Xưa từ rất xưa, cách đây cả đến hơn 70.000 năm có một vụ phun trào núi lửa khổng lồ đã xảy ra ngay trên Sumatra, hòn đảo lớn nằm ở phía Tây của Indonesia.
Nó thậm chí đã dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu, gây ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt ở thời kỳ ấy.
Sau khi siêu núi lửa Toba hoạt động, một mùa đông kéo dài những 6 năm đã đóng băng cả thế giới. Phải mất đến cả 1000 năm kế tiếp, băng giá mới bắt đầu tan. Thế rồi chính trên miệng siêu núi lửa, một hồ nước hiện ra.
Thiên đường trở lại
Mặc dù Sumatra không phải là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Sunda, nhưng nó là hòn đảo lớn nhất hoàn toàn thuộc về Indonesia.
Nhân tiện, đảo lớn nhất của quần đảo Sunda là New Guinea. Nó rộng 786.000km2. Phần lớn diện tích New Guinea thuộc về Papua New Guinea.
Indonesia chỉ có 2 tỉnh trên đảo này, là Papua và Tây Papua.
Diện tích của Sumatra rơi vào tầm 473.481km2. Nó có một hệ động thực vật cực kỳ đa dạng, nhưng tiếc là đã bị tàn phá nghiêm trọng trong 35 năm qua.
Nhưng dù vậy, hòn đảo này vẫn là một trong những hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thế giới.
Chỉ tính riêng các thực vật đặc hữu, Sumatra cũng đã có 17 loài, trong đó có hoa xác thối (Rafflesia arnoldii) nổi danh và huệ trắng khổng lồ (Amorphophallus titanum) nữa.
Không dừng lại ở đó, hòn đảo này còn là nhà của 201 loài động vật có vú, trong đó có 33 loài đặc hữu, 580 loài lông vũ, 300 loài cá nước ngọt, 93 loài lưỡng cư.
Cũng trên 786.000km2 của nó là 10 công viên quốc gia. Tất cả tích cực vì sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên hoang dã, đặc biệt chú tâm vào các loài bản địa đang bị đe dọa như hổ, tê giác, voi, chim cúc cu và đười ươi Sumatra.
Đảo trong lòng hồ lớn thứ 5 trên thế giới
Toba là hồ trên miệng núi lửa rộng nhất thế giới. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn là nước, mà còn có một số hòn đảo nằm ngay trong lòng hồ.
Nổi bật nhất là Samosir, hòn đảo trong lòng hồ lớn xếp thứ 5 trên toàn cầu.
Diện tích của Samosir rơi vào tầm 640km2 - chỉ kém vài chục km2 nữa là bằng cả đất nước Singapore. Trên Samosir cũng có 2 hồ nhỏ là hồ Sidihoni và hồ Aek Natonang.
Đặc biệt, giữa "đảo con" này và "đảo mẹ" Sumatra còn được nối bằng một eo đất hẹp. Vì thế, du khách có thể chọn cả đường thủy lẫn đường bộ nếu muốn ghé thăm.
Khác với Indonesia tương đối nóng bức, Sumatra lại khá mát mẻ. Riêng Samosir còn càng mát mẻ hơn. Trên mọi mét đất của hòn đảo, thực vật thi nhau phủ kín, tràn ra cả mép bờ hồ.
Leo lên bờ Samosir, sự nhộn nhịp của đất nước đang phát triển mạnh mẽ Indonesia dường như bị bỏ lại hết bên ngoài vòng nước biếc.
Những làng mạc giản dị hiện ra, thanh bình như các miền quê yên ả nhất. Men theo những con đường quanh co, uốn khúc còn có ruộng đồng phơi phới lúa non.
Và nếu đã đến Samosir, bạn cũng đừng quên ghé qua Huta Siallagan, ngôi làng cổ xưa của người Batak.
Nó nằm trong làng Ambarita, vẫn còn các kiến trúc được xây dựng từ thời vua Laga Siallagan, vị vua đầu tiên.
Thêm một điều thú vị nữa các hậu duệ của vua Siallagan ngày nay vẫn đang sinh sống trong ngôi làng này.
Tại đây, chiếc bàn đá và những cái ghế đá đã từng được vua Siallagan ngồi đàm đạo, bàn tính việc nước cũng hãy còn nguyên vẹn.
Chúng nằm dưới gốc cây Hariara, hiện vẫn là địa điểm tập hợp của dân làng Huta Siallagan để thảo luận chuyện làng.
Thác nước Sipiso-Piso cao 120m
Rời Samosir và tiến lên vùng cao nguyên thuộc phía Bắc của Sumatra, thác nước kỳ vĩ Sipiso-Piso, cao tới 120m sẽ hiện ra trước mắt.
Hơi khó để leo xuống chân thác, nhưng cảnh sắc hai bên lối đi sẽ bù đắp xứng đáng cho những giọt mồ hôi.
Tĩnh tâm đứng dưới làn bụi nước tinh khiết, mát lạnh và nghe tiếng thác đổ, cả thể chất lẫn tinh thần đều như được gột rửa, vô cùng sảng khoái.
Tham khảo: National Geographic