Bobby Moore không bao giờ cần miếng trải bồn tắm trong đời. Mike Summerbee, người đôi khi ở cùng phòng với Moore trong các chuyến du đấu của tuyển Anh, nói ông là “người duy nhất có thể tắm xong mà người vẫn khô ráo”.
Moore sẽ xịt ít nước lên một chân, lau khô bằng khăn rồi bước cái chân khô đó ra khỏi bồn tắm, rồi lặp lại với chân bên kia, và liên tục cho tới khi hết cả cơ thể.
Cách tắm của Moore không làm ai ngạc nhiên nếu họ từng xem lối đá phòng ngự kỹ lưỡng, khó chịu của ông, hay biết rằng ông cực kỳ kỹ tính với tủ quần áo của mình, nơi áo phông được treo theo trật tự từ màu tối nhất tới sáng nhất.
“Mở tủ quần áo của ông ấy ra tạo cảm giác gần như là chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật”, vợ ông, Tina, nói trong cuốn Bobby Moore: By The Person Who Knew Him Best (tạm dịch: Bobby Moore: Qua lời kể của người biết ông rõ nhất).
Sự tỉ mỉ đó của Moore là một trong những ví dụ về chủ nghĩa hoàn hảo của bóng đá. Còn có sự hoàn hảo thông qua việc tranh đấu không ngừng trên sân với những kỳ vọng không tưởng như của Frankz Beckenbauer và Roy Keane, mà khuôn mặt của họ, nếu được thể hiện qua tay một họa sĩ bóng đá hiện đại, sẽ được đặt cho tựa đề thật đơn giản: “Tiêu chuẩn”.
Những tuyên ngôn quan trọng khác về chủ nghĩa hoàn hảo trong bóng đá thông qua rèn giũa có thể là từ những người như Johan Cruyff hay Cristiano Ronaldo, lối đá tiki-taka bị ám ảnh bởi việc cầm bóng của ĐT Tây Ban Nha và Pep Guardiola, hay nghệ thuật có mặt đúng lúc đúng chỗ của những cầu thủ như Eric Cantona và Thomas Mueller.
Dennis Bergkamp - Nhà tư tưởng hoàn hảo của bóng đá hoàn hảo
Nếu bạn vẽ biểu đồ tập hợp của tất cả những phân nhánh chủ nghĩa hoàn hảo đó trong bóng đá, thì người thuộc về tất cả các tập hợp sẽ là Dennis Bergkamp, nhà tư tưởng hoàn hảo của bóng đá hoàn hảo.
Thierry Henry từng nói anh yêu thích “Từng. Chút. Một” trong những gì mà Bergkamp làm, nhưng điều anh thích nhất là cách mà Bergkamp tập luyện, vì “mọi thứ phải hoàn hảo”. Bản thân Bergkamp cũng có những kỳ vọng phi thực tế, về bản thân anh, và đôi khi cả về các đồng đội, và làm việc cật lực cho những kỳ vọng đó.
Trong một cuộc phỏng vấn 10 năm trước trên báo Anh, The Guardian, đồng đội cũ của Bergkamp ở Arsenal, Patrick Vieira, từng nói: “Để chuyền bóng như anh ấy, bạn phải nỗ lực làm mọi chuyện hoàn hảo. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu quần áo trong nhà anh ấy được sắp xếp kỹ lưỡng. Tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào”.
Dù là trong lĩnh vực nào, thì chủ nghĩa hoàn hảo cũng sẽ biến những gì bạn làm thành một nghệ thuật, một lý tưởng, và Bergkamp chính là nhà nghệ sĩ với mọi lý tưởng đẹp đẽ nhất về bóng đá.
Trí tưởng tượng của anh vừa là món quà, vừa là lời nguyền với cầu thủ Hà Lan. Nó giúp anh ở trên một bậc so với những người cùng thời, nhưng nó cũng khiến anh đứng trước rủi ro làm những điều anh không thể giải thích, ảo tưởng về những bàn thắng không thể tồn tại, và cứ mãi chờ đợi Godot.
