Ông Tuyến nói: Có những giải pháp cần lộ trình thực hiện, vì số lượng bà con lao động nghèo bán hàng rong trên vỉa hè rất lớn.
UBND TPHCM đã giao UBND quận 1 chọn một số tuyến đường để sắp xếp cho bà con vào kinh doanh một cách văn minh lịch sự, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thưa ông, vì sao TPHCM có rất nhiều tuyến đường, công viên phù hợp nhưng TPHCM chỉ đồng ý chọn tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp để bố trí “phố hàng rong”?
Đường Nguyễn Văn Chiêm là tuyến đường nhánh, có nhiều văn phòng, công viên, khu giải khát của các tòa nhà lớn.
Người dân có thể mua thức ăn đến những địa điểm họ thích để sử dụng, còn những người kinh doanh buôn bán thì không được bố trí bàn ghế, dễ dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè trở lại.
Việc kinh doanh tại đây nhằm phục vụ nhu cầu của một số nhân viên văn phòng, có xu hướng mua thức ăn sáng, ăn trưa về văn phòng, cơ quan hoặc ăn ở những khu vực thoáng mát, công viên theo phong cách tại nhiều nước.
Khu vực Công viên Bách Tùng Diệp có nhiều thuận lợi, có thể phục vụ người dân, du khách tham quan công viên, đi bộ ghé vào uống cà phê, giải khát, ăn sáng…
Riêng tuyến đường Chu Mạnh Trinh mà quận 1 đề xuất hiện nay đã được xử lý rất đẹp.
Lề đường trồng cỏ, nếu cho kinh doanh thì sẽ làm mất mỹ quan, có thể dẫn đến tình trạng người đi bộ giẫm đạp, đi trên thảm cỏ nên UBND thành phố không đồng ý.
Trước mắt, TPHCM chỉ làm phố hàng rong, bán theo giờ tại hai địa điểm để rút kinh nghiệm, tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện xã hội và người dân để chấn chỉnh và nâng cấp lên.
Tuy nhiên, tất cả các phương án sử dụng vỉa hè sắp tới chỉ là phương án tạm thời, bố trí tạm thời bà con vào kinh doanh trong thời gian chờ địa điểm ổn định, còn vỉa hè về lâu dài là phục vụ nhu cầu giao thông.
Chỉ giải quyết chỗ kinh doanh cho hơn một trăm hộ, liệu có quá ít?
Bây giờ mới thí điểm. Để giải quyết cần phải triển khai nhiều phương án như đưa bà con vào các tụ điểm kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề,…
Các tiêu chí ưu tiên để sắp xếp, bố trí là phải bán ngon, bán sạch, chứ không phải vì khó khăn quá mà cho bán. Làm như vậy xã hội sẽ không chấp nhận.
Những địa điểm như công viên có thể bố trí cho bà con kinh doanh để cải thiện đời sống. TPHCM ưu tiên cho những bà con buôn bán, kinh doanh những sản phẩm, món ăn đặc biệt.
Chúng tôi đã chỉ đạo UBND quận 1 nghiên cứu nhiều giải pháp chăm lo cho số bà con không được bố trí vào “phố hàng rong” như sắp xếp kinh doanh buôn bán trong các chợ truyền thống.
Đối với những bà con có tay nghề cao, chúng tôi gắn kết với những nhà hàng ẩm thực chuyên về thức ăn đường phố như “Phố Ngon”, các nhà hàng ẩm thực khu vực đường Nguyễn Văn Năm… để bà con có thể vào kinh doanh hoặc bố trí vào những khu vực rộng lớn hơn nếu như có điều kiện.
Chợ phiên tại Công viên Bến Bạch Đằng có thể bố trí nhiều người bán hàng rong, nhưng vì sao chỉ duy trì hoạt động trong năm 2017?
Công viên cần thông thoáng để người dân có thể tham quan, đi bộ, tập thể dục…
Thực tế, hiện nay vào ban đêm, Công viên Bến Bạch Đằng rất lạnh lẽo, buồn tẻ, không có sức sống nên mình muốn làm chợ phiên sẽ tạo ra sinh khí mới, các hoạt động tại công viên sôi nổi trở lại.
Tuy nhiên, đây là một khu vực nhạy cảm, mật độ lưu thông trên tuyến đường Tôn Đức Thắng rất cao. Làm chợ phiên dễ gây ùn tắc giao thông.
