Người chỉ huy mẫu mực
Khuya muộn 1/8, ở Nhà tang lễ Bệnh viện 19/8 mới trở về nhà, không chỉ riêng tôi, có lẽ đêm qua là một đêm thật sự khó ngủ của tất cả CBCS Công an Thủ đô và cả cộng đồng mạng hay những người biết đến sự hy sinh anh dũng của 3 CBCS Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy: Thượng tá Đặng Anh Quân (SN 1977), Đội trưởng cùng Thượng uý Đỗ Đức Việt (SN 1998) và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc (SN 2003).
Sáng sớm 2/8, khi tôi tìm đến trụ sở Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc, vừa đến cổng trụ sở thì chiếc xe chữa cháy tại quán karaoke ở Quan Hoa, nơi mà 3 đồng đội của tôi hy sinh chiều qua mới trở về đơn vị.
CBCS trong đơn vị đau đớn sắp xếp lại quân phục, những di vật của đồng đội đã hy sinh.
Khi chiếc xe được đỗ ngay ngắn tại vị trí trực chiến, từ trên xe, Thượng úy Hồ Văn Khánh, Thượng úy Lưu Tuấn Hải và Thiếu úy Phạm Văn Hoài mở cửa bước xuống. Sau gần một ngày vật lộn với giặc lửa hung hãn và nhất là khi 3 người đồng đội anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ, đôi mắt của ai cũng đỏ hoe, trên gương mặt không giấu được vẻ thiếu ngủ. Chẳng ai bảo ai, dường như đã trở thành một phản xạ có điều kiện, mặc định trong hành động, Thượng úy Hồ Văn Khánh và đồng đội thu dọn vòi rồng, các thiết bị chữa cháy, CNCH trước khi bắt đầu một ngày làm nhiệm vụ mới.
Trung tá Trương Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CNCH đôi mắt thâm quầng. 3h sáng nay anh mới từ hiện trường vụ cháy trở về đơn vị. Ngồi thẫn thờ một lát, anh lại xuống Nhà tang lễ Bệnh viện 19-8, nơi mà trong đó 3 đồng đội của anh đang được đơn vị làm các thủ tục chuẩn bị cho lễ tang chu đáo nhất. Trong chiều tối 1/8, Trung tá Trương Tuấn Anh cùng với đồng đội phá vòng lửa lao lên, tìm đủ mọi cách để đưa những người đồng đội ra ngoài. “Khi chúng tôi lên được đến nơi, anh Quân và hai em Việt, Phúc nằm ở 3 vị trí khác nhau, lửa cháy nhìn thương tâm lắm, không chịu nổi”- Trung tá Trương Tuấn Anh nghẹn ngào.
Gắn bó với nhau từ nhiều năm nay, giữa anh Tuấn Anh và anh Quân không chỉ là tình cảm đồng đội đơn thuần mà còn thân với nhau như anh em ruột thịt. Các vụ cháy lớn, nhỏ trên địa bàn hiếm khi thiếu vắng anh và anh Quân tham gia. “Anh em chúng tôi đã cùng tham gia chữa cháy nhiều vụ. Có những vụ cháy lớn, cùng đứng giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết nhưng chúng tôi vẫn vượt qua được. Vậy mà, lần này, anh ấy đã không trở về cùng tôi nữa…!”- Trung tá Trương Tuấn Anh nước mắt giàn giụa.
Những chiếc mũ, di vật của đồng đội hy sinh được CBCS trong đơn vị xếp lại ngay ngắn trong phòng làm việc của các anh
Trong hồi ức của Trung tá Trương Tuấn Anh, Thượng tá Đặng Anh Quân là một chỉ huy nhiệt tình, hoà đồng, tình cảm với anh em nhưng cũng rất nghiêm khắc trong công việc. Với kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, Đội trưởng Đặng Anh Quân luôn là chỗ dựa tin cậy, là “kho” kiến thức truyền thụ cho CBCS để anh em trong đơn vị nâng cao hơn kỹ năng PCCC và CNCH.
Đa số CBCS trong đơn vị đều là lính trẻ, nhiều trong số đó còn chưa có người yêu, chưa có vợ. Với đặc thù đơn vị chiến đấu ăn ở tập trung, chính vì vậy, không chỉ là một người chỉ huy hướng dẫn về nghề nghiệp, Đội trưởng Đặng Anh Quân trong đời thường còn như một người anh, người chú đầy tin cậy, bảo ban, hướng dẫn, động viên CBCS trong cả nếp sinh hoạt.
“Với kỹ năng được đào tạo, anh ấy đã cùng với đồng đội đưa được 8 người dân đang mắc kẹt trong quán karaoke ra ngoài an toàn giữa biển lửa. Chỉ khi tiếp tục quay lại làm nhiệm vụ tìm kiếm thêm người bị nạn, lúc này toàn bộ phần trần phía trên tầng 4 bị lửa nung cháy đổ sập xuống, anh Quân và hai CBCS mới gặp nạn, hy sinh”- Trung tá Trương Tuấn Anh nghẹn ngào.
Những trái tim nóng đã về với trời xanh
Thượng úy Đỗ Đức Việt công tác ở đơn vị từ năm 2019. Là một cán bộ được đào tạo cơ bản từ trường Đại học PCCC, kiến thức vững, ngoài công tác PCCC, Việt còn là một cán bộ đoàn năng nổ. Đặc biệt, Việt có năng khiếu về công tác tuyên truyền những kỹ năng PCCC. Ngoài thời gian đi làm nhiệm vụ PCCC và CNCH ở hiện trường, Việt được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao cho mảng tuyên truyền những kỹ năng PCCC tại khu dân cư, trường học.