Cuộc đời của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo không dễ dàng. Hầu hết họ không đạt được lý tưởng của mình, và đôi khi lẫn lộn giữa sự hoàn hảo với sự căm ghét bản thân.
Nhưng thỉnh thoảng bạn cũng gặp được một người coi chủ nghĩa hoàn hảo là lẽ sống, những kẻ không có lựa chọn nào khác ngoài biện minh cho sự tồn tại của mình không gì khác bởi việc làm điều tốt nhất mà con người có thể làm được trong lĩnh vực của họ.
Sự hoàn hảo là chủ đề lặp đi lặp lại trong cuốn Stillness and Speed (tạm dịch: Tĩnh và động), cuốn sách tuyệt vời của Bergkamp. Một chương trong đó có tựa đề “Mọi chuyện phải hoàn hảo”, vừa là châm ngôn, vừa là một đòi hỏi cho đồng tác giả cuốn sách, David Winner.
“Bạn đặt ra cho mình những mục tiêu”, Winter nói trong sách. “Và một khi bạn đạt tới đó bạn muốn làm hơn nữa. Bạn cứ nâng dần tiêu chuẩn như thế, khiến mọi chuyện không bao giờ là đủ tốt. Bạn trèo lên ngọn núi và thấy một ngọn núi khác cao hơn”.
Ngày 4/7/1998, Bergkamp đã trèo lên ngọn núi cao nhất sự nghiệp của anh trong 2,11 giây, khoảng thời gian cần thiết để anh có 3 pha chạm bóng thần thánh và ghi bàn vào phút áp chót ấn định chiến thắng trước Argentina đưa Hà Lan vào bán kết World Cup.
“Hoàn hảo” là mô tả của Ruud Gullit trên truyền hình tối hôm đó. “Bạn không bao giờ có thể chơi một trận hoàn hảo”, sau này Bergkamp nói. “Nhưng có thể tạo ra một khoảnh khắc như thế”. Cả thế giới các BLV ngày hôm đó đều đã tạm ngưng lại trước khi mô tả bàn thắng, để rồi tất cả nhận ra rằng chỉ có một từ mô tả được đúng nó: hoàn hảo.
“Bạn có thể cảm nhận được khoảnh khắc đó”, chính Bergkamp kể lại. “Cảm giác là rõ ràng. Sau hai lần chạm bóng… bạn biết khoảnh khắc đó đang đến. Bạn nỗ lực tối đa, như thể cả cuộc sống của bạn thu lại chỉ còn trong khoảnh khắc đó”.
Khoảnh khắc thiên tài trước Argentina tại World Cup 1998.
Bàn thắng kinh điển vào lưới Argentina.
Có một người chưa bao giờ nhận được những lời cảm tạ mà anh xứng đáng khi góp phần vào bàn thắng của Bergkamp. Không, chúng ta không nói tới Frank de Boer, người tung ra đường kiến tạo dài 50 mét, mà là José María García-Aranda.
Ông là vị trọng tài người TBN mà không hiểu sao đã quyết định không đuổi Bergkamp khỏi sân sau pha bóng anh giẫm lên Sinisa Mihajlovic ở trận thắng 2-1 của Hà Lan trước Nam Tư tại vòng hai 5 ngày trước.
Bergkamp sau này nhớ lại: “Tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình làm như thế. Tôi ngỡ ngàng với hành vi của chính mình”.
Anh không đơn độc. Vào buổi sáng diễn ra trận đấu, hầu hết các tờ báo không tập trung vào trận Tứ kết, mà là vào những chỉ trích của HLV Arsène Wenger với Bergkamp, người vừa được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất mùa sau khi Arsenal giành cú đúp ở Anh.
Wenger không nói quá, bởi lẽ ngoại trừ bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup và một trong những đường kiến tạo giàu chất tưởng tượng nhất, Bergkamp không còn làm được gì nhiều.
Bergkamp thì cho rằng anh làm được hai điều tuyệt vời hôm đó. Khoảnh khắc thứ nhất tới ở phút 12, một pha đánh đầu thông minh và nhạy cảm dẫn tới bàn thắng cho Patrick Kluivert. Bạn càng xem lại bàn thắng đó nhiều, càng thấy nó hay.