Khu vực này đã được quy hoạch, về lâu dài sẽ có tuyến đi bộ ngầm, trung tâm thương mại ngầm nên hoạt động của chợ phiên cũng chỉ tạm thời.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Có nhiều con đường không có chức năng giao thông như đường nối từ phố đi bộ Nguyễn Huệ qua đường Đồng Khởi, vì sao không lập các phố hàng rong ở đây để phục vụ du khách?
Khu vực này đã có đường sách và sắp tới sẽ triển khai một số dự án của quận 1 như đường nhạc, đường hoa… và rất nhiều các hoạt động khác của thành phố.
Người dân khi được bố trí vào phố hàng rong có phải đóng tiền thuê quầy sạp, nộp thuế?
Trước mắt, chính quyền sẽ ứng ra hết như tổ chức các quầy sạp, khi nào bà con có lợi nhuận thì sẽ hoàn lại. Vấn đề này UBND quận 1 có nhiệm vụ tính toán, có thể xã hội hóa, vận động từ nhiều nguồn.
Còn về thuế thì ai kinh doanh cũng đều phải có nghĩa vụ nộp thuế. Sau này nếu kinh doanh phát đạt còn phải trả phí sử dụng lề đường.
Nói chung chi phí đầu tư trước mắt chính quyền sẽ lo. Đầu tư mỗi quầy hàng vài ba triệu đồng thì không là vấn đề lớn đối với TPHCM.
Quan trọng là làm thế nào để kinh doanh có hiệu quả, giải quyết được những khó khăn trong đời sống của bà con.
Mình giúp bước đầu cho người nghèo nhưng có bền vững không còn lệ thuộc vào tay nghề của họ.
Nếu nghèo quá mà không sắp xếp buôn bán được thì thành phố sẽ có chính sách không để bà con bị đói, các cháu phải bỏ học hay vì người dân túng quẫn dẫn đến phạm pháp. UBND thành phố sẽ tính toán và có giải pháp cụ thể.
Chúng tôi đã chỉ đạo UBND 24 quận, huyện phải nhanh chóng điều tra, nắm bắt tình hình, giải quyết vấn đề vỉa hè một cách căn cơ.
Lập lại trật tự lòng lề đường đảm bảo đúng pháp luật nhưng chính quyền cũng phải làm hết trách nhiệm đối với bà con lao động nghèo.
Những trường hợp quá khó khăn sẽ được thành phố hỗ trợ như thế nào?
Mình có thể lo gạo cho bà con, hỗ trợ kinh phí điện, nước không để bà con đói, bị cúp điện, cúp nước… nói chung là những sinh hoạt tối thiểu chính quyền phải lo. Chính quyền thành phố cam kết với bà con là sẽ lo được.
Không chỉ chính quyền mà cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng chăm lo.
Chỉ cần lãnh đạo chính quyền ở cơ sở có cái tâm, xuống lắng nghe bà con vì chỉ có chính quyền, đoàn thể dưới cơ sở mới biết chính xác từng hoàn cảnh cụ thể để có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Tôi cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên với trách nhiệm của mình cũng nên quan tâm phát hiện trong địa bàn dân cư của mình những trường hợp khó khăn để đề xuất chính quyền cơ sở phối hợp đoàn thể chăm lo cho người nghèo, để những mảnh đời khó khăn cơ cực ngoài việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật về lập lại trật tự vỉa hè không gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều bà con có lòng tự trọng rất cao, không phải cứ gặp khó khăn là lên xin chính quyền hỗ trợ. Đại diện chính quyền phải xuống tìm hiểu cặn kẽ.
Trước đây khi còn là Bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận 1, cứ vào dịp Tết, thay vì tặng tiền cho bà con nghèo, tôi yêu cầu cán bộ các phường trực tiếp xuống đo may quần áo cho các cháu, đoàn viên thanh niên xuống trang trí bàn thờ…
Chúng tôi tặng gạo, vận động Công ty Vissan cung cấp thịt, công ty Ba Huân cung cấp trứng… để nấu nồi thịt kho cho các hộ nghèo. Đưa tiền đôi khi như gió vào nhà trống.
Cảm ơn ông.
Mình giúp bước đầu cho người nghèo nhưng có bền vững không còn lệ thuộc vào tay nghề của họ. Nếu nghèo quá mà không sắp xếp buôn bán được thì thành phố sẽ có chính sách không để bà con bị đói, các cháu phải bỏ học.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM