Chiếc đèn độc đáo này được thiết kế 3 năm trước và xuất hiện lần đầu trên trang Behance của Max Ashford trong một cuộc thi thiết kế tại trường Đại học Falmouth.
Đây không chỉ là một chiếc đèn tiết kiệm điện với nguồn điện năng thấp mà còn là sản phẩm truyền đạt trực quan ý tưởng của Max Ashford: Cho dù là chất thải, chúng vẫn có thể trở thành một thiết kế tinh tế và có giá trị.
Chiếc đèn Quercus được làm từ thành phần tái chế với thiết kế tinh tế và đẹp mắt.
Được thiết kể theo phong cách tối giản và có thể tháo rời, chiếc đèn Quercus gồm 2 bộ phận chính là giá đỡ đèn đồng thời là giá đứng và phần chao đèn chứa bóng đèn. Phần giá đỡ đèn được làm từ gỗ cây sồi.
Gỗ sồi sau khi được cắt thành miếng sẽ được uốn cong bằng một chiếc khuôn với hơi nước nóng. Thêm vào đó, gỗ sẽ được xử lý qua bằng dầu hạt cơm để làm giảm khả năng mục mối mọt trong quá trình sử dụng.
Phần chao đèn được làm từ những chai rượu vang mà Max thu được từ một nhà hàng địa phương. Chai được cắt phần đuôi và phun mờ để chứa bóng đèn đồng thời điều chỉnh ánh sáng trở nên dễ chịu và thích hợp với mắt hơn. Phần dây nối bóng đèn sẽ được luồn thẳng ra phía ngoài thân đèn và nối trực tiếp với ổ cắm.
Điểm thú vị của chiếc đèn chính là ở việc các bộ phận hoàn toàn có thể tháo rời và nếu bạn không thích hình dáng chiếc chai này, bạn hoàn toàn có thể thay bằng chiếc chai khác (miễn là chai mới chịu được nhiệt trong quá trình sử dụng).
Thêm vào đó, đèn không có bất kì phần hàn dính nào ngoài phần keo dính miếng gỗ hình tròn thủng đỡ đèn với thân đèn. Điều này khiến cho chiếc đèn trở nên tối giản, hài hòa, dễ chịu mang phong cách tinh tế, hiện đại.
Dù đã được thiết kế từ 3 năm trước nhưng chiếc đèn này vẫn chưa đưa vào sản xuất đại trà được do khi ấy, “cha đẻ” của nó còn là một sinh viên đại học nghèo và không đủ tiềm năng kêu gọi vốn. Mãi đến gần đây, chiếc đèn này mới được đội ngũ của Max đưa lên Kickstarter để huy động vốn gọi từ cộng đồng.
Nếu bạn cảm thấy hứng thú với chiếc đèn này và muốn sở hữu chúng trong tương lai, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.