Bergkamp gần như sáng tạo ra một kiểu chuyền bóng mới, những pha chọc khe theo phương ngang. Nếu không phải là một cầu thủ bóng đá, thì anh có thể dễ dàng trở thành một kiến trúc sư hay một nhà toán học chuyên về hình học (sự thật là khi còn nhỏ, Bergkamp rất mê và giỏi môn hình học).
Với Bergkamp, sân bóng rộng hơn rất nhiều so với 21 cầu thủ chỉ chăm chăm nhìn vào quả bóng còn lại. Bergkamp nhìn thấy những khoảng trống mênh mông trong khe hở chỉ vài cm giữa hai hậu vệ, và chuyền bóng vào đó như thể vào chỗ không người.
Những pha chạm bóng của Bergkamp luôn mang đến cảm xúc dâng trào
Trong bóng đá, khái niệm chung là việc chạy chỗ sẽ dẫn tới đường chuyền và ý đồ của đường chuyền đó. Nhưng với Bergkamp, đường chuyền của anh sẽ quyết định việc đồng đội chạy chỗ ra sao.
Những người hưởng lợi nhiều nhất, Nicolas Anelka, Kluivert và Henry, cũng là những người hiểu rõ điều đó nhất. Bergkamp thuộc về một nhóm rất nhỏ những cầu thủ chơi bóng hoàn toàn bằng cảm nhận bản năng, những người tìm thấy niềm vui trong việc kiến tạo ngang với, thậm chí là còn hơn, việc ghi bàn.
Như thế, chính đường chuyền cho Kluivert, thay vì bàn thắng sau đó, mới là điều đại diện cho sự nghiệp của anh: ý thức về các khoảng trống, trí thông minh và khả năng tưởng tượng, năng lực xử lý dữ liệu thần tốc, và tất nhiên, kỹ năng chạm bóng hoàn hảo.
Trong một sát na, anh có thể nhận ra mọi phương vị, góc độ, hướng bóng, và cả sự di chuyển của tất cả những gì liên quan, gió, quả bóng, và các cầu thủ, của cả hai bên.
Rồi cũng trong sát na đó, bằng kỹ năng loại suy mà ngay cả Benedict Cumberbatch cũng không thể hiện được với nhân vật Sherlock Holmes, Bergkamp tìm ra phương án tối ưu, cũng là “án tử” cho mành lưới đối phương.
“Đường chuyền của Ronald de Boer thiếu sự tinh tế, quá mạnh, ở tầm ngang hông rất khó khống chế, quá cao so với chân và quá thấp so với ngực, nên tôi phải ngả người về bên trái và lao cả cơ thể lên để dùng đầu chạm bóng.
Nhưng từ vị trí đó, tôi có thể quan sát thấy Kluivert đang di chuyển thoát khỏi Chamot, nên nếu tôi đánh đầu về hướng của anh ấy, vào giữa Sensini và Chamot, việc kiểm soát bóng sẽ quá khó khăn ở tốc độ cao.
Ngoài ra khoảng trống giữa Sensini, đang lao về phía tôi, và Ayala, người đã lao ra để ngăn cản de Boer lớn hơn, nên tôi cần đánh đầu ngang sửa lưng Sensini vào nơi Kluivert sẽ di chuyển đến.
Tôi không thể điều khiển bóng bằng đầu tốt như bằng chân, nhưng khoảng trống là đủ lớn và nếu tôi đánh đầu nhẹ thôi, Roa sẽ vẫn ở trong khung thành, nên tôi cần phải thêm chút lực, để dẫn dụ Roa lao ra, và như thế Kluivert có thể dứt điểm dễ dàng hơn nhiều”.
Bạn quả có cảm giác như đọc một đoạn trong những tiểu thuyết kiếm hiệp cổ điển: nói ra thì dài dòng, nhưng chiêu xuất chỉ trong chớp mắt. Vấn đề là ở chỗ Bergkamp có thể tư duy tất cả những điều đó chỉ trong vài phần trăm giây ngắn ngủi.