Nhiều lần đi cùng với người cán bộ trẻ xuống địa bàn tuyên truyền, Trung tá Trương Tuấn Anh rất tự hào khi Trung úy Đỗ Đức Việt được người dân quý mến. Những bài giảng đơn giản, ngắn gọn, mang tính thực tế cao được Việt tuyên truyền đã giúp cho người dân trên địa bàn hiểu được sự nguy hiểm, tác hại và những nguy cơ, hiểm họa khi xảy ra cháy nổ để phòng ngừa.
Thượng úy Hồ Văn Khánh tần ngần, đau đớn trước những di vật của đồng đội đã hy sinh.
Quý mến người cán bộ trẻ có năng lực, Trung tá Trương Tuấn Anh sắp xếp cho Việt ngồi làm việc tại phòng của mình để rèn giũa, kèm cặp, những mong em sẽ là thế hệ kế tiếp cho chỉ huy đơn vị. “Vậy mà, em Việt đã bỏ anh đi quá sớm!”- giọng nói của Trung tá Trương Tuấn Anh nghẹn lại . “Riêng Phúc thì ngoan lắm, rất nhiệt tình với công việc” - nói đến đây, Trung tá Trương Tuấn Anh lặng đi, đôi mắt đỏ hoe.
Cùng là cán bộ trẻ, ăn ở tập trung trong môi trường chiến đấu cao, Thượng úy Hồ Văn Khánh, Thượng úy Lưu Tuấn Hải, Thiếu úy Phạm Văn Hoài… là những đồng đội thân quý của Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc. Thượng úy Hồ Văn Khánh thuật lại, sau khi nhận được lệnh lên đường đi chữa cháy, anh ngồi cùng xe chữa cháy số 1 với Đội trưởng Đặng Anh Quân. Khi đến nơi, các tổ PCCC và CNCH phối hợp nhịp nhàng vừa chữa cháy, dập lửa vừa tổ chức tìm kiếm đưa những người dân đang mắc kẹt bên trong ra ngoài.
Do thiết kế của quán karaoke rất kín, cửa thông gió gần như không có, lửa từ trên tầng 6 không có đường thoát lên, quay ngược trở lại tấn công những tầng phía dưới. Tường của quán karaoke được thiết kế cách âm, rất dầy, bên trong nhồi nhét trấu khô, giấy bạc nên khả năng giữ nhiệt, om khói vô cùng lớn.
Xe chữa cháy, vòi rồng... cũng lặng yên trước sự hy sinh của 3 CBCS
Khi xảy cháy, nhiệt độ trong phòng rất cao, khói bao trùm, ộc xuống khiến cho những CBCS tham gia công tác PCCC và CNCH đứng sát cũng không nhìn thấy nhau, phải quờ quạng tay để tìm kiếm người bị nạn rồi nhanh chóng đưa ra ngoài. Khói độc quá nhiều khiến cho dưỡng khí trong các căn phòng ngày càng ít đi. Hai đồng chí Đỗ Đức Việt và Nguyễn Đình Phúc lao lên tiếp ứng, cùng với Đội trưởng Đặng Anh Quân đưa được 8 người dân ra ngoài trước khi lửa nung bén chảy làm cho toàn bộ phần trần tầng 4 bị đổ sập, đè lên các anh khi họ quay lại tiếp tục tìm kiếm thêm người bị nạn.
“Việt rất mạnh mẽ nhưng tình cảm. Anh em trong đơn vị đi đâu cũng có nhau. Khi Việt cùng với anh Quân và em Phúc bị lửa vùi bên trong, anh em đau đớn, quyết tìm đủ mọi cách, lao qua biển lửa đưa các anh em ra ngoài nhanh nhất. Xót quá, đau quá!”- Thượng úy Lưu Tuấn Hải vừa treo bộ quân phục của Trung úy Đỗ Đức Việt lên vị trí quen thuộc của Việt, vừa khóc.
Gần như trẻ nhất đơn vị, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc hiền lành, ham học hỏi, được anh em từ chỉ huy đến CBCS quý mến. “Em Phúc học tốt, nhất là tiếng Anh. Đang học dở trường đại học nhưng Phúc bảo lưu kết quả học tập để đi nghĩa vụ Công an. Phúc nói đam mê nghề chữa cháy từ nhỏ, bởi người cha của em ngày xưa cũng từng là lính PCCC. Sau mỗi giờ làm nhiệm vụ, Phúc còn là gia sư hướng dẫn anh em trong đơn vị học thêm ngoại ngữ”- Thiếu úy Phạm Văn Hoài nhớ lại. Anh cố ngăn nhưng nước mắt vẫn rơi tiếc thương người em, người đồng đội cùng đơn vị.
Khi chúng tôi nhắc đến những tấm ảnh trong đó có hình ảnh Đỗ Đức Việt vừa cứu được chú chó tại một vụ cháy được Việt đăng lên trang facebook cá nhân, Thượng úy Hồ Văn Khánh kể rằng, Việt sống tình cảm. Việt từng nói với đồng đội: "Đến những sinh vật dù nhỏ nhất cũng tìm đủ mọi cách lao ra khỏi đám cháy để tìm sự sống thì không có lý do gì chúng ta lại từ chối lao vào lửa để cứu người".
“Chỉ có trái tim nóng, giàu yêu thương, xúc cảm đến vô cùng mới làm được việc đó, mới có thể quên đi tính mạng, sự sống của mình để nhường hơi thở cho những người khác, cho những sinh vật nhỏ bé ấy…!”- Thượng úy Hồ Văn Khánh nghẹn ngào.