chính Man Utd.
Thế mới thấy, khát vọng không bao giờ là đủ. Lên đỉnh đã khó, ở lại trên đỉnh còn khó hơn gấp bội. Hôm nay, bất chấp Man Utd có thắng hay thua Man City thì màu xanh thành Manchester vẫn đang là gam màu chủ đạo của bức tranh Premier League.