Những cầu thủ tầm thường chơi hay hơn khi họ phản ứng nhanh và không cần suy nghĩ nhiều. Bergkamp là một cầu thủ suy nghĩ rất tỉ mỉ, nhưng đồng thời, trí thông minh và khả năng tưởng tượng của anh cũng có tính bản năng.
Những lúc anh có nhiều thời gian để cân nhắc, Bergkamp lại thường tỏ ra kém hiệu quả hơn, mà thành tích đá phạt đền của anh là một ví dụ. Những tuyệt tác của Bergkamp đều được sáng tạo nên trong những sát na ngắn ngủi, khi anh ở vào khoảnh khắc cần thiết.
“Giống như giải một bài toán đố vậy”, anh nói với tạp chí FourFourTwo. “Bức tranh tổng thể sẽ hiện ra trong đầu tôi 2-3 giây sau đó, khi pha bóng đã kết thúc, và tôi hình dung lại mình tính toán ra sao. Cảm giác hài lòng khi làm điều người khác không thể thấy là vô tận”.
Nhà nghệ sĩ Hà Lan đã luôn nhìn bóng đá với cặp mắt khác hẳn thế giới, nhưng đồng thời, bóng đá của anh vẫn luôn rất giản dị và thành thực.
Ngoại trừ bàn thắng vào lưới Newcastle mà Bergkamp như có vẻ muốn cho cả thế giới thấy là anh cũng có thể chơi rườm rà và hào nhoáng ra sao nếu thích, những gì anh làm luôn thẳng thắn và rõ ràng.
Bergkamp là cái đẹp của sự tối giản, và cả sự khiêm nhường của một nhân vật thể thao lớn. Anh thường xuyên chỉ chạm bóng một lần và hiếm khi chứng tỏ mình thông minh và khéo léo ra sao.
Giống như một nhà báo viết xã luận, để cho mọi thứ đơn giản, ngắn gọn, sắc bén khó hơn nhiều so với dài dòng, rườm rà, và rối rắm, khiến một thứ phức tạp trở nên dễ hiểu khó hơn nhiều so với làm điều ngược lại. Đó đã luôn là một trong những phẩm chất lớn nhất của Bergkamp.
“Tôi không thích những pha bóng rườm rà và đi bóng lắt léo”, chính anh từng nói. “Lối chơi của tôi là chạm bóng bước một, kiểm soát, và chuyền bóng. Nghệ thuật vị nghệ thuật không hợp với tôi”.
Nghệ thuật vị bàn thắng đã biến Bergkamp thành một cầu thủ giữa các cầu thủ, dù là với đối thủ hay với đồng đội của anh.
“Thành thật mà nói tôi không nghĩ một cầu thủ chuyên nghiệp có thể giỏi như thế”, Paul Merson từng nói. Ian Wright nói anh là “chữ ký lớn nhất lịch sử Arsenal”, còn Henry, từng là đồng đội của Zinedine Zidane và Lionel Messi, đoán chắc Bergkamp là cầu thủ lớn nhất mà anh được chơi cùng.
Pha chạm bóng huyền thoại của anh trước Newcastle
Trở lại với trận đấu kinh điển năm 1998, sau khi Hà Lan vượt lên dẫn trước, Bergkamp bắt đầu trở nên mờ nhạt. Claudio López gỡ hòa cho Argentina ở phút 17 sau một pha dứt điểm qua háng Edwin van der Sar với sự kiêu căng nhắc cho chúng ta thấy tại sao bóng đá lại là một môn mà nam giới vẫn thống trị.
Từ đó trở đi trận đấu diễn ra rất hấp dẫn, một ứng viên nặng ký cho danh hiệu trận cầu hay nhất World Cup, kiểu cuộc đọ sức cởi mở mà cả hai đội đều thoải mái bộc lộ mình khi có bóng trong chân.
Đó cũng là một trận đấu với nhiều cột mốc lớn: trận chính thức đầu tiên giữa hai đội từ khi Argentina đánh bại Hà Lan ở chung kết World Cup 1978, cũng là kỷ niệm đầu đời của Bergkamp về bóng đá.
Khi đó, anh 8 tuổi, xem trận đấu ở nhà mình tại Amsterdam, chứng kiến Rob Rensenbrink dứt điểm trúng cột dọc ở phút cuối cùng của giờ thi đấu chính thức trước khi Argentina giành chiến thắng trong hiệp phụ.
20 năm sau, Wim Jonk và Ariel Ortega lại thay phiên nhau làm rung chuyển cột dọc trong hiệp 1. Trong hiệp 2, tới lượt Gabriel Batistuta thử thách độ vững chắc của khung thành World Cup với pha nã đại bác từ khoảng cách 12 mét.
Lợi thế có vẻ nghiêng về Argentina khi phút 76, Arthur Numan nhận thẻ vàng thứ hai. Hà Lan chuyển chuyên gia chiến thuật của họ Philip Cocu sang đá hậu vệ trái và dù Argentina, thật dễ hiểu, nắm quyền kiểm soát bóng ưu thế sau đó, Hà Lan không quá bị động, cho tới phút 87, khi một khoảnh khắc thiên tài giúp thay đổi tất cả.
Một trong những bàn thắng để người ta phải nhớ về huyền thoại người Hà Lan
Ortega, một ứng viên nặng ký cho danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải tới lúc đó, đâm vào Jaap Stam trong vòng cấm địa và ngã giả vờ. Trọng tài phẩy tay, một quyết định xuất sắc bởi pha ăn vạ chỉ có thể thấy rõ qua tình huống chiếu chậm.
Khi Van der Sar phản đối, Ortega, cáu bẳn và hẳn cảm thấy tội lỗi, đứng lên và húc đầu vào cằm Van der Sar. Thẻ vàng lẽ ra cho phe ăn vạ biến thành thẻ đỏ, và cả hai đội còn lại vài phút với mỗi bên 10 người trên sân, chuẩn bị cho hiệp phụ với luật bàn thắng vàng của thời bấy giờ.
Nhưng trận đấu không đi xa được đến thế. 53 giây sau khi bóng vào cuộc trở lại, Bergkamp vẽ nên kiệt tác của anh. Bàn thắng đó tới giờ đã được khen ngợi không biết bao nhiêu lần, nhưng cảm xúc của các CĐV Hà Lan là không thay đổi: lúc trước họ đang chơi với 10 người vất vả, lúc sau họ đã thắng 2-1 và vào Bán kết.
Bergkamp nói gần như anh đã sống cả cuộc đời để tới được khoảnh khắc này. Nhưng trận đấu không diễn ra như thế. Trong phần lớn hiệp 2, và nhất là giai đoạn trước bàn thắng, anh chơi tệ hại.
Giữa 2 thẻ đỏ cho Numan và Ortega, Bergkamp chỉ chạm bóng có 3 lần trong 11 phút. Một lần anh phá bóng chịu quả ném biên, 2 lần anh chuyền hỏng những đường chuyền đơn giản, ngay bên phần sân nhà, dẫn tới tình huống tấn công mà Ortega đã đòi phạt đền và bị đuổi khỏi sân.
Ngay cả sau đó, ở giây thứ 53 giữa khi bóng vào cuộc trở lại và bàn thắng, Bergkamp còn có đủ thời gian cho pha chạm bóng tệ nhất của anh cả trận - anh cố chuyền một đường bóng ngắn và đơn giản cho Marc Overmars, nhưng lại đá bóng vào chân trụ của mình và giúp Argentina phản công.
Khi đợt phản công đó bị bẻ gẫy, Hà Lan chuyền đi chuyền lại ở phía sau vài giây trước khi Frank de Boer nhìn thấy có người đang chạy chỗ…
Thỉnh thoảng những bàn thắng vĩ đại cũng tới từ những màn trình diễn cá nhân nghèo nàn. Bàn của Ryan Giggs vào lưới Arsenal năm 1999 là một ví dụ khá điển hình. Đường chuyền của Frank de Boer sau này được gọi là “một chiếc limo siêu hạng trong những đường chuyền”, theo mô tả của tác giả chuyên về lịch sử World Cup Cris Freddi.
Đó là một bàn thắng cực hiếm, với một đường chuyền cực hiếm, và 3 pha chạm bóng khó có thể là của con người, cả 3 pha chạm bóng đó đều hoàn hảo như nhau.
Pha thứ nhất khiến người xem choáng ngợp về nghệ thuật kiểm soát bóng, nó diễn ra ở lưng chừng không trung, tới mức gần như đáng kinh ngạc khi mà chứng sợ bay của Bergkamp lại không ảnh hưởng gì hết.
Anh cũng đang di chuyển với tốc độ cao nhất, nhưng vẫn gắn chặt bóng vào cái chân phải được làm từ nhung và keo dán sắt cùng lúc.
Bergkamp đã tính toán mọi yếu tố từ gió tới hướng bóng, hướng di chuyển của hậu vệ, góc sút và rốt cuộc dứt điểm bằng chân phải thay vì chân trái.
Thật dễ nghĩ rằng Bergkamp sau này đã thêm thắt vào câu chuyện, nhưng chúng ta không phải thấy điều này khá thường hay sao: Diego Maradona với bàn thắng định nghĩa sự nghiệp vào lưới ĐT Anh năm 1986 chẳng hạn.
Bergkamp ăn mừng khoảnh khắc của sự nghiệp
Bergkamp khác thường ở chỗ hầu hết các bàn thắng đẹp nhất của anh, vào lưới Argentina, Leicester, Newcastle, Tottenham, được nhớ tới bởi pha chạm bóng đầu tiên hơn là pha dứt điểm. Anh yêu việc kiến tạo, và vì thế những siêu phẩm của anh cũng có cảm giác như là do Bergkamp kiến tạo cho chính mình.
Với anh, bạn hoàn toàn có thể gọi đó là một giai đoạn tiền-bàn thắng. Lối chơi của anh nhắm vào những tình huống kiểm soát và tạo ra khoảng trống, những pha sửa lưng các hậu vệ, và trước hậu vệ quét của Argentina, Roberto Ayala, anh có chính xác điều mình muốn. Pha chạm bóng thứ hai của anh loại bỏ Ayala và đặt Bergkamp vào vị trí dứt điểm.
“Sau pha chạm bóng thứ hai, tôi biết tình huống đó không thể chệch đi đâu được”, anh nói. “Chắc chắn là thế!”. Bằng má ngoài chân phải, anh vẩy bóng qua Carlos Roa vào góc cao khung thành, một pha dứt điểm thật tinh tế.
Trong mọi cabin BLV, sự tán thưởng ngay lập tức cho bàn thắng thật dễ hiểu. Ở đài BBC, Barry Davies sau này nhớ lại rằng ông chưa từng hét to như thế trong 27 năm sự nghiệp và cánh kỹ thuật viên đã phải chỉnh lại âm lượng để tiếng phát ra không quá lớn tới mức không chịu nổi.
Ở Hà Lan, BLV Jack Van Gelder lặp đi lặp lại chỉ một từ “Dennis Bergkamp!” Van Gelder không phải là người duy nhất kinh ngạc.
Chính Bergkamp cũng thế. Anh đưa hai tay ôm mặt vì cú sốc, thật giống với phản ứng tương tự của Rinus Michels 10 năm trước khi Marco van Basten ghi bàn thắng bằng cú vô-lê ngoạn mục ở Chung kết Euro vào lưới Liên Xô.
Cầu thủ người Hà Lan chưa bao giờ thiếu trí tưởng tượng, nhưng đôi khi chính anh cũng không tưởng tượng nổi những gì mình có thể làm được.
Vào lúc Bergkamp nằm vật ra, máy quay chĩa lên biển da cam đằng sau khung thành trong một ngày nắng đẹp. Bergkamp đã không xem lại bàn thắng đó kể từ năm 1998. “Nó đã in chặt vào tâm trí”, anh nói. “Tôi không cần phải xem lại trên truyền hình. Tôi biết chính xác nó diễn ra thế nào”.
Những pha bóng làm nên thương hiệu Bergkamp